Sẽ tạm hoãn xuất cảnh với người nợ thuế

Từ tháng 7/2020, người nộp thuế còn nợ thuế sẽ bị hoãn xuất cảnh
Từ tháng 7/2020, người nộp thuế còn nợ thuế sẽ bị hoãn xuất cảnh
TPO - Từ 1/7/2020, người nộp thuế đang bị cưỡng chế thuế, người Việt Nam xuất cảnh để định cư ở nước ngoài, người nước ngoài, trước khi xuất cảnh từ Việt Nam phải hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế. Trường hợp chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh.

Luật Quản lý thuế sửa đổi số 38/2019/QH14 được Quốc hội thông qua ngày 13/6/2019, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020.

Trường hợp nào được xóa nợ thuế?

Theo đó, các trường hợp được xóa nợ gồm người nộp thuế đã chết, mất năng lực hành vi dân sự mà không còn tài sản, kể cả tài sản được thừa kế để nộp tiền thuế còn nợ; hoặc đã bị phá sản theo quyết định của Tòa án và không còn tài sản để nộp thuế;

Trường hợp khác là người nộp thuế đã bị thu hồi giấy phép kinh doanh, cơ quan thuế đã áp dụng tất cả các biện pháp cưỡng chế thu nợ nhưng người nộp thuế không còn tài sản để nộp tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp còn nợ và khoản nợ thuế thì đã quá 10 năm không còn khả năng thu hồi. 

Theo Tổng cục Thuế, quy định trên cũng phù hợp với thông lệ quốc tế, hầu hết các nước trên thế giới đều có cơ chế để thực hiện việc xóa nợ cho những khoản nợ thuế không còn khả năng thu hồi.

Việc xóa nợ không còn khả năng thu vào ngân sách, giảm chi phí cho nhà nước, không mất chi phí, vật lực, nhân lực tham gia theo dõi, quản lý những khoản nợ không còn đối tượng để thu, giúp cơ quan Thuế, Hải quan có điều kiện tập trung nguồn lực vào việc quản lý và đôn đốc các khoản nợ có khả năng thu, tăng cường hiệu lực và hiệu quả trong quản lý thuế, chống thất thu, tăng thu cho ngân sách.

Tuy nhiên, để đảm bảo chặt chẽ trong việc thực hiện xóa nợ đọng thuế, tránh lợi dụng thất thu ngân sách nhà nước, Luật Quản lý thuế sửa đổi đã quy định trách nhiệm của người nộp thuế đã được xóa nợ. Theo đó, nếu người nộp thuế này muốn quay lại kinh doanh thì trước đó hoặc khi thành lập cơ sở sản xuất kinh doanh mới, người nộp thuế phải hoàn trả cho Nhà nước khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đã được xoá. 

Một nội dung khác được quan tâm là hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trong trường hợp xuất cảnh. Theo đó Luật Quản lý thuế quy định: "Người nộp thuế thuộc trường hợp đang bị cưỡng chế thuế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, người Việt Nam xuất cảnh để định cư ở nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài, trước khi xuất cảnh từ Việt Nam phải hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế; trường hợp chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế thì bị tạm hoãn xuất cảnh theo quy định của pháp luật về xuất cảnh, nhập cảnh".

Hàng nghìn tỷ đồng nợ thuế khó đòi

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, hiện tổng số nợ chuyên thu quá hạn của ngành Hải quan khoảng 5.468 tỷ đồng. Trong đó, nợ khó thu khoảng 3.881 tỷ đồng, nợ chờ xử lý là 145,6 tỷ đồng, nợ có khả năng thu là 1.442 tỷ đồng. 

Đối với các khoản nợ đã quá 10 năm, Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị tiếp tục hoàn thiện hồ sơ theo quy định, gửi về tổng cục xem xét xóa nợ đối với khoản nợ đã quá 10 năm đủ điều kiện xóa nợ theo quy định tại Khoản 20 Điều 1 Luật số 21/2012/QH13.

Riêng đối với khoản nợ phát sinh trước ngày 1/7/2007, Tổng cục yêu cầu các đơn vị tiếp tục rà soát, thu thập tài liệu, hoàn thiện hồ sơ xóa nợ theo quy định tại Thông tư 179/2013/TT-BTC ngày 2/12/2013 và báo cáo các trường hợp có khả năng xóa nợ.

Như Tiền Phong từng phản ánh, dù đã công khai, áp dụng nhiều biện pháp cưỡng chế, phong tỏa tài khoản để thu hồi nợ thuế, song đến nay, tại nhiều Cục Hải quan tỉnh, thành phố, số tiền các DN nợ thuế lên tới hàng chục, thậm chí hàng trăm tỉ đồng.

Đứng đầu danh sách địa phương có số lượng doanh nghiệp (DN) nợ thuế xuất nhập khẩu nhiều nhất là Cục Hải quan TP.HCM.  Tính đến giữa tháng 7/2019, Cục Hải quan TPHCM có hơn 2.600 DN nợ tổng cộng lên hơn 2.119 tỷ đồng thuế xuất nhập khẩu (XNK). Phần nhiều số nợ "khủng" rơi vào các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và thuộc diện khó thu hồi. 

Số nợ thuế của ngành Hải quan hiện nay chủ yếu còn tồn từ thời điểm 1/7/2013 trở về trước- thời điểm DN được nợ thuế mà không cần bất cứ điều kiện gì. Lợi dụng chính sách này, nhiều DN đã nhập khẩu hàng hóa rồi bỏ trốn khỏi địa chỉ đăng ký kinh doanh.

MỚI - NÓNG