Ruộng đồng 'hấp hối'

TP - Hạn mặn tại ĐBSCL năm nay được đánh giá là nghiêm trọng, đã phá vỡ mọi kỷ lục. Không ai nghĩ vùng sông nước “Chín Rồng” lại… khát nước như hôm nay.   

Cắt lúa khô héo cho bò ăn

Giữa trưa nắng chang chang, ông Võ Văn Sơn (56 tuổi, ở ấp Thành Nhì, xã Bình Xuân, Gò Công, Tiền Giang) lội xuống  rạch vét những giọt nước còn lại với hi vọng “còn nước còn tát” để cứu lấy 6 công ruộng (6.000m2) lúa đang kỳ trổ đòng. Xung quanh ruộng ông là cánh đồng lúa mênh mông của bà con, rộng cả ngàn ha đang trong giai đoạn làm đòng cũng đang khát nước trầm trọng.

Những cơn gió khô cháy, mang vị mặn chát đổ về cánh đồng lúa như xát muối vào lòng dạ người nông dân. Ngửa mặt lên trời, ông Sơn than thở: “Mấy chục năm gắn bó với cây lúa nhưng chưa bao giờ gặp hạn mặn khủng khiếp như năm nay. Chắc mùa này trắng tay rồi ông… trời ơi”.

Ruộng đồng 'hấp hối' ảnh 1 Kênh rạch khô hạn

Bà Võ Thị Nguyên (ở cùng ấp) cũng đang vét bùn tìm những giọt nước ít ỏi cuối cùng để cứu 0,4 ha lúa của mình. Bà cho biết, mấy chục năm ở xứ này chưa bao giờ thiếu nước như thế. “Đợt hạn năm 2016 gay gắt nhưng còn vớt vát chút đỉnh nhưng năm nay đến sớm hơn cả tháng. Giờ lúa đang èo uột, chết dần vì khát nước”, bà Nguyên nói.

Men theo những cánh đồng ở huyện Gò Công Tây, Gò Công Đông rồi thị xã Gò Công (Tiền Giang) những ngày đầu tháng 3 này là cảnh những kênh rạch khô cạn, nứt nẻ tận đáy chạy dài bên những cánh đồng khô cạn, xác xơ. Ông Nguyễn Văn Xem, 67 tuổi ở ấp 2, xã Bình Xuân (Gò Công Tây) có 0,3 ha lúa đang trong giai đoạn làm đòng nhưng thiếu nước nên ông quyết định cắt lúa về cho bò ăn. “Không còn giải pháp nào khác. Càng cố gắng cứu lúa càng lỗ tiền công, tiền dầu. Mà cũng chẳng còn nước đâu mà bơm. Nước sinh hoạt cho người còn chắt chiu từng giọt, thì mong gì nước ngọt cho lúa, chấp nhận trắng tay vụ này thôi”, ông Xem chua chát.

Ruộng đồng 'hấp hối' ảnh 2 Một cánh đồng lúa chết khô ở Sóc Trăng. Ảnh: Xuân Lương.

Kiên Giang cũng là tỉnh đang gánh chịu hạn mặn lịch sử nặng nề. Theo báo cáo của ngành chức năng, chỉ riêng huyện Hòn Đất và Kiên Lương đã có  gần 1.600ha lúa bị thiệt hại. Tình trạng xâm nhập mặn ngày càng sâu và gay gắt hơn so với nhiều năm trước.

Tại ấp Vàm Rầy, xã Bình Sơn, huyện Hòn Đất, nhiều diện tích lúa đã bị cháy vàng.  Ông Lê Văn Phú cho biết: Vụ này gia đình tôi xuống giống gần 8ha, trước tết nhìn đám ruộng xanh mướt, nhưng qua tết đột nhiên lúa bị ngả vàng. Nguyên nhân do hạn hán, mặn xâm nhập. Cũng theo ông Phú, chưa năm nào hạn mặn khốc liệt như năm nay, gia đình đầu tư vốn liếng vào thửa ruộng này gần 100 triệu đồng, với tình hình như hiện nay nguy cơ mất trắng là rất cao.

