Tổng Giám đốc AIC, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn:

Sẽ xuất khẩu sản phẩm từ rác Hà Nội

TPO - TP - Giám  đốc Cty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC), bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, lạc quan với các thủ tục cuối cùng triển khai dự án xử lý rác Hà Nội triệt để nhất từ trước đến nay ở Việt Nam, theo đó, rác sau khi xử lý có thể xuất một phần đáng kể.
Sẽ xuất khẩu sản phẩm từ rác Hà Nội ảnh 1

Trả lời PV Tiền Phong, bà Nhàn nói:

Dự án đầu tư xử lý rác thải sinh hoạt tại Hà Nội theo hình thức BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao) công suất 2.000 tấn/ngày đã nhận được sự đồng ý về chủ trương của UBND TP Hà Nội cách đây hai tuần, ngày 8-2, với văn bản chấp thuận đề xuất dự án đầu tư của AIC.

Cơ quan chức năng đang gấp rút hoàn thiện thủ tục tiếp theo để đưa nhà máy vào vận hành chính thức nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Một nhà môi trường nói, rác Hà Nội thuộc loại khó xử lý nhất thế giới do chúng không được phân loại tốt ngay từ nguồn thải. Sự tùy tiện, cẩu thả của nhiều người tiêu dùng tạo ra thứ rác tạp pí lù, khiến cho công nghệ càng hiện đại càng khó có đất sống ở Việt Nam.

Sẽ xuất khẩu sản phẩm từ rác Hà Nội ảnh 2

Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn

AIC định làm gì trước thực tế ấy khi hầu như chưa công nghệ tái chế và xử lý rác sinh hoạt (RSH) nào thành công với loại rác ấy?

Nhà máy của liên doanh AIC và đối tác sử dụng công nghệ tái chế không phải tiên tiến nhất thế giới nhưng có cả công đoạn phân loại rác, hóa giải khâu khó nhất đối với ác ở Hà Nội.

Đúng là rác Hà Nội hầu như không giống nơi nào trên thế giới. Không những chưa được phân loại triệt để từ đầu nguồn, rác ở Hà Nội còn có lượng hữu cơ lên men cao (tới 40-50%), đặc biệt, lẫn cả rác xây dựng (khoảng 10%), rác thải nguy hại, và các thành phần sử dụng được (sắt, nhựa, cao su, bao nylon, khoảng 10%).

Thứ nhất, như tôi nói ở trên, công nghệ cho phép tái sử dụng tối đa lượng rác, tận dụng tối đa các chất hữu cơ có trong rác thải bằng phương pháp lên men hiếu khí, bằng phương pháp mùn compost.

Thứ hai, suất đầu tư hợp lý và thấp hơn so với công nghệ khác, tận thu tối đa các loại vật liệu có thể tái chế như sắt, thép, túi nilon, kẽm, v.v.

Với công nghệ đốt, xử lý 2.000 tấn rác/ngày, vốn đầu tư phổ biến ở một số nơi của nước ta phải là 150 triệu USD. Nhưng, với công nghệ này, chỉ hết 39 triệu USD.

Thứ ba, các chất vô cơ, và chất trơ được ép chặt, đóng rắn, bao gói thành sản phẩm có thể san lấp. Tổng chi phí đầu tư chỉ 13,5 USD/tấn rác, trong khi, ở miền Nam, có nơi trên 20 USD/tấn rác

Xin lưu ý, nếu sử dụng phương pháp lên men vi sinh, chỉ sử dụng được 30% chất hữu cơ trong rác, phương pháp đốt chỉ xử lý được 40% chất hữu cơ cháy được. Còn lại chất vô cơ và tro sau khi đốt phải chôn lấp.

Bà không sợ lỗ khi xử lý rác đô thị là lĩnh vực công ích là chính? Nhà nước ưu đãi rất nhiều, kêu gọi nhiều mà có mấy ai làm đâu?

Quản lý chất thải rắn đô thị bất cập đang là thách thức lớn đối với Hà Nội

Tốc độ tăng chất thải rắn không chỉ vì dân số đô thị tăng, sản xuất, dịch vụ tăng, mà còn vì mức sống của người đô thị tăng.

Ở Hà Nội cũ, trước năm 1995, mỗi người chỉ thải bình quân 0,5 đến 0,8 kg chất thải rắn mỗi ngày. Đến cuối năm 2002, trị số này tăng lên 0,8 đến 1,2 kg/ngày. 

Tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị Hà Nội cũ phát sinh trước năm 1995 chỉ 2.000 tấn/ngày, nay lên trên 4.000 tấn/ngày.

