Sắp có những ngân hàng mới?

Sắp có những ngân hàng mới?
Tất cả các Tổng Cty lớn đều trong danh sách cổ đông sáng lập các ngân hàng mới, bất chấp sự lo lắng ế ẩm khiến Vietcombank, MHB, Incombank hoãn bán cổ phần lần đầu ra công chúng. Ai sẽ đến đích đầu tiên trong năm nay?
Sắp có những ngân hàng mới? ảnh 1
Chuyển từ ngân hàng nông thôn sang đô thị, An Bình tạo ấn tượng bằng những sản phẩm tín dụng mới. Ảnh : SGTT

Đến nay, chồng hồ sơ xin thành lập ngân hàng nằm trên bàn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã gần con số 20.

Người ta thi nhau lập ngân hàng mới bởi ba lĩnh vực được cho là đứng đầu bảng ăn nên làm ra hiện nay là chứng khoán, bất động sản và ngân hàng.

Theo một nguồn thạo tin, cuối tháng 10 này sẽ có kết quả "chấm điểm" các hồ sơ xin thành lập ngân hàng.

Ai sẽ về đích sớm

Hầu như tất cả các tổng công ty, từ dầu khí, điện lực, công nghiệp, dệt may... đều có trong danh sách là cổ đông sáng lập các ngân hàng mới. Những tên tuổi có thể kể ra là Tập đoàn bảo hiểm Bảo Việt, Tập đoàn Bưu chính - viễn thông, Tập đoàn dầu khí, Tập đoàn dệt may, Tổng công ty Sông Đà, Tổng công ty Thép, Tổng công ty bia rượu Hà Nội...

Không chỉ muốn lập ngân hàng mới, các tổng công ty đều tìm cách trở thành cổ đông chiến lược của ngân hàng hiện hữu. Hơn 10 tổng công ty đã là đối tác chiến lược của Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank).

Ngoài việc cùng BIDV, Vincom, Vinashin... nộp hồ sơ xin thành lập Ngân hàng Phát triển công nghiệp (IDB), Tổng công ty dệt may Vinatex còn góp vốn vào Ngân hàng Nam Việt, Hàng Hải, ACB, Eximbank.

Đến Euro Window, một cái tên không lạ trong kinh doanh trang trí nội thất, cũng xin thành lập ngân hàng Euro Window. Euro Window vừa nhận được giấy phép chấp thuận về nguyên tắc thành lập công ty chứng khoán.

Được biết, hội đồng thẩm định và cấp giấy phép thành lập và hoạt động ngân hàng đã bắt đầu hoạt động vào cuối tháng 7 vừa qua. Theo một nguồn tin, hội đồng sẽ “chấm điểm” theo thang tiêu chuẩn đã đề ra, theo các tiêu chí như cổ đông, nhân sự, chiến lược hoạt động... Hồ sơ nào “vượt qua” thì “đỗ”.

Được biết ngân hàng đầu tiên nhận giấy phép trong năm nay sẽ là một cái tên lạ: Đông Dương Tín Phát. Hồ sơ Đông Dương Tín Phát được nộp lên chừng nửa năm nay và đã được chấp thuận về mặt nguyên tắc. Nằm lâu và sớm nhất ở Ngân hàng Nhà nước là hồ sơ mang tên Liên Việt. Ngân hàng này cũng là một trong những ứng cử viên ra đời đầu tiên.

Nhiều người cho rằng, chậm nhất đến cuối năm nay sẽ có một ngân hàng mới ra đời. Các quan chức Ngân hàng Nhà nước đều kín tiếng trước việc này. Cả thị trường tài chính đang hồi hộp chờ đợi sự gia nhập của người mới trong giới thượng lưu của mình.

Đã bội thực cổ phiếu ngân hàng?

Suốt 10 năm nay, tuy chưa có thêm ngân hàng mới nào, nhưng số lượng ngân hàng Việt Nam nên dừng ở con số bao nhiêu luôn là những tranh cãi kéo dài.

Theo cố vấn của một ngân hàng, với 34 ngân hàng TMCP, số lượng ngân hàng Việt Nam còn rất ít so với Singapore, Đài Loan. Tuy nhiên, ý kiến phản biện là không thể so sánh Việt Nam với Singapore - khi Singapore là trung tâm tài chính kinh tế của Đông Nam Á.

Những gương mặt mới nổi có thể kể là An Bình, Nam Việt. Xuất hiện với tên mới chưa lâu, nhưng An Bình đã tung ra hàng loạt những sản phẩm tín dụng mới và là ngân hàng có mối quan hệ mật thiết với EVN.

Một gương mặt sáng giá khác là Ngân hàng Kỹ thương (Techcombank) đang được đánh giá khá cao trong giới ngân hàng với những sản phẩm về giao dịch qua mạng.

Những cuộc “chuyển mình” như vậy vẫn không cứu được giá cổ phiếu ngân hàng bị tụt dốc thảm hại hơn 3 tháng qua. Cổ phiếu “vua” đã mất 30 - 50% giá trong 4 tháng qua, phản ánh việc “vua” đang bị “mất giá” khi mà ai cũng có thể thành lập một “vương quốc” riêng cho mình.

“Việc các đại gia thi nhau lập ngân hàng khiến tôi lo ngại. Họ có biết kinh doanh ngân hàng không?”, một nhà đầu tư hỏi. Một giám đốc quỹ đầu tư cho biết, về vốn thì các hồ sơ đều đảm bảo nhưng vấn đề gay cấn nhất nằm ở chỗ nhân sự. “Trong khi các ngân hàng hiện tại còn đang bị thiếu hụt nhân sự, thì lấy đâu ra người cho ngân hàng mới?" - ông nói.

Tuy nhiên, có những đánh giá khác cho rằng việc giá cổ phiếu ngân hàng biến động như thời gian qua là chuyện nhất thời, còn thành lập ngân hàng là việc đầu tư dài hạn. Không thể chỉ lấy giá cổ phiếu làm căn cứ cho việc quyết định có thành lập ngân hàng hay không.

Theo Hồng Sương
Sài Gòn tiếp thị

MỚI - NÓNG