Sẽ mở rộng mô hình thuê tổng giám đốc

Sẽ mở rộng mô hình thuê tổng giám đốc
Chính phủ sẽ mở rộng mô hình thuê TGĐ, kể cả với người nước ngoài, để điều hành DN nhà nước và xem đó là một trong những biện pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động của DN.
Sẽ mở rộng mô hình thuê tổng giám đốc ảnh 1

Mở rộng mô hình thuê tổng giám đốc, kể cả với người nước ngoài, để điều hành doanh nghiệp nhà nước

Chủ trương này được Chính phủ đưa ra trong “Chương trình hành động của Chính phủ về đẩy mạnh sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2006 – 2010”, vừa được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký ban hành.

Đây là một mô hình mới, còn nhiều ý kiến và quan điểm khác nhau khi triển khai trên thực tế. Tuy nhiên, có một giá trị được đề cao là hiệu quả từ mô hình này đối với doanh nghiệp, đặc biệt là khẳng định rõ tài năng của người lao động, người đứng đầu trong quản lý điều hành.

Chính phủ xác định đây là một mô hình mới nên việc triển khai sẽ được thí điểm, đúc rút kinh nghiệm và mở rộng trong thời gian tới. Điểm đáng chú ý trong mô hình này là Chính phủ không phân biệt tổng giám đốc là người Việt Nam hay người nước ngoài.

Trong Chương trình hành động của Chính phủ, tầm quan trọng của mô hình thuê tổng giám đốc điều hành được đặt ngang với nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức quản trị doanh nghiệp cho đội ngũ cán bộ quản lý, nằm trong nhiệm vụ chủ yếu thứ hai của Chính phủ từ nay đến năm 2010.

8 nhiệm vụ chủ yếu còn lại đề cập đến yêu cầu rà soát, phân loại để sắp xếp, đổi mới các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, công ty nhà nước cũng như tăng cường đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch, lộ trình sắp xếp, cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước đã được phê duyệt…

Chính phủ cũng tiếp tục khẳng định sẽ đẩy nhanh tiến độ, mở rộng diện cổ phần hoá công ty nhà nước; trong đó tập trung chỉ đạo cổ phần hoá các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, công ty nhà nước quy mô lớn, các ngân hàng thương mại quốc doanh và công ty tài chính nhà nước. Đây là một nguồn hàng quan trọng cho thị trường chứng khoán, đã được Chính phủ đề cập trước Quốc hội tại kỳ họp lần này.

Đối với các công ty thuộc diện Nhà nước giữ 100% vốn điều lệ, Chính phủ sẽ hoàn thành việc chuyển đổi toàn bộ sang hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một hoặc nhiều thành viên hoặc công ty cổ phần của chủ sở hữu là Nhà nước vào năm 2009.

Một nhiệm vụ được Chính phủ đặc biệt nhấn mạnh là công tác xây dựng, sửa đổi và bổ sung các văn bản pháp luật liên quan nhằm tạp hành lang pháp lý thuận lợi cho quá trình đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp và phù hợp với quá trình hội nhập.

Ước tính, từ nay đến năm 2010, có ít nhất 14 văn bản quan trọng, liên quan trực tiếp đến quá trình sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp sẽ được các bộ ngành xây dựng, trình Chính phủ ban hành, như Danh mục những lĩnh vực Nhà nước độc quyền và lộ trình xoá bỏ độc quyền trong một số lĩnh vực; Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán; Nghị định thay thế Nghị định số 187/2004/NĐ-CP của Chính phủ về chuyển công ty nhà nước thành công ty cổ phần…

Theo T.M.Đức
Thời báo kinh tế

MỚI - NÓNG