Tỷ lệ thu gom mới đạt khoảng 80 - 90%, tuy đã xây dựng được khu Liên hợp Xử lý Chất thải rắn Nam Sơn tương đối hiện đại.

Tỷ lệ thu gom rác ở Hà Đông mới đạt 60 - 70%, mỗi ngày thu gom được 50 - 60 tấn. Bãi chôn lấp không đạt quy chuẩn vệ sinh môi trường.

Ở thị xã Sơn Tây, tỷ lệ thu gom rác cũng chỉ đạt 60 - 70%, mỗi ngày thu được khoảng 35 - 40 tấn/ngày.

Thị xã Sơn Tây có nhà máy chế biến rác thành phân Compost 50 tấn/ngày, nhưng hoạt động rất kém.

Liên doanh của chúng tôi bỏ ra 39.800.000 USD, xử lý luôn 2.000 tấn rác/ngày, bằng một phần ba lượng RSH thải của Hà Nội với trên sáu triệu dân. Còn không lãi, chúng tôi không làm.

Chúng tôi đảm bảo vận hành ổn định nhà máy theo đúng qui định của pháp luật trong thời gian 49 năm; tuân thủ tuyệt đối các qui định về tiêu chuẩn về chất thải, khí thải, nước thải.

Do rác thải được chế biến thành một lượng lớn các sản phẩm khác nhau, đảm bảo tái chế, sử dụng trên 85%, lượng rác phải đem chôn lấp còn rất ít. Riêng việc này sẽ giúp cứu các bãi chôn lấp rác lớn nhất của Hà Nội đang có nguy cơ đầy ứ chỉ vài ba năm nữa.

Đấy là chưa kể lượng rác còn lại cuối cùng ấy sẽ được đóng bao gọn gàng, không gây ô nhiễm cho đất, không tỏa mùi, có thể tái sử dụng sau vài chục năm chôn.

Không chỉ bao tiêu và tiêu thụ toàn bộ sản phẩm tái chế, chúng tôi còn xử lý triệt để các ô nhiễm thứ cấp (nước thải, khí thải, tiếng ồn), đảm bảo thực hiện các quy định về đầu tư và bảo vệ môi trường của địa phương, đồng thời chuyển giao công nghệ và nhà máy cho đối tác Việt Nam một năm trước khi dự án BOT chấm dứt.

Các vị lãnh đạo TP Hà Nội tạo điều kiện gần như tốt nhất để chúng tôi triển khai dự án đúng dự kiến. UBND TP Hà Nội thông qua chủ trương dự án chỉ một năm kể từ khi chúng tôi đặt vấn đề.

Bà vừa nói sẽ chính thức đưa nhà máy vào hoạt động đúng dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, 10-10-2010. Cam kết ấy có quá không khi các phương pháp xử lý rác hiện nay thường mất 12-18 tháng đưa nhà máy vào vận hành kể từ lúc bắt đầu xây dựng?

Vượt qua hai cửa ải, chính thức được chấp thuận và có mặt bằng, chắc chắn chúng tôi chỉ cần 5-7 tháng. Công nghệ của chúng tôi có  khả năng thích ứng linh hoạt với yêu cầu cần tăng qui mô xử lý rác hàng ngày khi có yêu cầu của thành phố.

Mức tối đa có thể lên đến 7.000 tấn/ngày đêm. Khi đó, chúng tôi chỉ cần thêm mặt bằng cho nhà máy, có thể sử dụng bãi rác cũ đã chôn lấp đầy; có thể dễ dàng di dời đến các vị trí cần xử lý rác khác nhau khi có yêu cầu của thành phố (ví dụ xử lý các bãi rác thải cũ đã chôn lấp khi có yêu cầu).

Việc xuất khẩu các thành phẩm từ rác thế nào, thưa bà?

Chúng tôi đầu tư toàn bộ thiết bị, công nghệ, nhà xưởng, tiếp nhận, phân loại và chế biến  thành các thành phẩm gồm mùn hữu cơ (compost), vật liệu tái sử dụng và vật liệu xây dựng.

Chúng tôi đảm bảo tiêu thụ toàn bộ thành phẩm từ nhà máy. Thị trường tiêu thụ của chúng tôi ở nước ngoài đã sẵn sàng (xuất khẩu toàn bộ) nếu tại Việt Nam không có nhu cầu.

