SHB giữ nguyên HĐQT sau khi Habubank sáp nhập

SHB giữ nguyên HĐQT sau khi Habubank sáp nhập
Chủ tịch Đỗ Quang Hiển cho biết vì Habubank sáp nhập vào SHB nên không có chuyện phải tổ chức đại hội cổ đông bầu lại thành viên HĐQT.
Những hoạt động giao dịch cuối cùng dưới thương hiệu Habubank
Những hoạt động giao dịch cuối cùng dưới thương hiệu Habubank.

HĐQT mới vẫn giữ nguyên các thành viên cũ của SHB và nếu người của Habubank có nguyện vọng tham gia mới tiến hành bầu bổ sung.

Ngày 7-8, Ngân hàng Nhà nước chính thức ký quyết định hoàn tất thương vụ sáp nhập Habubank vào Ngân hàng Sài Gòn Hà Nội (SHB) sau 7 tháng tiến hành và xây dựng đề án.

Chủ tịch Hội đồng Quản trị SHB Đỗ Quang Hiển cho biết, việc sáp nhập nằm trong chiến lược của SHB, rút ngắn thời gian cũng như giảm thiểu tối đa chi phí trong lộ trình phát triển. Nếu để SHB tự thân phát triển, HĐQT của SHB cũng như các chuyên gia tính toán –nhanh phải mất 5 năm cộng thêm chi phí đầu tư không nhỏ. Trong khi đó, thương vụ với Habubank chỉ mất 7 tháng, chi phí lại hợp lý.

Về những thay đổi nhân sự cấp cao trong ban lãnh đạo, điều hành ngân hàng mới, bầu Hiển nêu rõ: “Vì đây là Habubank sáp nhập vào SHB nên HĐQT của SHB vẫn giữ nguyên. Nếu các thành viên trong HĐQT Habubank có nguyện vọng tham gia vào HĐQT thì sẽ xin ý kiến cổ đông và bầu bổ sung sau”. Như vậy, HĐQT của SHB vẫn gồm 7 người cũ của SHB – tạm thời chưa có Chủ tịch HĐQT Habubank hay tổng giám đốc của ngân hàng này.

Từ khi được Ngân hàng Nhà nước đồng ý về nguyên tắc, SHB đã cử người sang tham gia lãnh đạo để cùng giải quyết các vấn đề về thanh khoản và xử lý nợ cho Habubank. Ông Đỗ Quang Hiển – Chủ tịch HĐQT SHB – khẳng định đến hết năm nay sẽ hoàn thành xong việc xử lý các khoản nợ lớn của Habubank. “Tôi khẳng định đến đến 31/12, 65% dư nợ của Habubank sẽ được xử lý. 65% dư nợ này tương đương với các khoản vay của 50 doanh nghiệp lớn trong các ngành như tàu thủy (Vinashin), ngành giấy, ngành nông thủy sản(Bianfishco) sẽ xử lý hết”, ông Hiển quả quyết.

Tỷ lệ nợ xấu của Habubank trước khi sáp nhập là 23,66% (tương đương 3.729 tỷ đồng). Ông Nguyễn Văn Lê, Tổng giám đốc SHB cho biết, sau khi sáp nhập Habubank và SHB, tỷ lệ nợ xấu đã xuống dưới 10%, còn 8,69%. Bầu Hiển cũng cam kết trước báo chí sẽ đảm bảo đưa nợ quá hạn của Habubank xuống dưới 10%..

Ngân hàng Sài Gòn Hà Nội được thành lập năm 1993 trong khi Ngân hàng Nhà Hà Nội ra đời năm 1989. Ngân hàng SHB sau khi sáp nhập Habubank sẽ có tổng tài sản gần 120.000 tỷ đồng (tương đương với quy mô của các nhà băng trong khối G14). Tổng vốn điều lệ sẽ gần 9.000 tỷ đồng. Sau sáp nhập, tổng số nhân viên của SHB sẽ đạt gần 5.000 người, bằng nhân viên của hai nhà băng cũ gộp lại. Lãnh đạo SHB khẳng định đảm bảo mọi quyền lợi cho nhân viên cũ của Habubank.

Hiện Habubank có tổng cộng 90 điểm giao dịch, chi nhánh, quỹ tiết kiệm. SHB cho biết đến ngày 28-8, sẽ hoàn tất việc thay đổi tên Habubank thành SHB và sẽ không còn nhìn thấy tên thương hiệu Habubank tồn tại. Sau khi sáp nhập, ngân hàng SHB mới sẽ có hệ số an toàn vốn CAR là 11,39%, đạt tiêu chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, CAR của Habubank trước đây chỉ hơn 4%. Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc chỉ số CAR sau sáp nhập cao hơn nhiều Habubank trước đây, ông Nguyễn Văn Lê khẳng định CAR đã được tính toán chính xác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Theo CEO của SHB, Ngân hàng SHB mới sẽ đặt mục tiêu tăng trưởng chỉ tiêu tín dụng từ 13%-15%, toàn bộ hệ thống thẻ ATM cũ của hai ngân hàng được giữ nguyên và khách hàng vẫn có thể sử dụng như bình thường.

Tại cuộc họp báo công bố việc sáp nhập, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú đánh giá cao tinh thần hợp tác và trách nhiệm trong quá trình 2 ngân hàng cùng tiến hành thẩm định, xác định năng lực tài chính để đi đến sáp nhập. Đại diện Ngân hàng Nhà nước khẳng định vai trò của nhà điều hành trong vụ sáp nhâp này đã thể hiện một cách hết sức “đậm đặc”. “Sau khi 2 ngân hàng sáp nhập, Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng hỗ trợ nếu trong quá trình hoạt động có những khó khăn về thanh khoản, về nguồn vốn”, ông Tú khẳng định.

Theo Vnexpress

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG