Rồng rắn xếp hàng mua vàng

Rồng rắn xếp hàng mua vàng
TP - Giá vàng thế giới có một ngày rớt thê thảm khiến giá vàng trong nước cũng giảm theo “kéo” người dân ồ ạt đến mua vàng; trong khi đó tỷ giá giữa USD/VND vẫn đứng trước hiện tượng bất thường. Tại “chợ đen”, thậm chí ngưỡng 17.000 VND/USD đã bị phá vỡ.
Rồng rắn xếp hàng mua vàng ảnh 1
Chen chúc mua vàng ở Hà Nội. Ảnh: Phạm Yên

Tại Hà Nội, ngay khi giá vàng thế giới tụt xuống sát ngưỡng 710 USD/Oz  (tương đương với giá trong nước 1,590 triệu đồng/chỉ) và giá vàng trên thị trường  tự do còn ở mức 16,60 triệu đồng/chỉ, ngay từ rất sớm đã thấy nhiều người dân có mặt tại các cửa hàng kinh doanh vàng lớn để chờ mua.

Tại “phố vàng bạc” Trần Nhân Tông, nơi tập trung các doanh nghiệp lớn như Bảo Tín Minh Châu, PNJ Hà Nội, Phú Quý… hàng dài xe máy đang chờ đến lượt xếp vào vỉa hè. Hầu hết các chủ nhân đều mang khuôn mặt khá bứt rứt và lo lắng.

Trước cửa hàng Bảo Tín, một bác đứng tuổi nói: “Tôi vừa rút tiền tại ngân hàng mang ra đây, chỉ sợ không mua được vàng vì thấy trong kia (chỉ trong quầy bán vàng) đông quá”. Cùng thời điểm này, quầy vàng 27 Phan Đình Phùng của Cty Vàng bạc đá quý SJC Hà Nội cũng đông nghẹt.

Căn phòng nhỏ chưa đầy 20 m2  phải chứa tới hàng chục con người đang rồng rắn xếp hàng. Trong tay ai cũng lăm lăm những xấp tiền lớn, thậm chí không ít người cầm trên tay là những túi đựng tiền có in tên các ngân hàng. 

“Nghe tin giá thế giới giảm sâu, trong nước cũng giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm đến nay nên rất nhiều người đến đây với quyết tâm mua bằng được”-  Một nhân viên bán hàng Phú Quý cho hay.   

Trao đổi với Tiền phong, ông Đỗ Minh Phú, Giám đốc SJC Hà Nội cho rằng: “Giá  vàng đang diễn biến rất phức tạp, và trái với quy luật thông thường. Thậm chí, các thành trì, ngưỡng cản đang liên tục bị phá vỡ. Chúng tôi cũng đồng ý với những quan điểm các nhà phân tích đưa ra đó là các quỹ đầu tư ngân hàng đang cần thanh toán tiền mặt và họ buộc phải bán vàng ra thị trường, đẩy giá vàng giảm sâu”.

Anh Nguyễn Đang, phụ trách vàng miếng của Bảo Tín Minh Châu cho biết, tính đến cuối chiều qua (24/10), số lượng khách đến mua vàng tại cửa hàng nhiều vô kể.

“Hết hàng của nhà, chúng tôi không kịp gia công phải lấy lại của các bạn hàng mà vẫn  không đủ. Từ hôm kia và hôm qua đến nay, với nhiều đơn hàng lớn cửa hàng phải nợ hàng rất nhiều (tức là người mua cứ trả tiền theo giá niêm yết thời điểm đó, còn vàng miếng thì lấy sau đó vài ngày- PV). Liên quan đến việc người dân ồ ạt đi mua vàng, theo anh Đang, lý do vẫn là hôm qua giá thế giới đã xuống rất mạnh tuy nhiên trong nước chỉ giảm nhỏ giọt, thậm chí đến cuối ngày vẫn đắt hơn thế giới 2 triệu đồng/lượng vì sức cầu quá cao, lại không có hàng.

