Sau 2010 sẽ khắc phục được sự mất cân đối về sản xuất điện năng

Sau 2010 sẽ khắc phục được sự mất cân đối về sản xuất điện năng
TPO – Đây là thông tin được Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đưa ra tại cuộc tọa đàm với đại diện các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam về tiềm năng cho các nhà đầu tư châu Âu tại Việt Nam.
Sau 2010 sẽ khắc phục được sự mất cân đối về sản xuất điện năng ảnh 1

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, sau 2010 Việt Nam sẽ khắc phục được sự mất cân đối về sản xuất điện năng

Tại cuộc tọa đàm, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết trong chính sách đối ngoại của mình, Việt Nam luôn dành vị trí rất quan trọng cho mối quan hệ hợp tác với Liên minh châu Âu (EU).

Cơ hội tăng cường và phát triển trong hợp tác thương mại, kinh tế và đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu là rất lớn, đặc biệt là trong các lĩnh vực mà Việt nam khuyến khích đầu tư như cơ khí chế tạo, hóa dầu, hóa dược, các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu, các dạng năng lượng mới.

Về đầu tư, EU hiện có 796 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư 11,82 tỉ USD, vốn thực hiện đạt gần 7 tỉ USD. Đầu tư của EU tập trung chủ yếu vào các ngành công nghiệp như dầu khí, điện, nước, xây dựng cơ sở hạ tầng, chế biến nông sản thực phẩm, viễn thông, dịch vụ tài chính, ngân hàng.

Tại buổi tọa đàm, những vấn đề được đại diện các doanh nghiệp EU quan tâm nhất là việc mở cửa trong lĩnh vực điện năng, giá bán điện trong thời gian tới, việc cải tiến thủ tục đấu thầu các dự án BOT trong lĩnh vực năng lượng, việc mở cửa thị trường bán lẻ và điều kiện kinh doanh của thị trường khí hóa lỏng tại Việt Nam.

Trả lời câu hỏi của các doanh nghiệp EU về suy thoái kinh tế làm ảnh hưởng đến việc đưa vào hoạt động theo đúng tiến độ các công trình điện của Việt Nam, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định cuộc suy thoái kinh tế không làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án điện ở Việt Nam.

Theo người đứng đầu Bộ Công Thương, năm 2009 sẽ có một loạt các nhà máy điện được hoàn thành và đi vào hoạt động tại Việt Nam, cung cấp thêm 3.500 WM cho hệ thống điện của Việt Nam.

Đến hết 2008, tổng công suất các nhà máy điện tại Việt Nam là 15.000 MW. Với số nhà máy điện đi vào hoạt động trong năm 2009, Việt Nam sẽ có 18.500 MW điện cung cấp cho nền kinh tế.

“Đầu tư cho các dự án điện, đảm bảo cung cấp điện năng cho sự phát triển của đất nước là mối quan tâm lớn của Chính phủ Việt Nam. Không có sự kéo dài hay trì hoãn mà trái lại chúng tôi càng đẩy nhanh việc đầu tư các dự án điện. Với việc đẩy nhanh các dự án điện, chúng tôi hy vọng từ năm 2010 và các năm sau tình hình mất cân đối về sản xuất điện năng sẽ được khắc phục”- Ông Hoàng cho biết.

Liên quan đến việc đấu thầu các nhà máy điện theo hình thức BOT, Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng cho biết hiện Chúng phủ Việt Nam đã có quy định về các thủ tục đấu thầu nói chung. Theo đó, các công trình có tư 30% vốn đầu tư của Nhà nước trở lên sẽ phải thực hiện đấu thầu mua sắm thiết bị. Tuy nhiên trong lĩnh vực điện lực hiện nay đang phát sinh một số vấn đề mới và Bộ Công Thương đang kiến nghị Chính phủ một số điều chỉnh cho phù hợp.

“Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tổng hợp những vấn đề phát sinh kể trên để Chính phủ trình lên Quốc hội để sửa đổi, bổ sung một số điều có liên quan đến xây dựng, đấu thầu các dự án BOT nhằm tạo thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước”- lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết.

Theo Bộ Công Thương, các dự án đầu tư của EU nhìn chung hoạt động có hiệu quả và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, đạt mức doanh thu 2,3 tỉ USD. Các nước EU đầu tư lớn vào ngành công nghiệp Việt Nam gồm Pháp, Anh, Bỉ, Đức, Thụy Điển, Đan Mạch, Italia..

Trong 9 năm qua, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với EU đạt trên 76 tỉ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang EU 50,4 tỉ USD và nhập từ EU 26,1 tỉ USD.

MỚI - NÓNG