Sắp xếp, đổi mới DNNN: Lúng túng vì khoảng trống pháp lý

Sắp xếp, đổi mới DNNN: Lúng túng vì khoảng trống pháp lý
TP - Ông Trần Ngọc Phượng- Phó Ban Đổi mới quản lý DN TPHCM thừa nhận hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN)  sau khi sắp xếp, chuyển đổi vẫn còn lúng túng, đặc biệt các DN cổ phần hóa (CPH).
Sắp xếp, đổi mới DNNN: Lúng túng vì khoảng trống pháp lý ảnh 1
May Sài Gòn 3- một trong những Cty CPH hoạt động có hiệu quả tại TP HCM

Lúng túng đầu tiên, theo ông Phượng là việc xác định giá trị quyền sử dụng đất để tính vào giá trị DN CPH trong quá trình CPH. “Thành phố đã tiến hành làm dự án thí điểm, nhưng không thực hiện được” - Ông Phượng nói.

Nguyên nhân là đến nay vẫn chưa có bảng giá chuẩn nào quy định sát với thị trường để áp giá. Và, muốn tính giá trị quyền sử dụng đất phải thuê các trung tâm tư vấn thẩm định giá để xác định và việc này mất nhiều thời gian và thường giá đất được tính rất cao.

Vì vậy, trước áp lực của cổ đông, DN CPH thường phải chọn hình thức thuê đất. Trong khi thủ tục thuê đất rất phức tạp và kéo dài nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến các quyết định đầu tư dài hạn của DN CPH.

Ông Phượng còn cho biết, các DN cũng như chính quyền thành phố còn đang lúng túng trong việc xác định các tiêu chí cụ thể của nhà đầu tư chiến lược; vấn đề thông thầu thoái thầu trong bán đấu giá cổ phần.

Từ năm 2001-2005, TP.HCM sắp xếp được 273 DN, trong đó CPH 174 DN.

Một số chỉ tiêu so sánh dựa trên số liệu bình quân các năm sau CPH và bình quân 3 năm trước CPH:

- Vốn điều lệ tăng bình quân 41%.

- Doanh thu bình quân tăng 64%.

- Tỷ suất lợi nhuận thực hiện trên vốn điều lệ bình quân là 33%. Trong đó nhiều công ty có mức lợi nhuận trước và sau chuyển đổi tăng gần 10 lần.

- Nộp ngân sách bình quân tăng 59%.

- Thu nhập bình quân của người lao động đạt 2.279.195 đồng/tháng, tăng 48%.

- Số lao động tăng 11%.

(Nguồn: Ban Đổi mới quản lý DN TP.Hồ Chí Minh)

Có hiện tượng DN kinh doanh lợi nhuận thấp nhưng do có lợi thế mặt bằng đất đai nên giá cổ phần (khi bán) rất cao. Và mặc dù được giảm 40% giá đấu bình quân nhưng cán bộ công nhân viên vẫn không đủ tiền mua cổ phần nên phải bán tiếp cho các nhà đầu tư tham gia đấu giá khác.

“Điều này vừa làm mất hết ý nghĩa chính sách ưu đãi giá cho người lao động trong DN CPH của Nhà nước, vừa không công bằng với nhà đầu tư tham gia đấu giá công khai”- Ông Lê Văn Tròn TGĐ TCty Văn hóa Sài Gòn nói. 

Trong khi đó, theo quy định, các nhà đầu tư trong nước đều được mua cổ phần với số lượng không hạn chế, nhưng nhiều DN lại thường đề ra quy định hạn chế số lượng mua của nhà đầu tư.

Lý do, các DN này không muốn chỉ có 1 hoặc 2 nhà đầu tư mua hết cổ phần được bán ra, và cũng nhằm đảm bảo có ít nhất 50 cổ đông bên ngoài để công ty đủ điều kiện tham gia thị trường chứng khoán.

Những phát sinh kể trên là nguyên nhân chính khiến tiến độ CPH thời gian qua diễn ra rất chậm và kéo dài, trung bình là 12 tháng/DN, thậm chí có nơi kéo dài đến 3-4 năm.

Cũng do chưa có hướng dẫn rõ về quyền, nghĩa vụ của Cty, chế độ chính sách gắn với vấn đề bảo hiểm xã hội chưa thay đổi kịp… nên các DN sau khi CPH vẫn phải vận dụng các quy định đối với DNNN để hoạt động, như định mức duyệt quỹ lương, chế độ nâng bậc, thi lên bậc thợ…

Nhiều DN khác sau khi CPH do chưa xác định được rõ mối quan hệ giữa các cổ đông, Hội đồng quản trị và Ban giám đốc nên vẫn điều hành theo kiểu DNNN.

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.