Sân bay Tân Sơn Nhất sẽ được mở rộng ra sao?

Ưu tiên làm nhà ga thứ 3 sân bay Tân Sơn Nhất trên sân đất sân gôn
Ưu tiên làm nhà ga thứ 3 sân bay Tân Sơn Nhất trên sân đất sân gôn
TPO - Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa phê duyệt quy hoạch chi tiết cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (TPHCM) giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến 2030.

Theo đó, đối với các công trình khu vực phía Nam, sân bay ưu tiên đầu tư ngay nhà ga hành khách T3 (bên cạnh nhà ga T1, T2 hiện hữu), sân đỗ, đường giao thông và các công trình phụ trợ trên diện tích đất được Bộ Quốc phòng thống nhất bàn giao để giảm ùn tắc giao thông. Tiếp tục mở rộng nhà ga hành khách, sân đỗ và các công trình phụ trợ theo quy hoạch trên cơ sở nhu cầu phát triển và tiến độ đất được bàn giao.

Tại khu phía Bắc, sân bay ưu tiên triển khai đầu tư ngay hồ chứa nước và trạm bơm cưỡng bức trên diện tích đất được Bộ Quốc phòng bàn giao để chống ngập úng; Triển khai kêu gọi xã hội hoá đầu tư, các thủ tục bồi thường giải phóng mặt bằng để đầu tư các công trình dịch vụ kỹ thuật hàng không theo quy hoạch.

Với các công trình khu bay, ưu tiên triển khai đầu tư, nâng cấp các công trình đường hạ cất cánh, đường lăn song song, đường lăn nối và các công trình phụ trợ để nâng cao năng lực. Triển khai đầu tư đường lăn song song phía Bắc và các đường lăn nối vào đường lăn song song phía Bắc phù hợp với nhu cầu khai thác của các công trình dịch vụ kỹ thuật hàng không khu vực phía Bắc.

Hệ thống đường trục ra vào cảng sẽ được triển khai ngay sau khi điều chỉnh quy hoạch chi tiết được duyệt, phù hợp với quy hoạch giao thông của TP HCM.

Sân bay Tân Sơn Nhất được quy hoạch sử dụng chung dân dụng và quân sự với 160 vị trí đỗ. Sản lượng vận chuyển đạt 50 triệu khách/năm (từ 20 triệu khách/năm hiện nay). 

Sân đỗ máy bay trước nhà ga hành khách T3 và sân đỗ phía Tây Nam được bổ sung, đáp ứng 56 vị trí, nâng tổng số vị trí đỗ lên 106. 

Trước đó, Công ty tư vấn và thiết kế công trình hàng không (ADCC) tính toán, dự kiến chi phí triển khai quy hoạch mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất cần khoảng 25.000 tỷ đồng. Trong đó xây dựng nhà ga T3 hơn 7.600 tỷ, sân đường máy bay hơn 5.200 tỷ, nhà ga hàng hoá hơn 3.000 tỷ, còn lại là hệ thống hạ tầng kỹ thuật đi kèm. 

Trong khi đó, tư vấn ADPi  (Pháp) tính toán các công trình trên cần vốn đầu tư hơn 35.700 tỷ đồng.

Cảng hàng không Tân Sơn Nhất có tổng diện tích đất theo quy hoạch điều chỉnh là 791 ha (chưa bao gồm diện tích đất quốc phòng), trong đó diện tích cảng hiện hữu là 545 ha; diện tích đất quốc phòng đã tạm bàn giao làm sân đỗ gần 20 ha; diện tích đất quốc phòng liên danh với hàng không dân dụng hơn 18ha; diện tích đất quy hoạch bổ sung phía Nam hơn 35 ha; diện tích đất bổ sung phía Bắc hơn 171 ha.

MỚI - NÓNG