Sau 3 năm gia nhập AEC, doanh nghiệp Việt vẫn dậm chân tại chỗ

Các chuyên gia cho rằng, nhiều DN Việt chưa tận dụng hết cơ hội khi tham gia thị trường ASEAN
Các chuyên gia cho rằng, nhiều DN Việt chưa tận dụng hết cơ hội khi tham gia thị trường ASEAN
TPO - Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) chính thức có hiệu lực từ cuối năm 2015. Tuy nhiên, sau gần 3 năm tham gia vào AEC, đến thời điểm này, dường như các doanh nghiệp (DN) Việt vẫn còn quá thờ ơ và bỏ qua thị trường này.

Trong khi đó, hàng hóa của các nước trong khu vực ASEAN đã tràn vào Việt Nam khá lớn, nhất là hàng Thái Lan – bà Nguyễn Thị Tuệ Anh – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết.

Ngày 10/10, tại hội thảo Thị trường ASEAN: Lối đi nào cho doanh nghiệp Việt, bà Tuệ Anh đã đưa ra những số liệu, đánh giá “giật mình” về sự tận dụng cơ hội của DN Việt đối với thị trường ASEAN.

Theo bà Tuệ Anh, so với các Hiệp định thương mại khác, thì các cam kết về cắt giảm thuế quan trong AEC là cao nhất và nhanh nhất. Cho đến nay, Việt Nam đã hoàn thành lộ trình cắt giảm thuế trong AEC (năm 2018 hoàn tất lộ trình loại bỏ thuế). Vì vậy, DN Việt có cơ hội xuất khẩu các mặt hàng có thế mạnh, mở rộng thị trường. Đồng thời cũng có ưu đãi khi nhập khẩu vì thuế quan giảm, nguồn hàng, đầu vào chất lượng hơn. Tuy vậy những thách thức hiện vẫn rất lớn.

Sau 3 năm gia nhập AEC, doanh nghiệp Việt vẫn dậm chân tại chỗ ảnh 1 Theo bà Tuệ Anh, sau 3 năm tham gia AEC, doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn rất thờ ơ 

Thế nhưng, dường như DN Việt tham gia vào ACE vẫn còn rất khiêm tốn – bà Tuệ Anh nói. Cụ thể, Việt Nam xuất khẩu vào Asean hiện tại là thấp nhất so với các nước khác trong khu vực. 100% hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam chỉ có 9,8% vào thị trường Asean (năm 2016), còn 90% là vào các thị trường khác; trong khi trung bình của Asean là 24% xuất khẩu vào mỗi khối. Nhập khẩu của Việt Nam từ Asean cũng thấp nhất, chỉ 13,7% so với các khối khác.

Năm 2017, tỷ trọng trong xuất khẩu hàng hóa trong nội bộ Asean là 11,7%, có tăng lên 1 chút so với năm 2016.

“Nhân lực, chất lượng, trình độ của doanh nghiệp còn thấp. Năm 2017 Việt Nam chỉ đạt 3,39/10 điểm trong khi điểm Malaysia là 5,59, Thái Lan là 4,94... Ngoài ra, năng lực của doanh nghiệp vẫn còn hạn chế để tận dụng cơ hội,. Vì vậy, nếu thiếu năng lực thể chế và năng lực của doanh nghiệp nhằm tận dụng cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và AEC nói riêng... thì tất cả chỉ dùng ở “cơ hội”, “tiềm năng” và “có thể” - bà Tuệ Anh nhấn mạnh.

Sau 3 năm gia nhập AEC, doanh nghiệp Việt vẫn dậm chân tại chỗ ảnh 2 Xuất khẩu, nhập khẩu của Việt Nam vẫn xếp vị trí thấp nhất trong thị trường ASEAN

Cụ thể hơn về con số, ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho biết, từ năm 2015 đến 2017, lượng hàng hóa từ TPHCM vào xuất khẩu ASEAN mỗi năm đều tăng, như năm 2016 kim ngạch xuất khẩu đạt 1,1 tỷ USD, tăng 13% so với năm 2015. Năm 2017 kim ngạch đạt 3,5 tỷ USD, tăng 4%. Tuy nhiên những con số này không tăng đột biến sau khi AEC thành lập.

Trong khi đó con số nhập khẩu vẫn rất lớn, kim ngạch nhập khẩu từ ASEAN vào Việt Nam đạt 7,2 tỷ USD vào năm 2016 và đã tăng lên mức 8,2 tỷ USD vào năm 2017, tăng 13%, cao hơn 2,6 lần so với xuất khẩu. Điều này cho thấy nhập siêu ASEAN là điều đáng lo ngại.

Phân tích một số nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến việc các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa khai thác hết tiềm năng của thị trường ASEAN, ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TPHCM (ITPC) cho rằng, đó là hình thức sản phẩm chưa đa dạng, giá sản phẩm chưa cạnh tranh; hệ thống phân phối hàng hóa còn kém; chưa kết nối chặt chẽ với các cơ quan chức năng phụ trách xúc tiến, ngoại giao…; DN chưa trang bị đủ điều kiện để xuất khẩu vào các nước đạo Hồi; chưa nắm rõ các rào cản kỹ thuật, pháp lý của các nước trong khu vực…

Vậy DN Việt cần phải làm gì để tận dụng cơ hội ở thị trường AEC trước khi quá trễ? Theo các chuyên gia kinh tế, DN cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để nâng cao năng lực cạnh tranh, chủ động, sáng tạo, không ngừng tự đổi mới, xây dựng chiến lược kinh doanh cụ thể để thâm nhập vào các thị trường này. Trong đó, chiến lược kinh doanh cần theo sát xu hướng tiêu dùng của người dân mỗi nước ASEAN, liên kết với nhà phân phối nội địa uy tín, có năng lực… vì thực tiễn cho thấy, sản phẩm của mỗi nước, mỗi DN đều nằm trong chuỗi giá trị của khu vực hay chuỗi giá trị của toàn cầu.

MỚI - NÓNG