Sẽ giảm 3 loại thuế?

Sẽ giảm 3 loại thuế?
Một thông tin mới có thể làm dịu lòng người nộp thuế: cả ba sắc thuế quan trọng là thu nhập doanh nghiệp, giá trị gia tăng, tiêu thụ đặc biệt đều đang được điều chỉnh.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông NGUYỄN VĂN PHỤNG - vụ phó Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính - cho biết:

Sự điều chỉnh một số sắc thuế không nhằm mục đích nào khác là tạo điều kiện tốt hơn cho doanh nghiệp phát triển, khuyến khích đầu tư, tăng sự hấp dẫn của môi trường đầu tư... trên cơ sở bảo đảm nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Trên cơ sở đó, ba sắc thuế đang được nghiên cứu điều chỉnh, trong đó thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) được điều chỉnh giảm rõ nhất, từ 28% hiện nay xuống còn 25%.

Thưa ông, tại sao mức thuế mới lại được dự kiến là 25% trong khi tại các nước khác trong khu vực, nhiều nước mức thuế chỉ 19-23%?

Việc điều chỉnh giảm mức thuế đối với doanh nghiệp không chỉ tham khảo mức thuế của một vài nước mà căn cứ vào tình hình chung cả trong nước và nhiều nước trong khu vực.

Trước đây, khi ban hành Luật thuế TNDN (2003), việc qui định mức thuế suất 28% đã được cân nhắc, trong bối cảnh hầu hết các nước trong khu vực đều đang duy trì mức thuế tương đối cao như: Malaysia (32%), Thái Lan (30%), Trung Quốc (33%)...

Đến nay, thuế TNDN của Singapore là 19%. Nhưng đa số các nước đều đang giữ mức thuế 25%, Philippines đang là 30%, Trung Quốc cũng vừa giảm thuế TNDN từ 33% xuống 25%. Nên theo chúng tôi, mức 25% là phù hợp.

Còn thuế VAT và thuế tiêu thụ đặc biệt cũng sẽ được điều chỉnh theo hướng giảm?

Miễn thuế, giảm thuế cho các trường hợp: phần thu nhập từ việc thực hiện các hợp đồng dịch vụ kỹ thuật trực tiếp phục vụ nông nghiệp; phần thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ của cơ sở kinh doanh dành riêng cho lao động là người tàn tật; phần thu nhập từ hoạt động dạy nghề dành riêng cho người tàn tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đối tượng tệ nạn xã hội; thu nhập của hợp tác xã sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thu nhập thấp theo qui định của Chính phủ…

Theo tôi được biết, hai loại thuế này cũng được xây dựng trên cơ sở phù hợp với xu hướng chung của thế giới và phù hợp với lộ trình cắt giảm thuế khi gia nhập WTO. Theo đó, với thuế VAT, một số mặt hàng sẽ được điều chỉnh từ thuế suất 0% lên 5%, một số mặt hàng được điều chỉnh từ 10% xuống 5% hoặc từ 5% xuống 0%.

Tuy vậy, quan trọng nhất là sắc thuế này sẽ qui định đến một mức tiền nào đó thì phải thanh toán qua ngân hàng. Để bảo vệ các doanh nghiệp làm ăn chân chính, tránh chiếm đoạt tiền hoàn thuế, dự luật sẽ qui định chặt chẽ hơn, yêu cầu bên cạnh hóa đơn phải có chứng từ thanh toán. Nếu không chứng minh được có giao dịch thật sự thì không được hoàn thuế…

Việc cắt giảm thuế sẽ làm giảm đáng kể nguồn thu ngân sách?

Thuế TNDN đang đứng thứ 3 đóng góp vào ngân sách sau thuế VAT và xuất nhập khẩu. Việc cắt giảm thuế chắc sẽ khiến giảm thu nhưng tạo điều kiện để doanh nghiệp thêm tiềm lực, bổ sung vốn đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh tiến tới tăng lợi nhuận và đóng góp nhiều hơn vào ngân sách.

Theo số liệu thống kê năm 2006, trước đây với việc giảm thuế từ 32% xuống 28%, chỉ tính riêng 45 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, vốn kinh doanh đã được tích lũy, bổ sung gần 5.300 tỉ đồng, quĩ đầu tư phát triển tăng gần 13.000 tỉ đồng và quĩ dự phòng tài chính để phòng ngừa rủi ro trong kinh doanh tăng khoảng 2.000 tỉ đồng.

Vậy bao giờ dự luật thuế TNDN, VAT, tiêu thụ đặc biệt mới sẽ được trình Quốc hội?

Các tổ soạn thảo đang khẩn trương hoàn thiện để trình Chính phủ, riêng dự thảo thuế TNDN sẽ được trình vào ngày 20-2. Theo lộ trình, dự luật thuế TNDN, thuế VAT sẽ trình Quốc hội thông qua vào tháng 5-2008. Luật thuế tiêu thụ đặc biệt dự kiến trình vào kỳ họp cuối năm 2008 của Quốc hội.

Theo Cẩm Văn Kình
Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG