Sắp ra mắt Cty Xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp VN

Sắp ra mắt Cty Xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp VN
Ngân hàng Nhà nước vừa quyết định cho phép Trung tâm Thông tin Tín dụng (CIC) thực hiện nghiệp vụ phân tích, xếp hạng tín dụng doanh nghiệp. Đây là địa chỉ đầu tiên của Việt Nam cung cấp thông tin chuyên biệt về lĩnh vực này.
Sắp ra mắt Cty Xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp VN ảnh 1

"Các nước trên thế giới và khu vực đã đi trước Việt Nam hàng mấy chục năm về lĩnh vực xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp."

Ông Đào Quang Thông, Phó giám đốc CIC vừa có cuộc trao đổi với chúng tôi để làm rõ hơn về vấn đề này.

Phân tích và xếp hạng tín dụng doanh nghiệp là một yêu cầu đặt ra từ khá lâu. Ông có thể cho biết tại sao đến thời điểm này mới chính thức được triển khai?

Cách đây hơn 4 năm, chúng tôi đã xây dựng Đề án “Phân tích, xếp hạng tín dụng doanh nghiệp” trình Thống đốc. Tuy nhiên, đây là lĩnh vực còn mới, lần đầu tiên thực hiện ở Việt Nam. Nó rất nhạy cảm, nếu làm không tốt sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp, đến các ngành kinh tế và tất nhiên sẽ ảnh hưởng đến Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng. Vì vậy trong thời gian đầu nghiệp vụ này mới chỉ được triển khai mang tính thí điểm.

Sau hai năm thí điểm, chúng tôi đã thu được kết quả khả quan. Đó cũng là cơ sở để ngày 28/4/2004, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ra Quyết định 473/QĐ-NHNN chính thức phê duyệt Đề án Phân tích, xếp hạng tín dụng doanh nghiệp, cho phép CIC cung cấp bản báo cáo phân tích, xếp hạng tín dụng doanh nghiệp. Đối tượng được nhận các bản báo cáo xếp hạng tín dụng doanh nghiệp là các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng, không cung cấp cho các đối tượng khác.

Và mới đây nhất, sau khi điều chỉnh đề án, ngày 21/6/2006, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ký quyết định cho phép CIC chính thức thực hiện nghiệp vụ phân tích, xếp hạng doanh nghiệp.

Có những điểm gì mới trong quyết định trên thưa ông?

Đó là sự mở rộng đối tượng được nhận bản báo cáo xếp hạng doanh nghiệp. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của công việc phân tích, xếp hạng doanh nghiệp đối với việc phát triển một nền kinh tế vững mạnh ở Việt Nam hiện nay, nhất là trong bối cảnh Việt Nam chuẩn bị gia nhập WTO.

Cụ thể, đối tượng được nhận bản báo cáo xếp hạng bao gồm các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng và một số tổ chức khác khi có yêu cầu. Đặc biệt là các doanh nghiệp có nhu cầu tự xếp hạng có thể sử dụng kết quả phân tích của CIC để làm tài liệu tham khảo khi có nhu cầu vay vốn từ các tổ chức tín dụng hoặc để tự đánh giá năng lực hoạt động của chính mình.

Xin ông nói rõ hơn về ý nghĩa của những kết quả phân tích đó?

Trước hết, có thể nói rằng với việc chính thức triển khai nghiệp vụ phân tích, xếp hạng tín dụng doanh nghiệp, CIC sẽ trở thành một địa chỉ tin cậy cho các doanh nghiệp có nhu cầu xếp hạng, đánh giá năng lực hoạt động của chính mình.

Đây được ví như một “phòng khám, kiểm tra sức khoẻ” của các doanh nghiệp. Mục đích của việc mở rộng đối tượng cung cấp nói trên có ý nghĩa hết sức thiết thực đối với từng doanh nghiệp khi doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn từ các tổ chức tín dụng.

Việc đánh giá, xếp hạng đối với doanh nghiệp sẽ giúp doanh nghiệp xác định chính xác hơn nhu cầu vay vốn, tránh tình trạng xác định nhu cầu vay thừa hoặc thiếu vốn sẽ ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh cũng như doanh nghiệp sẽ thuận tiện hơn trong việc vay vốn từ các tổ chức tín dụng.

Được biết CIC đang chuẩn bị xây dựng Công ty Xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp Việt Nam. Ông cho biết liệu đây có phải là bước chuẩn bị để Ngân hàng Nhà nước hình thành công ty xếp hạng tín nhiệm trong tương lai?

Các nước trên thế giới và khu vực đã đi trước Việt Nam hàng mấy chục năm về lĩnh vực xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp. Việc xếp hạng tín nhiệm được tiến hành với nhiều đối tượng khác nhau, từ việc xếp hạng cho 1 quốc gia đến việc xếp hạng cho 1 cá nhân. Việc hình thành Công ty Xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp Việt Nam là rất có ý nghĩa trong việc xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng của thị trường tài chính, thị trường vốn ở Việt Nam.

Thời gian qua, một số tổ chức tiền tệ quốc tế như WB, ADB, IMF cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước sớm thành lập Công ty Xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp Việt Nam. Mặt khác, Chỉ thị số 21/2005/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ cũng đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước sớm thí điểm việc xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp để cung cấp thông tin cho các nhà đầu tư.

Ngân hàng Nhà nước, với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước về tiền tệ, tín dụng ngân hàng, nhận thấy việc Công ty Xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp ra đời là hoàn toàn khách quan và cần thiết.

Khi công ty này ra đời thì chức năng, vai trò chính của nó là gì, thưa ông?

Chức năng chính của công ty sẽ là phân tích, xếp hạng tín nhiệm các tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp; đánh giá và xếp hạng cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp. Công ty sẽ nắm giữ những vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin cho các đối tượng.

Thứ nhất, đối với các tổ chức tín dụng: nhằm hỗ trợ các tổ chức tín dụng trong việc ra quyết định cấp tín dụng, giám sát và đánh giá khách hàng, kiểm soát rủi ro hiệu quả hơn...

Thứ hai, đối với các nhà đầu tư và thị trường chứng khoán là nhằm giúp họ có cơ sở để tham khảo, đối chiếu kỹ càng trước khi ra quyết định đầu tư cuối cùng, giảm bớt rủi ro khi đầu tư; giúp cho các công ty chứng khoán lựa chọn một danh mục đầu tư tốt nhất; tạo điều kiện huy động vốn trên thị trường chứng khoán thực hiện được dễ dàng, thuận lợi hơn.

Thứ ba, công ty này sẽ giúp các doanh nghiệp Việt nam xây dựng hình ảnh và độ tín nhiệm của mình trong sản xuất, kinh doanh cũng như trong quá trình hội nhập quốc tế; và thứ tư là sẽ giúp cho các cơ quan quản lý Nhà nước đánh giá được đối tượng quản lý của mình, có cơ sở để đưa ra những giải pháp thích hợp, góp phần thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế  nói chung.

Hiện chúng tôi đang xúc tiến hoàn thiện đề án. Trước mắt là một định hướng tốt và có sự chuẩn bị tốt. Vấn đề còn lại chỉ là một thời gian ngắn nữa.

Theo Minh Đức
TBKTVN

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.