Trong khi đó tại xã Lình Huỳnh của huyện Hòn Đất, một trong những địa phương nằm giáp biển hiện nay đang bị thiệt hại nặng. Ông Nguyễn Thanh Vui, một người dân ở Lĩnh Huỳnh cho biết, vụ này gia đình vay 200 triệu đầu tư gieo trồng hơn 13ha lúa. Hạn mặn đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất, chất lượng lúa, thiệt hại khoảng 70%. Thương lái ra ruộng xem chê lúa xấu, không đạt chuẩn, họ không thèm trả giá, quay lưng ra về. Giờ không biết lấy tiền đâu mà trả nợ ngân hàng, trả tiền phân bón, thuốc trừ sâu…

Ruộng đồng 'hấp hối' ảnh 3 Vô vọng vì không cứu được lúa, ông Nguyễn Văn Xem đành cắt về cho bò ăn. Ảnh: Hòa Hội

Cây ăn trái lao đao

Tỉnh Tiền Giang được xem là thủ phủ cây ăn trái ở vùng ĐBSCL, hàng chục ngàn héc ta cây trồng ở đây đã và đang đứng trước nguy cơ “chết đứng” do thiếu nước trầm trọng. Điển hình là cây sầu riêng ở huyện Cai Lậy, hạn hán và xâm nhập mặn đã ảnh hưởng trực tiếp đến gần 10.000 héc ta cây trồng chủ lực này.

Nhiều vườn sầu riêng nơi đây đang bị khô nhánh, rụng lá và trong tình trạng “hấp hối” từng ngày. Người dân đang chia sẻ những can nước ngọt còn lại từ kênh rạch để cầm cự, hy vọng cứu vãn tình thế cho vườn sầu riêng.   

Ông Nguyễn Thế Phương (ấp Mỹ Chánh, xã Long Tiên, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) cho biết từ khi nước sông bị nhiễm mặn, các đập cống đóng, chỉ lấy nước trong các đìa để tưới nhưng nắng nóng kéo dài đã cạn kiệt nước, vườn sầu riêng của ông có nguy cơ thiệt hại gần hết vì toàn bộ số cây hiện đã héo và rụng lá, nguy cơ cây chết là rất cao. Ông Nguyễn Văn Huynh (ở cùng xã Long Tiên) cho biết 6.000m2 sầu riêng của ông cũng đang trong tình cảnh tương tự. “Bây giờ chỉ tưới nhỏ giọt, phun sương để cầm chừng, cứu được khúc nào hay khúc đó chứ biết sao giờ, chưa bao giờ như năm nay”,  ông Huynh thở dài.

Còn tại huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, nơi chuyên sản xuất cây giống ăn trái, người dân đang phải mua từng khối nước (150.000 đồng/khối) để tưới cây cho qua đợt hạn mặn này. Bà Nguyễn Thị Thu Hương (ấp Tân Phú, xã Sơn Định, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) cho biết, trong tổng số 10.000 cây giống của bà, số cây bị chết khoảng 20-30% do thiếu nước, còn lại vẫn đang “gồng mình” chống chọi. “Đó là mới thời gian ngắn vừa qua, nếu tình hình hạn hán kéo dài thì cây trái nào mà sống nổi”, bà Hương lo lắng.

Hạn mặn ở Sóc Trăng cũng đang diễn ra gay gắt. Mặn đã ở mức trên 15 - 20% tại nhiều khu vực. Hàng ngàn lúa đã bị mất trắng vì hạn hán và mặn xâm nhập. Hàng trăm ha cá cũng bị thiệt hại nặng do thiếu nước ngọt. 

5 tỉnh công bố tình huống khẩn cấp: Bến Tre, Kiên Giang, Tiền Giang, Long An và Cà Mau. Tại tỉnh Bến Tre, hơn 5.000ha lúa vụ 3 bị mất trắng, khoảng 20.000ha cây ăn trái được đặt trong tình huống “báo động đỏ”. Tại Cà Mau, hạn hán gây thiệt hại hơn 18.000 ha lúa, hoa màu, gần 43.000 ha rừng. Vườn Quốc gia U Minh Hạ đang trong tình trạng báo động cháy. 

MỚI - NÓNG