Sản xuất và nhập khẩu 'bắt tay' nâng giá thuốc

Sản xuất và nhập khẩu 'bắt tay' nâng giá thuốc
TP - Nhiều hành vi móc nối, thỏa thuận giữa các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, phân phối dược phẩm trong và ngoài nước khiến giá thuốc bị đẩy lên cao.

Những hành vi trên được chỉ ra trong báo cáo pháp luật cạnh tranh điều chỉnh các hành vi phản cạnh tranh trong hệ thống phân phối dược phẩm tại thị trường Việt Nam, do Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương) công bố  ngày 18/3.

Đánh lừa người tiêu dùng

Theo báo cáo trên, thị trường dược phẩm ở nước ta xuất hiện nhiều hành vi như chỉ dẫn gây nhầm lẫn, sản xuất và kinh doanh thuốc giả, thông tin, quảng cáo, khuyến mãi sai lệch có thể gây nguy hại đến sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng.

Một loạt các vụ việc được thẩm tra xử lý liên quan đến thuốc nhái có nhãn hàng và tên thương mại gần giống như thuốc đã đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ ở nước ta.

Xí nghiệp Dược phẩm T.Ư 25 sản xuất và lưu hành loại thuốc trị tiêu chảy nhãn hiệu UPHA-BIO tương tự gây nhầm lẫn với sản phẩm ANTIBIO của Cty ORGANON (Hà Lan).

Tiếp đó, sản phẩm thuốc GASROTODIC của Cty CP Dược phẩm Hà Tây có bao bì và nhãn hiệu tương tự như sản phẩm GASTROPULGITE của IPSEN (Pháp), khiến người tiêu dùng nhầm lẫn về nguồn gốc, chất lượng cũng như những đặc tính khác khi lựa chọn sản phẩm.

Một vụ làm nhái được thẩm tra nữa là của Cty Dược & Vật tư Y tế Bình Dương sản xuất, buôn bán, lưu thông sản phẩm thuốc ngừa thai POSINIGHT, Cty TNHH Dược phẩm Trung Nam (402 Xô Viết Nghệ Tĩnh - Q. Bình Thạnh - TPHCM) là nhà phân phối.

Theo nhóm nghiên cứu, người tiêu dùng còn bị thiệt thòi khi giới kinh doanh buôn bán thuốc không niêm yết hoặc niêm yết giá chưa đầy đủ các loại thuốc; chỉ niêm yết gốc mà không ghi tên biệt dược; niêm yết giá thuốc ngoại nhưng lại bán thuốc sản xuất trong nước; treo bảng giá nhưng để trống hoặc ghi rất ít với giá thuốc tăng liên tục, chưa kịp cập nhật…

Nhiều trường hợp bị phát hiện như bán thuốc không toa, thuốc bị bóc trần, bẻ nhỏ, không nhãn hiệu, gần hết hoặc quá hạn sử dụng. Nhiều người dân cũng dễ bị nhầm lẫn bởi những hình thức quảng cáo trá hình của thuốc…

Móc nối ấn định giá

Theo nhóm nhiên cứu báo cáo trên, sản xuất thuốc trong nước hiện đáp ứng gần 53 phần trăm nhu cầu điều trị bệnh. Tuy nhiên, xét về tác dụng dược lý của thuốc, chủ yếu dạng bào chế, tác dụng thông thường như chống nhiễm khuẩn, hạ nhiệt, giảm đau, vitamine, thuốc bổ… Vì thế, thị trường tân dược nước ta vẫn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu.

Qua khảo sát của nhóm nghiên cứu phát hiện nhiều hành vi phản cạnh tranh trong thị trường dược phẩm, nhất là những thỏa thuận ấn định giá.

Thuốc trước khi nhập khẩu vào Việt Nam đã được nhà phân phối, công ty môi giới cấu kết với văn phòng đại diện của các công ty nước ngoài ấn định giá trước.

Các công ty nước ngoài cũng quyết định luôn giá bán buôn, bán lẻ ra thị trường, có khi giá được nâng lên 200-300 phần trăm so với giá gốc. Tuy nhiên, giải thích vì sao giá thuốc bị đẩy lên cao, cả doanh nghiệp Việt Nam cũng như công ty phân phối nước ngoài đều đổ lỗi cho nhau.

Nhóm nghiên cứu cho rằng, một khi phía các công ty nhập khẩu và phân phối của Việt Nam cũng chấp nhận mức giá đó, không có phản kháng gì thì có nghĩa họ cũng thống nhất ấn định giá.  

MỚI - NÓNG