Sáu “lỗ hổng” đang cản trở hoạt động thương mại

Sáu “lỗ hổng” đang cản trở hoạt động thương mại
Trong điều kiện hội nhập với thế giới, ngành Thương mại đang phải đối mặt với những thách thức gay gắt

Trong 2 ngày 28/2-1/3, tại Hà Nội, Bộ Thương mại tổ chức “Hội nghị thương mại toàn quốc năm 2005”. Làm thế nào để kim ngạch xuất khẩu (XK) trong năm đạt 31,5 tỷ USD? Đây là chủ đề lớn được các đại biểu bàn thảo.

Nhiều cơ hội tăng tốc xuất khẩu

Kim ngạch XK đạt 26,5 tỷ USD, tăng cao nhất trong 8 năm qua, là một trong những động lực quan trọng để XK tiếp tục bước lên đà tăng tốc. Thời gian qua, XK đạt giá trị cao nhờ giá thị trường thế giới tăng, đồng thời chất lượng hàng hoá XK cũng tăng nhanh.

Đến nay, hàng hoá nước ta đã vươn tới hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ. Các thị trường XK trọng điểm duy trì được mức tăng trưởng cao như EU tăng 34%; Nhật Bản tăng 20%, Hoa Kỳ tăng 27%… 

Theo Bộ Thương mại, năm 2005, ngành thương mại tiếp tục gặp nhiều thuận lợi. Ngay tại Hội nghị, Phó thủ tướng Vũ Khoan sau khi nghe phản ánh những bất cập, cản trở DN XK đồ gỗ đã chỉ đạo ban hành chính sách khắc phục ngay.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển đã nêu chỉ tiêu XK mà ngành đặt ra trong năm nay là phải đạt 31,5 tỷ USD, tốc độ tăng đạt 19-20%. Các nhóm hàng cụ thể đã được đặt mục tiêu XK cao trong năm 2005 và có giải pháp cụ thể là: Dệt -May (đạt kim ngạch 5,1 tỷ USD); giày dép 3,5 tỷ USD; sản phẩm gỗ 1,6 tỷ USD; điện tử và linh kiện điện tử 1,5 tỷ USD…

Còn quá nhiều lỗ hổng

Phát triển thương mại năm 2005 trong điều kiện hội nhập sâu với thế giới, khiến thách thức với ngành thương mại đang trở nên nặng nề, trong khi đó cơ hội không tự biến thành lực lượng mà phải qua chủ thể là DN-Lãnh đạo Bộ Thương mại khuyến cáo.

Bộ cũng thừa nhận, yếu kém trong XK hiện nay là: Cơ cấu XK phụ thuộc lớn vào 6 mặt hàng chủ yếu (dệt may, dầu thô…) có giá trị chiếm 66% tổng giá trị kim ngạch XK toàn quốc. Việc tập trung vào số ít mặt hàng tạo rủi ro rất lớn. Nếu các nước nhập khẩu đặt hạn ngạch, hàng rào phi thuế nhiều, DN sẽ khó có lợi nhuận cao.

Trong khi một số mặt hàng có tốc độ XK tăng tới 86% thì nhiều mặt hàng được coi là có nhiều tiềm năng, tạo nhiều việc làm và đem lại hiệu quả xã hội cao, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tốc độ XK lại tăng quá thấp.

Theo ông Nguyễn An Điềm-Tổng GĐ Tổng Cty XNK Bình Định, hiện nay DN XK gỗ liên tục đứng trước nguy cơ thiếu nguyên liệu đầu vào, bị “đội” chi phí, vì ngành trồng rừng kém, chủng loại gỗ không hợp lý, thời gian và giá gỗ trên thị trường hoàn toàn không ổn định, mẫu mã phải học của nước ngoài…Do đó, XK gỗ vẫn là “ăn non”.

Ông Lê Văn Đạo -Tổng thư ký Hiệp hội dệt may thì cho biết, ngành dệt đang chịu cơ chế hạn ngạch rất bất lợi và bất công. Ngay khi các nước lớn bỏ hạn ngạch thì chỉ DN “khoẻ” mới cạnh tranh được. Đây là bất lợi rất lớn đối với XK dệt may.

Với ông Nguyễn Phụng Kim thì XK hiện nay đang gặp phải qúa nhiều nhiêu khê về thủ tục, cơ chế. Ví như, tại cửa khẩu quốc tế Lào Cai, các chính sách để khuyến khích XK của Chính phủ bị các bộ “rườm rà hoá”: phí và lệ phí kiểm dịch, kiểm định hàng hoá rất cao, nhiều quy định thẩm định hàng hoá nước bạn đã bỏ trong khi Việt Nam vẫn áp dụng.

Nhận định về ngành thương mại và tình hình XK, Phó thủ tướng Vũ Khoan chỉ rõ 6 lỗ hổng chính đang cản trở hoạt động thương mại là: Thương mại nước ta còn trong tình trạng bảo hộ kéo dài; Nhập khẩu luôn vượt chỉ tiêu trong 4 năm liên tục, khiến nhập siêu quá lớn và làm mất cân đối cán cân thương mại; Tư duy về thương mại dịch vụ rất kém; Cơ cấu hàng hoá còn luẩn quẩn với một số mặt hàng chính nên đối mặt với thách thức lớn; Hàng công nghiệp có giá trị chất xám cao thì XK còn quá ít; Nhiều công trình cho ngành thương mại đầu tư dàn trải, lãng phí hàng tỷ đồng…

Phó thủ tướng yêu cầu: Thực hiện ngay những kế hoạch “lót ổ” cho giai đoạn hội nhập, để cạnh tranh bình đẳng, như thế mới tránh được tụt hậu; trong năm 2005 phải hoàn thiện dần các thành tố của thị trường để hội nhập.                         

MỚI - NÓNG