Sacombank và Southernbank xin sáp nhập

Sacombank và Southernbank xin sáp nhập
Nếu được thông qua, ngân hàng sau sáp nhập giữ tên Sacombank với tổng tài sản 240.000 tỷ đồng, chỉ đứng sau 4 ngân hàng vốn nhà nước.

Chiều 6/4, Tổng giám đốc Sacombank Phan Huy Khang cho biết đề án sáp nhập đang được hai bên ráo riết hoàn tất và sẽ được Sacombank bổ sung vào các nội dung xin ý kiến cổ đông trước đại hội. Đây được xem là bước đầu tiên trước khi phương án được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận và đại hội cổ đông Sacombank (diễn ra vào ngày 25/3) thông qua.

Sacombank và Southernbank xin sáp nhập ảnh 1

Nếu được cổ đông thông qua và Ngân hàng Nhà nước phê duyệt, Southernbank sẽ sáp nhập vào Sacombank.

Ông Khang cho biết, từ năm 2013, đại hội đồng cổ đông Sacombank đã ủy nhiệm cho hội đồng quản trị tìm kiếm ngân hàng nhỏ để sáp nhập nếu thuận lợi. Sau thời gian tìm hiểu, ban lãnh đạo Sacombank nhận thấy sáp nhập với Phương Nam là thuận lợi vì có nhiều điểm tương đồng.

"Phương Nam cũng nhận thấy họ tự tái cấu trúc là không khả thi, nên đã đề nghị được sáp nhập vào Sacombank. Từ đó hai bên thống nhất nghiên cứu khả năng sáp nhập. Việc này đối với cả hai là tự nguyện, phù hợp với chủ trương của Nhà nước", ông Khang nói

Theo CEO Sacombank, đề án sáp nhập sẽ thống nhất giữ toàn bộ nhân sự của hai bên. Thương hiệu Southernbank sau đó sẽ không còn tồn tại, thay vào đó là cái tên hợp nhất Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín.

Nếu thương vụ thành công, ngân hàng sau sáp nhập có vốn điều lệ gần 16.500 tỷ đồng (bằng tổng vốn điều lệ hiện tại của Sacombank 12.425 tỷ đồng và Phương Nam 4.000 tỷ đồng), với tổng tài sản khoảng 240.000 tỷ đồng đưa quy mô nhà băng vươn lên, chỉ đứng sau "4 ông lớn quốc doanh".

Ông Khang cho rằng, việc sáp nhập để tạo ra các ngân hàng lớn, vững mạnh hơn đang là xu thế tất yếu của việc tái cơ cấu thị trường tài chính, ngân hàng, được các cơ quan quản lý ủng hộ. Ngoài ra, việc sáp nhập cũng mang tới khả năng mở rộng hoạt động cho ngân hàng cũng như đối tác sáp nhập, bổ sung lợi thế kinh doanh cũng như quản lý chi phí.

"Nếu sáp nhập thành công, Phương Nam cũng sẽ đi theo xu hướng đẩy mạnh hoạt động bán lẻ-vốn là thế mạnh hiện nay của Sacombank", ông Khang chia sẻ.

Riêng về tỷ lệ hoán đổi cổ phần, thành viên ban lãnh đạo sau sáp nhập, ông Khang cho biết sẽ được thảo luận chi tiết trong đề án và công bố sau.

Lãnh đạo Sacombank cho biế thêm, việc sáp nhập thực chất vẫn trong giai đoạn xúc tiến bước đầu. Trong trường hợp được đại hội cổ đông 2 bên thông qua, Sacombank và Sourther Bank sẽ cần tiếp tục nhận được sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan quản lý mới được phép tiến hành. Theo ông, đây là một quá trình lâu dài và cẩn trọng, cần đảm bảo đúng thủ tục, quy trình cũng như quyền lợi của khách hàng, cổ đông và sự an toàn trong hệ thống.

Phương án sáp nhập Sacombank với một ngân hàng khác đã được thị trường bàn luận từ lâu, đặc biệt sau khi Eximbank chính thức trở thành cổ đông lớn nhất vào đầu tháng 1/2012, khởi đầu cho hàng loạt biến cố dẫn tới sự chuyển giao quyền lực giữa cha con người sáng lập Đặng Văn Thành với các cổ đông ngoài gia đình. Sacombank thời hậu ông Đặng Văn Thành cũng đã vài lần xác nhận khả năng sáp nhập với Southernbank rồi sau đó là Eximbank.

Gần đây, người ta nhắc nhiều hơn tới khả năng Sacombank và Southernbank về một nhà, khi mà gia đình ông Trầm Bê cùng lúc có vai trò quan trọng ở cả hai ngân hàng. Tại Southernbank, ông Trầm Bê và các con đang nắm giữ trên 20% cổ phần, vượt quy định của Ngân hàng Nhà nước. Còn tại Sacombank, ông Trầm Bê đang là Phó chủ tịch thường trực và con trai là thành viên Hội đồng quản trị. Ông không sở hữu cổ phiếu Sacombank, nhưng các con đang nắm khối lượng lớn.

Trong lộ trình tái cơ cấu bắt đầu từ năm 2012 đến nay, Thống đốc Nguyễn Văn Bình nhiều lần nhắc tới kế hoạch sáp nhập để cho ra đời một số ngân hàng quy mô lớn tầm khu vực, bên cạnh việc xử lý những đơn vị quy mô nhỏ hoạt động không hiệu quả và không minh bạch về quản trị, sở hữu.

Thương vụ giữa Sacombank và Sourthenbank nếu thành sẽ là vụ sáp nhập đình đám tiếp theo trên thị trường, sau hợp nhất 3 nhà băng tại TP HCM vào cuối năm 2011; Habubank-SHB sáp nhập ở Hà Nội năm 2012 và gần đây nhất là hợp nhất Western Bank với Công ty Tài chính PVFC.

Tới đây, không loại trừ khả năng các ngân hàng quốc doanh sẽ tìm kiếm để hợp nhất, sáp nhập một số ngân hàng cổ phần quy mô nhỏ.

Theo Lệ Chi

Theo VnExpress
MỚI - NÓNG