Samsung Việt Nam phản bác báo cáo gây sốc về lao động nữ

Lao động nữ làm việc tại nhà máy Samsung phản ánh gặp nhiều vấn đề về sức khỏe. ảnh minh họa
Lao động nữ làm việc tại nhà máy Samsung phản ánh gặp nhiều vấn đề về sức khỏe. ảnh minh họa
TPO - Một báo cáo mới được công bố cho thấy, lao động nữ làm việc tại các nhà máy Samsung Việt Nam đang đối mặt hàng loạt vấn đề về sức khỏe, như giảm thị lực, chảy máu mũi... thậm chí hiện tượng sảy thai được xem là rất “bình thường”. Tuy nhiên, phía Samsung Việt Nam phản bác và lấy làm tiếc về báo cáo này khi đơn vị nghiên cứu không tới thăm nhà máy của Samsung.
IPEN – một tổ chức phi chính phủ có văn phòng tại Thụy Điển, cùng Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Môi trường trong phát triển (CGFED) vừa đưa ra một báo cáo chưa từng có về sức khỏe của lao động nữ tại các nhà máy của Samsung Việt Nam với nhiều vi phạm trong sử dụng lao động. Lập tức phía Samsung cũng đã có phản hồi !
Nhiều ảnh hưởng sức khỏe

Theo đó, đơn vị nghiên cứu đã trực tiếp phỏng vấn một số lao động đang làm việc cho Samsung, kết quả được đơn vị nghiên cứu đánh giá là lần đầu tiên có, bời Samsung rất bí mật các thông tin về điều kiện lao động. Do đó, báo cáo đã cấp một cái nhìn hiếm hoi về cuộc sống trên sàn nhà máy Samsung.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, Việt Nam đã chú trọng các tiêu chuẩn với sản phẩm nhưng chưa có quy định cụ thể về an toàn nơi làm việc, bảo vệ sức khỏe người lao động. Khoảng 80% lao động tại Samsung là nữ, và làm ở những vị trí thấp nhất trong dây chuyền sản xuất.

Người lao động làm việc cho Samsung được ký hợp đồng lao động, nhưng họ không được công ty cho giữ bản hợp đồng nào, điều này trái quy định pháp luật Việt Nam. Họ phải làm thêm giờ, tăng ca thường xuyên, bất kể ngày hay đêm, kể cả cuối tuần. Với thời gian làm liên tục lên tới 4 ngày, đứng suốt từ 8 tới 12 tiếng đồng hồ. 

Trong khi môi trường làm việc khá ồn ào, nên người lao động nói họ gặp các triệu chứng phổ biến như giảm thị lực, chảy máu mũi, phù chân, biến đổi sắc mặt, đau bụng, xương và khớp.

Đặc biệt, lao động có thai cũng phải đứng trong suốt thời gian làm việc, ít người dám nghỉ vì sợ Samsung xử phạt vì nghỉ quá thời gian cho phép. Đặc biệt, Samsung quản lý rất chặt thời gian của người lao động, tới mức đi vệ sinh cũng phải xin “thẻ đi vệ sinh”. Nhiều lao động cảm thấy chóng mặt, ngất xỉu tại nơi làm việc, thậm chí sẩy thai, nhưng họ xem đó là “điều bình thường”.

Công việc trong nhà máy sản xuất điện thoại bao gồm các công đoạn sử dụng tới sơn, mực và chất tẩy rửa chứa nhiều hóa chất. Trên thực tế các quá trình như gia nhiệt, phun, phủ kim loại, in laser và cắt, tất cả đều có khả năng lây nhiễm hóa chất.

Samsung: Không phải vậy!

Liên quan tới báo cáo trên, trao đổi với Tiền Phong, đại diện Samsung Việt Nam lấy làm tiếc về báo cáo trên vì đơn vị nghiên cứu không thông qua Samsung tới thăm nhà máy. Đồng thời, Samsung khẳng định luôn cố gắng vì sức khỏe và sự an toàn, phúc lợi của người lao động. Đồng thời, tất cả các hoạt động kinh doanh của công ty đều đang tuân thủ một cách nghiêm ngặt pháp luật Việt Nam cũng như những tiêu chuẩn toàn cầu.

Như, người lao động vào làm việc tại Samsung được ký hợp đồng và được giữ 1 bản. Đồng thời, người lao động được đảm bảo thời gian nghỉ ngơi, được đi vệ sinh bất kể lúc nào và không giới hạn thời gian.

Người lao động cũng được khám sức khỏe hàng năm, có liên kết với các bệnh viện trong khu vực để ứng phó trường hợp khẩn cấp; thành lập trung tâm cơ xương khớp để phòng các bệnh do thao tác lặp đi lặp lại. Lao động nữ mang thai được đưa vào diện đặc biệt để có chế độ ưu tiên.

Samsung thừa nhận một số công đoạn có sử dụng hóa chất, nhưng đều có biện pháp phòng trừ phơi nhiễm, và môi trường được đo lường mỗi năm 2 lần. Đồng thời, nhà máy cũng được các cơ quan chức năng Việt Nam thanh kiểm tra thường xuyên, nhưng không phát hiện gì bất thường.

Samsung Việt Nam hiện có hơn 100.000 lao động, mỗi năm hiện đang sản xuất khoảng 180 triệu chiếc điện thoại thông minh và máy tính bảng, xuất khẩu đi khoảng 120 quốc gia trên toàn thế giới, chiếm hơn 20% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Được biết, 50% điện thoại của Samsung là sản xuất ở Việt Nam, với 2 nhà máy chính tại Bắc Ninh và Thái Nguyên.
Hiện Bộ LĐ-TB&XH đã biết có báo cáo trên, và dự kiến sẽ làm việc với Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) để thảo luận về báo cáo trên.
MỚI - NÓNG