Sản xuất phân bón không phép 'made in USA'

Sản xuất phân bón không phép 'made in USA'
TP - Dù không có giấy phép sản xuất phân bón, nhưng Cty SX&TM Thuận Phong vẫn tổ chức sản xuất hàng ngàn tấn phân bón bán ra thị trường dán nhãn “made in USA” (sản xuất tại Mỹ) song lại “ra lò” từ tỉnh Đồng Nai.

Đòi tẩu tán hàng giả?

Ngày 9/6, Cơ quan thường trực Ban 389 tỉnh Đồng Nai có văn bản số 39 gửi UBND tỉnh này xác nhận Cty SX&TM Thuận Phong có hành vi sản xuất, kinh doanh phân bón trái phép (không có giấy phép sản xuất phân bón) tại địa chỉ thuộc khu phố 7, phường Long Bình, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Trong công văn do Phó Trưởng ban phụ trách cơ quan thường trực Ban 389 tỉnh Đồng Nai Trương Phước Đông khẳng định doanh nghiệp này sản xuất phân bón tại địa điểm trên khi chưa có sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền.

Hiện cơ quan điều tra đang tiếp tục làm rõ việc Cty SX&TM Thuận Phong sản xuất phân bón tại địa chỉ trên ghi mác “Made in USA”. Vì thế, cơ quan này đã bác bỏ kiến nghị của doanh nghiệp mở niêm phong kho chứa thành phẩm, giải tỏa hàng hóa mà đoàn kiểm tra liên ngành của Ban 389 niêm phong trước đó. Theo kết quả thông báo giám định mẫu phân bón của doanh nghiệp này có 19/29 mẫu vi phạm không phù hợp (không đạt chất lượng). Vì thế, đoàn kiểm tra tiếp tục niêm phong kho chứa phân bón tại nơi sản xuất kinh doanh trái phép của doanh nghiệp này để tiếp tục xác minh xử lý.

Chiều 16/6, trao đổi với Tiền Phong, một lãnh đạo Ban 389 quốc gia tham gia đoàn kiểm tra liên ngành kể trên đánh giá: Kiến nghị dỡ bỏ niêm phong kho chứa thành phẩm, giải tỏa hàng hóa của doanh nghiệp chỉ nhằm mục đích tẩu tán tang vật.

Làm rõ để đảm bảo quyền lợi sức khỏe cho dân

Trước đó, trong chiến dịch triệt phá sản xuất phân bón giả trên địa bàn các tỉnh phía Nam, ngày 24/4, Đoàn kiểm tra liên ngành Ban 389 phối hợp với cơ quan quản lý địa phương tỉnh Đồng Nai bất ngờ kiểm tra đối với Cty SX&TM Thuận Phong. Tại thời điểm kiểm tra khu vực sản xuất đoàn phát hiện 2 công nhân nữ đang rót phân bón (dạng nước) từ bồn chứa vào bao bì (bằng chai nhựa) mang nhãn hiệu VITOL (loại 1 lít/chai). Trên nhãn sản phẩm ghi nguồn gốc xuất xứ “Made in USA” cho thấy đây là sản phẩm giả nguồn gốc, nơi sản xuất, đóng gói.

Ngoài ra số lượng hàng hóa tại kho có nhãn hàng hóa ghi xuất xứ “Made in USA” gồm 3.224 chai các loại (tương đương khoảng 4 tấn) và 148 kg nhãn hàng hóa ghi xuất xứ “Made in USA”, 95,18kg nhãn phụ các loại, 1.520 tem niêm phong nhãn hiệu HUMA GRO. Toàn bộ số nhãn hàng hóa (nhãn tiếng nước ngoài, nhãn phụ), tem niêm phong, vỏ bao bì được Cty SX&TM Thuận Phong thuê in ấn và sản xuất tại Việt Nam. Đồng thời, tại khu vực lò hơi, đoàn kiểm tra phát hiện công nhân đốt lò đang đốt nhãn hiệu TICO của Cty Cổ phần TICO. Đoàn kiểm tra yêu cầu dừng đốt và tạm giữ toàn bộ số nhãn đã bị cháy xém (12,34kg).

Kiểm tra hàng hóa theo số liệu sổ sách báo cáo của Cty tại kho nhà máy, phát hiện hơn 1 nghìn tấn thành phẩm phân bón, hơn 2,2 nghìn tấn nguyên liệu sản xuất phân bón, 242 tấn hóa chất thương mại và khoảng 13,5 nghìn lít phân bón “Made in USA” dạng nước chưa đóng chai.

Trong buổi làm việc với các cơ quan chức năng địa phương, lãnh đạo Ban 389 quốc gia yêu cầu làm rõ trách nhiệm các bên liên quan cũng như doanh nghiệp trong vụ việc này để đảm bảo quyền lợi và sức khỏe của người dân, những người trực tiếp sử dụng phân bón.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.