Sếp ngân hàng đồng thời là chủ doanh nghiệp: Đến thời chỉ chọn một ghế

Ngân hàng OceaBank từng có ông chủ làm chủ tịch kiêm chủ tịch Tập đoàn Đại Dương.
Ngân hàng OceaBank từng có ông chủ làm chủ tịch kiêm chủ tịch Tập đoàn Đại Dương.
TP - Theo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi, bổ sung vừa được Quốc hội thông qua (từ 15/1/2018 có hiệu lực), lãnh đạo hàng loạt ngân hàng sẽ phải thay đổi vị trí tại một trong hai đơn vị, hoặc ngân hàng hoặc doanh nghiệp nơi mình làm chủ. Nếu xử lý được “dây leo” sở hữu chéo này, ngân hàng sẽ hạn chế được nhiều rủi ro trong vay mượn về sau.

Hết thời kiêm nhiệm ông chủ nhiều nơi

Thống kê của Tiền Phong cho thấy, sự kiêm nhiệm đang tồn tại trong làng ngân hàng khá dày đặc.

Đơn cử, ông Dương Công Minh, Chủ tịch Tập đoàn Him Lam đồng thời là Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Sacombank; Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội kiêm Chủ tịch T&T; Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đông Nam Á vẫn đang giữ chức Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG; bà Thái Hương, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Bắc Á kiêm Chủ tịch TH Truemilk; Ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng OCB cũng đang kiêm nhiều vị trí khác như: Thành viên HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Long, Thành viên HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm xanh; Ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng An Bình đang là Chủ tịch Geleximco; Ông Phương Hữu Việt, Chủ tịch HĐQT ngân hàng Việt Á cũng đang kiêm nhiệm Chủ tịch HĐQT Tập đoàn đầu tư Việt Phương; Ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch HĐQT ngân hàng Kiên Long kiêm Chủ tịch HĐQT Đồng Tâm Group; Ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TienPhongBank kiêm chủ tịch Tập đoàn Doji; Ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT Techcombank kiêm thành viên Tập đoàn Masan.

Rà soát bức tranh tái cơ cấu ngân hàng giai đoạn 2011-2015, thấy có thời, việc “đi đêm” cho vay sân sau dù không công khai nhưng vẫn diễn ra ... ngầm”. Thời đó, làng ngân hàng từng xuất hiện những câu chuyện đại loại: ngân hàng B huy động được bao nhiêu tiền lại lập tức “rót” sang công ty sân sau cho dự án nông nghiệp sạch do lãnh đạo nhà băng đồng thời làm chủ. Có chủ ngân hàng S vốn xuất thân là tay ngang nhưng nhờ có lập được ngân hàng trong mà “thổi” vốn sang công ty sân sau là một doanh nghiệp bất động sản “còi” khiến nó vụt lớn trở lên hùng mạnh.

Ở đại án Ngân hàng Xây dựng, ông chủ nhà băng này - Phạm Công Danh cũng vì có ngân hàng lại có công ty sân sau mà “tá hoả tam tinh” vay vốn quay vòng tít thò lò. Còn hiện tại, thông tin cho rằng cả chủ nhà băng dù không “đi đêm” với ngân hàng của mình nhưng “trưng” mác đó để đứng ra vay mượn những ngân hàng bạn nơi vị này đang làm chủ tịch doanh nghiệp...

Có lo xáo trộn hệ thống?

“Cấm cửa” ngân hàng cho vay công ty sân sau cũng là một trong những mục tiêu Đề án tái cơ cấu ngân hàng giai đoạn 2015-2020 của Ngân hàng nhà nước. Và để làm được điều đó, Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi đã áp sát với quy định mới: Buộc nhiều lãnh đạo đứng đầu ngân hàng phải lựa chọn từ nhiệm khỏi ngân hàng hoặc doanh nghiệp.

Như tính toán của PV Tiền Phong, hiện tại có khoảng hơn 10 “chủ” ngân hàng đang kiêm nhiệm “cặp đôi” vừa làm chủ tịch ngân hàng vừa làm chủ tịch tại nhiều tập đoàn, doanh nghiệp. Nếu áp theo mốc thời gian Luật Các tổ chức tín dụng sửa  đổi bổ sung có hiệu lực 15/1/2018, thì sớm hay muộn họ sẽ phải lựa chọn dứt khoát 1 “ghế” ngồi.

Tuy nhiên, theo NHNN, kể từ ngày luật này có hiệu lực, việc bầu, bổ nhiệm, bổ sung thay thế chủ tịch HĐQT, chủ tịch hội đồng thành viên, tổng giám đốc (giám đốc) của tổ chức tín dụng thực hiện theo luật này và Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010. Điều này đồng nghĩa với việc có thời gian chuyển tiếp, theo đó các chức danh này vẫn được đảm nhiệm người quản lý của doanh nghiệp khác (nếu có) cho đến khi hết nhiệm kỳ hiện nay, không gây xáo trộn hoạt động của tổ chức tín dụng. “Với các vị này, họ sẽ được làm hết nhiệm kỳ hiện tại không hồi tố. Phải tới nhiệm kỳ sau, họ mới phải chọn 1 trong hai chức danh ngân hàng hoặc doanh nghiệp”, một đại diện NHNN cho biết.

Vậy NHNN có tính toán đến sự xáo trộn khối ngân hàng cổ phần nếu tới đây hàng loạt ông chủ nhà băng thôi nhiệm? Theo vị đại diện này,  NHNN đã lường trước và tạo điều kiện tối đa để hạn chế xáo trộn. “Việc bắt buộc chọn một trong hai vị trí sẽ bắt đầu từ nhiệm kỳ mới trở đi (hầu hết nhiệm kỳ hiện tại của các nhà băng đều đã bắt đầu và kết thúc vào 2020-2022-PV). NHNN đã đánh giá tác động và thấy không có xáo trộn gì nhiều”, vị này nói.

Theo ông này, việc “siết” chặt sự kiêm nhiệm này nhằm hạn chế xác suất những rủi ro trong hoạt động ngân hàng”, đại diện NHNN chia sẻ.

Cấm dùng ngân hàng thao túng cho công ty sân sau! Điều này từng được Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cảnh báo tại hội nghị ngành giữa năm 2017 khi nhắc tới tái cơ cấu hệ thống ngân hàng giai đoạn 2015-2020. “Người vi phạm sẽ vĩnh viễn không được thực hiện quản trị, điều hành ngân hàng. Do đó, các lãnh đạo cần ý thức trước khi làm bất cứ điều gì”, Thống đốc Hưng khi đó nói. Ông Hưng cũng khẳng định sẽ tiến tới lành mạnh hoá hoạt động ngân hàng và ngăn ngừa tuyệt đối tình trạng dùng ngân hàng để tài trợ cho các công ty sân sau.

MỚI - NÓNG