Sản xuất vàng miếng: 'Sân chơi' có bị độc quyền?

Giao dịch vàng tại trung tâm vàng bạc Bến Thành Tourist. (Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN)
Giao dịch vàng tại trung tâm vàng bạc Bến Thành Tourist. (Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN)
Ngân hàng Nhà nước đã chính thức trình Chính phủ Nghị định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng mới. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ quản lý chặt chẽ hoạt động sản xuất vàng miếng.
Giao dịch vàng tại trung tâm vàng bạc Bến Thành Tourist. (Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN)
Giao dịch vàng tại trung tâm vàng bạc Bến Thành Tourist.
(Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN).
 

Để được xem xét cấp phép sản xuất vàng miếng, các doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện như có vốn điều lệ từ 500 tỷ đồng trở lên, chiếm từ 25% thị phần sản xuất vàng miếng trong nước trở lên trong ba năm liên tiếp gần nhất...

Với các điều kiện này, số lượng doanh nghiệp được phép sản xuất vàng miếng được dự báo sẽ giảm xuống đáng kể.

Các chuyên gia nhìn nhận, việc Ngân hàng Nhà nước quản lý sát sao hơn thị trường vàng là tín hiệu tích cực nhằm bình ổn thị trường, song những phương án đề ra vẫn còn nhiều bất cập.

Hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh vàng đều cho rằng, khi nghị định này có hiệu lực đồng nghĩa với việc nhiều doanh nghiệp sản xuất vàng sẽ phải "chào thua" vì khó có thể đáp ứng đủ điều kiện.

Giới kinh doanh vàng nhìn nhận nếu dự thảo trên được duyệt, thì hiện chỉ có một doanh nghiệp đủ điều kiện để được phép tiếp tục sản xuất và gia công vàng miếng là Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC). Bởi chỉ có doanh nghiệp này mới đáp ứng đủ yêu cầu tại nghị định mới. Như vậy sẽ làm thiệt hại lớn cho nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vàng hiện tại.

Ông Vũ Minh Châu, Tổng giám đốc Công ty Vàng bạc Đá quý Bảo Tín Minh Châu, cho rằng điều kiện vốn điều lệ 500 tỷ đồng trở lên là một con số không nhỏ với các doanh nghiệp kinh doanh vàng hiện nay. Sẽ có không ít doanh nghiệp khác phải “đầu hàng” trước điều kiện này.

Doanh nghiệp khó mà một lúc tập trung được một lượng vốn lên tới 500 tỷ đồng. Bởi lẽ, các doanh nghiệp vàng hoạt động mua đi bán lại, đồng vốn phải quay vòng liên tục.

Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Thanh Trúc, Chủ tịch Công ty Vàng Agribank, cho rằng, không nên quy định những doanh nghiệp chiếm 25% thị phần mới được sản xuất vàng miếng. Vì hiện nay, chỉ riêng SJC đã chiếm tới 90% thị phần. “Nếu quy định như vậy thì vô tình chúng ta đã tạo ra sự độc quyền, khiến thị trường thiếu lành mạnh,” ông Trúc cho biết.

Khẳng định nếu chỉ tập trung cho một thương hiệu vàng, độc quyền sản xuất vàng thì không ổn, ông Vũ Minh Châu cho rằng thị trường vàng sẽ không còn tính cạnh tranh bởi nếu chỉ giao cho một đơn vị sản xuất và gia công, sẽ khó đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Một khi không đáp ứng được thì sẽ kích thích vấn đề nhập lậu, ảnh hưởng đến thị trường vàng, ngoại tệ, ngân sách Nhà nước.

Hiện nay, có tám doanh nghiệp kinh doanh vàng và tài chính tín dụng được Ngân hàng Nhà nước cấp phép sản xuất vàng miếng. Hoạt động sản xuất vàng miếng của các doanh nghiệp và tài chính tín dụng đã tạo ra lượng vàng miếng cần thiết đáp ứng nhu cầu mua bán của thị trường.

Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước cũng thừa nhận trên thực tế đã xảy ra tình trạng khi nhu cầu mua bán vàng miếng của thị trường tăng lên, có hiện tượng liên kết để làm giá, đầu cơ trên thị trường.

Nhiều chuyên gia đề xuất, Ngân hàng Nhà nước có thể tạo ra một thương hiệu vàng mạnh, kinh doanh không vì lợi nhuận để điều tiết thị trường, chống độc quyền. Ngoài ra, cần hỗ trợ một số doanh nghiệp mạnh nâng cao thị phần, tạo cho người dân có thêm nhiều lựa chọn, hạn chế sự độc quyền trên thị trường.

Còn tiến sỹ Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế thì cho rằng, Ngân hàng Nhà nước nên thành lập hoặc ủy quyền cho một đơn vị trực thuộc để sản xuất vàng miếng chứ không nên để doanh nghiệp tư nhân độc quyền sản xuất vàng miếng.

Theo Ngân hàng Nhà nước, những biến động trên thị trường vàng trong thời gian qua xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có việc vàng miếng SJC chiếm thị phần lớn tạo lợi thế độc quyền tự nhiên, dẫn đến mỗi khi giá vàng biến động, tình trạng khan hiếm vàng SJC làm cho thị trường biến động mạnh hơn. Đặc biệt, có sự thiếu thống nhất trong các quy định về chức năng quản lý Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh vàng.

Để khắc phục các bất cập trong quản lý hoạt động kinh doanh vàng, Ngân hàng Nhà nước khẳng định việc ban hành Nghị định mới về quản lý hoạt động kinh doanh vàng là cần thiết, không chỉ đáp ứng yêu cầu khách quan của nền kinh tế, mà còn thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, đáp ứng nhu cầu hội nhập và tạo cơ sở pháp lý để tiếp tục hoàn thiện cơ chế quản lý đối với hoạt động kinh doanh vàng.

Tiến sỹ Vũ Đình Ánh nhìn nhận nếu nghị định được thông qua, thị trường vàng cũng sẽ không bị tác động nhiều, có chăng chỉ là thu hẹp đối với các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh vàng nhỏ.

Những doanh nghiệp kinh doanh vàng miếng nếu không đáp ứng được nên chuyển hướng kinh doanh vàng trang sức. Tuy nhiên, với những doanh nghiệp này thì Ngân hàng Nhà nước không cần phải quản lý chặt bằng việc cấp phép bởi vàng trang sức được xem là hàng hóa. Và như vậy, họ chỉ cần đăng ký giấy phép kinh doanh là đủ.

Theo Đỗ Huyền
TTXVN/Vietnam+

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".