Phá ngưỡng 17.000 VND/USD

Sau phát biểu của hai  ngân hàng lớn là Vietcombank và BIDV liên quan đến hiện tượng tỷ giá VND/USD đột ngột tăng mạnh mấy ngày nay, nhiều người dân đã khá yên tâm khi các đại diện ngân hàng này đều chung một nhận định giá đôla khó có thể phá mốc 17.000 đồng do nguồn cung ngoại tệ có xu hướng dồi dào vào những tháng cuối năm thông qua vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và nguồn kiều hối.

Các ngân hàng lớn trong nước cũng đảm bảo đủ ngoại tệ đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp. Hơn nữa, lãi suất tiền đồng vẫn ở mức hấp dẫn…

Tuy nhiên, chỉ trong ngày hôm qua (24/10), các cửa hàng ngoại tệ trên phố Hà Trung, Hàng Bông, Hàng Bạc đã phải điều chỉnh tỷ giá đến vài lần. Nếu như buổi sáng khi mở cửa giá bán USD là 16,920 đồng thì đến trưa khi khách mua có chiều hướng tăng, giá bán USD thậm chí đã lên đến 17.020 đồng. Đến đầu giờ chiều, giá bán ra được kéo xuống 17.000 đồng/USD.

Doanh số mua bán ngoại tệ của Vietcombank ba ngày qua gấp đôi, gấp ba thường lệ. Khi thị trường bình ổn, doanh số hai chiều chỉ vào khoảng 100 triệu USD mỗi ngày.

Ngày 20/10, khi Ngân hàng Nhà nước công bố gói giải pháp mới, lượng mua bán lên đến 131 triệu USD. Ngày 22/10, ngân hàng mua vào 160 triệu USD, trong khi bán ra lên đến 161,6 triệu USD.

Tại BIDV, trong cả tháng 9/2008, lượng ngoại tệ BIDV bán trên thị trường liên ngân hàng chỉ vào khoảng 95 triệu USD. Nhưng con số của hai ngày 22 và 23/10 lên tới 70 triệu USD, riêng ngày 23 là 50 triệu USD.

“Nguồn đôla từ Ngân hàng T.Ư vẫn rất dồi dào nhưng không kịp bơm ra thị trường. Các ngân hàng vì thế đã tăng mạnh tỷ giá mua bán” - Tổng giám đốc Vietcombank Nguyễn Phước Thanh nói.

Tỷ giá tăng do ảnh hưởng chính sách tiền tệ và khối ngoại mua vào

Theo đại diện Vietcombank và BIDV, việc tỷ giá bất ngờ tăng thêm 250 đồng, mức tăng mạnh nhất trong gần 3 tháng qua là do sự mất cân đối cung cầu một cách cục bộ, đặc biệt sau khi NHNN công bố gói chính sách tiền tệ mới. Về bản chất, cắt giảm lãi suất cơ bản, tái chiết khấu, tái cấp vốn và tăng lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc là động thái nới lỏng dần chính sách tiền tệ.

Đồng nội tệ vì thế mà mất giá tương đối so với đôla Mỹ. Quyết định giải chấp (thanh toán) trước hạn 20.300 tỷ đồng tín phiếu bắt buộc tạo kỳ vọng tăng cung tiền trong lưu thông cũng làm giảm sức hấp dẫn của tiền đồng.

Cùng lúc đó, đồng đôla Mỹ tăng giá mạnh trên thị trường quốc tế khiến sức ép lên VND lớn hơn. Tâm lý mua gom, tích trữ chờ giá lên đã khiến cầu tăng sau thời gian dài thị trường luôn trong trạng thái dư thừa ngoại tệ.

Cùng đó, động thái của khối ngoại đã ảnh hưởng mạnh tới các doanh nghiệp trong nước. Một số nhà nhập khẩu đã mua gom USD đón đầu, chuẩn bị thanh toán cho đối tác nước ngoài cuối năm, thời điểm mà thị trường liên ngân hàng thường biến động mạnh hơn thường lệ. 

MỚI - NÓNG