Đương nhiên, chúng tôi sẵn sàng phối hợp với Thành phố Hà Nội tiếp nhận và xử lý rác thải mới và rác thải cũ, đồng thời sẵn sàng đầu tư nâng công suất của nhà máy khi cần thiết theo phương thức BOT hoặc BT (xây dựng-chuyển giao).

Để dự án hoạt động đúng như dự định, bà muốn đề nghị gì đối với Thành phố Hà Nội?

Chúng tôi đề nghị UBND TP Hà Nội cung cấp đất sạch cho chúng tôi, miễn tiền sử dụng đất trong suốt thời gian của dự án. Diện tích này từ 15 - 40 ha, phụ thuộc vào lượng rác cần xử lý từ 2.000- 7.000 tấn.

Thành phố cần đảm bảo cung cấp đủ lượng rác tối thiểu là 2.000 tấn/ngày để đảm bảo nhà máy của chúng tôi hoạt động có hiệu quả.

Chúng tôi còn đề nghị đảm bảo thanh toán cho chúng tôi mỗi tháng một lần tiền chi phí xử lý rác trong tháng với giá ban đầu là 13,5 USD/tấn rác mà chúng tôi tiếp nhận và xử lý tại nhà máy.

Khoản phí này đề nghị được xem xét, điều chỉnh lại sau năm năm một lần,  có cân nhắc sự biến động do lạm phát, biến động tiền tệ, các yếu tố đầu vào khác như điện, nước. Mức điều chỉnh lần sau không vượt quá 10% so với phí xử lý của năm năm liền kề trước.

Chúng tôi cũng đề nghị không đánh thuế máy móc thiết bị khi nhập khẩu xây dựng nhà máy, một số vật tư phục vụ cho hoạt động của nhà máy; không đánh thuế xuất khẩu các sản phẩm của nhà máy; và cho chúng tôi được hưởng các ưu đãi khác theo qui định của pháp luật với nhà đầu tư trong lĩnh vực  xử lý môi trường.

Các bãi rác đang chôn lấp, các khu vực xử lý rác đều bị quá tải; ô nhiễm thứ cấp tại các khu vực xử lý rác tập trung đang tác động xấu đến cảnh quan, môi trường và sức khỏe của nhân dân sống xung quanh các khu vực này.

Ngay trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán dài hiếm có, chỉ cần để ý đến tình trạng rác thải bừa bãi, hiện trạng môi trường xuống cấp tại các điểm vui chơi, lễ hội dịp Tết Canh Dần, cũng đủ thấy rác là một trong những lực cản lớn nhất đối với Hà Nội.

Vì vậy, xử lý rác thải sinh hoạt cần sớm được quan tâm và đầu tư đúng mức.

Hà Nội hiện có 6,2 triệu người, diện tích 3.300km2, mật độ trung bình 1.880 người/km2; chia thành 29 quận, huyện, có địa hình đa dạng bao gồm miền núi, trung du, đồng bằng.

Năm 2009, tỷ lệ rác sinh hoạt (RSH) thu gom trong ngày tại nội thành Hà Nội là 95 - 98%, ngoại thành 60-65% với tổng lượng RSH 5.500 - 6.000 tấn/ngày, trong đó rác trong các khu đô thị khoảng 3.000 tấn/ngày (60%), chất thải công nghiệp 500 - 600 tấn/ngày, chất thải xây dựng 1.000 - 1.200 tấn/ngày (chiếm 20%), bùn bể phốt và chất thải khác 500 - 600 tấn (10%). Các chất thải nói trên hầu như không được phân loại triệt để, đều lẫn trong RSH.

Hiện tại RSH của Hà Nội đều được xử lý theo phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh tại các bãi rác Nam Sơn, Kiêu Kỵ, Xuân Sơn, Chương Mỹ. Tại các huyện ngoại thành, RSH được chôn  tùy tiện tại các ao hồ, không có hệ thống thu gom và xử lý nước thải.

Chất thải rắn (CTR) và RSH tại trên 1.000 làng nghề (Minh Khai, Cát Quế, Dương Liễu, Hoài Đức, Tân Hòa, Cộng Hòa, Quốc Oai, v.v) chưa được thu gom và xử lý gây ô nhiễm trầm trọng tại các địa phương.

Công tác thu gom RSH và CTR nói chung vẫn được giao chủ yếu cho Cty TNHH nhà nước một thành viên Môi trường Đô thị Hà Nội, Cty Môi trường Đô thị Hà Đông, Sơn Tây, Xuân Mai và các xí nghiệp môi trường tại các huyện ngoại thành.

Hoàng Quốc Dũng
Thực hiện

MỚI - NÓNG