Saigontourist: Liên doanh để thua lỗ

Saigontourist: Liên doanh để thua lỗ
Việc triển khai liên doanh mở rộng các dự án kinh doanh lưu trú khắp cả nước trong thời gian qua của Saigontourist (SGT) được xem là có tốc độ “chóng mặt”. Nhưng kết quả hoạt động của một số dự án này đều trong tình trạng thua lỗ.

SGT đã nỗ lực phát triển thương hiệu nhưng lại quên xây chắc “nền ngôi nhà” của mình.Ảnh: Hữu Vinh

Tính đến thời điểm cuối năm 2003, SGT đã đầu tư liên doanh, liên kết thành lập 27 Cty cổ phần hoặc Cty TNHH ở 15 tỉnh, thành phố. SGT đã góp vốn với những hình thức khác nhau.

Thống kê cho thấy, tổng số vốn điều lệ đăng ký theo giấy phép của các doanh nghiệp này là 545,17 tỷ đồng, trong đó SGT góp 216,2 tỷ đồng (thực góp 191,7 tỷ đồng và chưa góp là 24,6 tỷ đồng). Những dự án mà SGT có vốn đầu tư lớn, nếu không nói là “ngang ngửa” với đối tác như khách sạn Sài Gòn  - Hạ Long, Sài Gòn – Morin, Sài Gòn  - Tourane, Việt Hồng Sài Gòn – Cần Thơ…

Thế nhưng trong 27 đơn vị liên doanh với các doanh nghiệp trong nước này thì có 15 đơn vị có xác định phương án thu hồi vốn thể hiện trên dự án đầu tư. Đến cuối năm 2003, có 19 trong số 27 liên doanh  còn hoạt động, trong đó 4/19 liên doanh bị thua lỗ, 1 liên doanh trong tình trạng giải thể, 3 liên doanh mới thành lập hoặc đang trong tình trạng xây dựng chưa có hoạt động sản xuất kinh doanh. Và một số liên doanh đang trong tình trạng phôi thai nhưng đã có biểu hiện sai phạm.

Trong số gần 27 Cty liên doanh, liên kết trong nước thì chỉ có 19/27 còn hoạt động. 4/19 liên doanh bị thua lỗ, 1 bị giải thể. Một số đang trong tình trạng phôi thai nhưng đã có biểu hiện sai phạm. Với 15 Cty liên doanh với nước ngoài, cũng đa phần trong tình trạng thua lỗ.

Cụ thể, ở dự  án Cty cổ phần địa ốc Sài Gòn M&C, sau khi mua lại cổ phần góp vốn pháp định của đối tác trong liên doanh Cột cờ – Thủ Ngữ, SGT cùng Cty cổ phần M&C, Cty TNHH Đất Thủ đô thành lập Cty địa ốc Sàigòn & MC. Trong bản điều lệ ngày 27/2/2004 của Cty, chỉ mới thể hiện giá trị thương quyền sử dụng lô đất thuộc phần góp của SGT trong vốn điều lệ 9,9 triệu USD, còn 6,6 triệu USD là giá trị phần móng công trình và các chi phí khác thuộc về SGT lại không thấy (!?).

Khi Cty này vừa mới thành  lập, chưa đi vào hoạt động nhưng các cổ đông sáng lập đã thỏa thuận chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài. Điều này làm trái quy định của Chính phủ. Đối với liên doanh Sài Gòn – Hà Nội,  tuy được thành lập từ năm 1993, nhưng từ năm 1999 đến nay chưa được cơ quan thuế kiểm tra và quyết toán thuế(!?).

Dự  án này có đến 4,5 tỷ đồng tiền vốn ngân sách Nhà nước, chiếm 57%. Nhưng khi thực hiện việc chia tỷ lệ lãi và khấu hao tính đến tháng 12/2003 thì Cty Du lịch đường sắt Hà Nội tỷ lệ 51% và SGT là 49%, còn vốn ngân sách thì lãi không thấy đâu. Xét chia theo cơ cấu vốn tại doanh nghiệp đã được quy định của Tổng Cục quản lý vốn và tài sản nhà nước thì nguồn vốn ngân sách đã mất đi 8,56 tỷ đồng trong dự án này.

Nghiêm trọng hơn là dự án Cty cổ phần du lịch Khách sạn Sài Gòn – Hạ Long. Dự án này trên cơ sở hình thành của Khách sạn Sài Gòn tại Hạ Long, một đơn vị phụ thuộc của SGT. Thế nhưng khi huy động vốn của các cổ đông để thực hiện dự án nhưng SGT không làm thủ tục đúng theo quy định (kể cả việc không báo cáo UBND TPHCM), nhưng vẫn được UBND tỉnh Quảng Ninh cấp phép thành lập Cty cổ phần.

Đồng thời ở phần xây dựng,  dự án này cũng  phát sinh thêm 3,6 tỷ đồng. Ngoài ra, ở các dự án liên doanh khác, những khoản tiền thất thoát trong xây dựng ở giai đoạn ban đầu đã được thể hiện, như Khu du lịch Sài Gòn - Mũi Né có giá trị chênh lệch cao hơn số liệu sau khi kiểm toán 658 triệu đồng; dự  án đầu tư khách sạn 4 tầng giai đoạn 2 , mặc dù đã được Sở Xây dựng Bình Thuận thẩm định là 2,98 tỷ đồng,  nhưng khi quyết toán lại vượt dự toán thẩm định 129,9 triệu đồng.   

Còn liên doanh với nước ngoài thì sao? Tính đến cuối năm 2003, trong số 15 Cty liên doanh mà SGT tham gia góp vốn và được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy phép thành lập thì có 8 Cty liên doanh đang hoạt động với số vốn pháp định 156,8 triệu USD. Số vốn mà SGT góp trong 8 Cty này 37,1 triệu USD (trong đó tiền mặt 2,3 triệu USD). Tuy nhiên, thật đáng buồn là chỉ có 2 trong 8 Cty nói trên là có lãi hoặc lãi do cho thuê mặt bằng; 6 Cty thua lỗ với số lỗ luỹ kế là 42,98 triệu USD. Nếu bù trừ lãi lỗ thì số lỗ lũy kế là 37,18 triệu USD! 

MỚI - NÓNG