Rớt giá, dưa hấu thành thức ăn cho... gia súc

Rớt giá, dưa hấu thành thức ăn cho... gia súc
TP - Chưa có năm nào dưa hấu lại rớt giá thê thảm như năm nay. Hiện dưa hấu chỉ có giá 500 đồng/kg và có khả năng còn xuống giá nữa. Nhiều nhà không bán được dưa phải đổ cho lợn, gà ăn mà không hết.

Một vài năm trở lại đây, cây dưa hấu trở thành cây chủ lực trong sản xuất nông nghiệp của đồng bào các dân tộc một số huyện ở tỉnh Lạng Sơn.

Tại huyện Lộc Bình đa số người dân đã chuyển diện tích trồng lúa, hoa màu sang trồng dưa, tính sơ bộ trong toàn huyện có khoảng 200 ha đất trồng dưa. Có năm 1 ha dưa cho thu hoạch thấp nhất 21 tấn, lãi ròng được khoảng 37 triệu đồng, cao gấp đôi cây lúa…

Thấy trồng dưa hấu mang lại hiệu quả kinh tế cao, nên đồng bào các dân tộc ở Lộc Bình đua nhau trồng dưa. Rồi huyện Chi Lăng cũng nhảy vào cuộc, hầu như xã nào cũng có hộ trồng cây đặc sản, toàn huyện có khoảng 270 ha đất trồng dưa hấu…

Nhưng rồi, thay vì những nụ cười bội thu thì bà con đang méo mặt vì không có đầu ra. Có thể nói chưa có năm nào dưa hấu lại rớt giá thê thảm như năm nay. Hiện dưa hấu chỉ  có giá 500 đồng/kg và có khả năng còn xuống giá nữa. Đã vậy, nhiều nhà không bán được dưa phải đổ cho lợn, gà ăn mà không hết.

Dọc quốc lộ 1A Hà Nội- Lạng Sơn hoặc quốc lộ 4B thành phố Lạng Sơn- Tiên Yên (Móng Cái- Quảng Ninh), hai bên đường la liệt dưa bày bán.

Ông Chu Đường, Phó giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Lạng Sơn: Trồng dưa hấu không làm hại đất như những lời đồn thổi.

Nhưng bà con phải luân canh, tránh trồng dưa nhiều năm trên cùng một diện tích vì làm như vậy đất sẽ thoái hóa nhanh…

Anh Phùng Văn Mão, thôn Khòn Mò, xã Quan Bản (huyện Lộc Bình) ngồi giữa cái nắng chang chang cạnh đống dưa ven đường. Đã gần hết buổi mà anh chưa bán được, nhưng đã trót hái ra nên phải cố chờ khách để bán. Giọt mồ hôi mặn chát đổ trên mặt.

Chị Lô Thị Thu, vợ anh Mão thấy chúng tôi tới bèn bổ dưa ăn rồi bảo: “Chú nào ăn được quả nào thì ăn, tý nữa chị lại khuân về cho lợn, cho vịt thôi. Mà vịt mấy hôm nay cũng chán ăn thứ quả ngọt này rồi…”.

Không chỉ dân các xã Đồng Bục, Quan Bản, Xuân Mãn… phải đổ dưa cho gia súc ăn, mà nhiều hộ từ Vân An, Chiến Thắng, Mai Sao (huyện Chi Lăng) không bán được dưa cũng đứng ngồi không yên.

Nguyễn Văn Thiện, một thanh niên ở Bản Bẻ, xã Xuân Tình (Lộc Bình) gánh dưa từ nhà đến ven quốc lộ 4B đi gần 10 cây số không bán được, méo mặt cầm quả dưa than vãn một ngày đen đủi. Nhiều người bỏ dưa lại mặt đường, đêm đến có người lấy cũng mặc…

Người dân đã quá xót xa với cảnh rớt giá và ế ẩm thì lại lo lắng về hiện tượng dưa hấu quả một nhỏ dần qua mỗi năm, chất lượng kém đã xuất hiện khá phổ biến ở Lộc Bình.

Kèm theo đó là nỗi lo khi có tin đồn lan truyền: Trồng dưa làm hại đất, khi đất trồng dưa được ba, bốn năm thì coi như bỏ đi, trồng cây gì cũng không đem lại hiệu quả.

Bà Hoàng Thị Lý ở thôn Bản Mặn, xã Xuân Mãn, huyện Lộc Bình lo lắng cho biết: Bây giờ ai cũng sợ đất đã trồng dưa sẽ không trồng lúa được thế thì sẽ đói ăn mất. Một số hộ trong thôn trồng các cây hoa màu khác không đem lại năng suất cao nên càng… hoảng.

Khi chúng tôi hỏi, đa số người dân ở đây cho biết họ không được các khuyến nông viên tập huấn hoặc các ngành chức năng ở huyện tư vấn, mách bảo về giống, cách gieo trồng, chăm sóc, bảo vệ cây trồng v.v. mà họ chủ yếu học tập, bắt chước nhau làm ăn.

Bởi vậy, việc dưa thoái hóa nhanh, chất lượng không cao cũng như việc trồng dưa ồ ạt, vô tội vạ đã mang đến một hệ quả nhãn tiền: Thành quả lao động khó nhọc của bà con đã phải đổ ra ngoài đường, cho lợn, gà, vịt ăn…

MỚI - NÓNG