Siết chống trốn thuế kinh doanh online

Tranh của Khều.
Tranh của Khều.
TP - Thời gian qua, nhiều cá nhân có doanh thu từ kinh doanh online trên các trang mạng xã hội với số tiền lên đến cả chục tỷ đồng/năm nhưng chưa đóng thuế. 

Ðặc biệt, hai cá nhân ở TPHCM và Quảng Nam đang bị cơ quan Thuế truy thu hàng tỷ đồng vì kinh doanh từ Google, Facebook nhưng lại không kê khai nộp thuế. Dự kiến trong tháng 8 này, Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi, gọi tắt dự thảo) sẽ được Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét với nhiều điểm mới siết chặt các quy định về pháp luật để chống thất thu ngân sách, nhất là loại hình kinh doanh thương mại điện tử.

Sửa luật 

Theo ông Cao Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế (TCT), Tổ trưởng Tổ soạn thảo dự thảo Luật Quản lý thuế, dự thảo được xây dựng trên cơ sở lấy người nộp thuế (NNT) làm trung tâm, đảm bảo yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho NNT, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa quản lý thuế.

Ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế (TCT) cho hay, dự thảo có nhiều điểm mới như đã bổ sung các quyền được biết thời hạn giải quyết hoàn thuế, số thuế không được hoàn và căn cứ pháp lý đối với số thuế không được hoàn cho NNT. NNT không bị xử lý vi phạm về thuế, không tính tiền chậm nộp đối với trường hợp NNT thực hiện theo văn bản của cơ quan quản lý thuế.

Dự thảo cũng bổ sung quy định thời hạn nộp hồ sơ thuế, chứng từ nộp thuế điện tử trong trường hợp gặp sự cố kỹ thuật; thời hạn nộp hồ sơ khai thuế khoán; thời hạn được khai bổ sung; thời hạn nộp thuế, tính tiền chậm nộp đối với số thuế phải nộp tăng thêm qua khai bổ sung nhằm đảm bảo thống nhất, rõ ràng, minh bạch giữa NNT và cơ quan thuế.

Ngoài ra, để giảm thiểu rủi ro trong hoàn thuế thu nhập cá nhân khi quyết toán thuế cho NNT, dự thảo sửa đổi quy định về thời hạn quyết toán thuế đối với thu nhập cá nhân là 120 ngày kể từ ngày kết thúc (kéo dài thêm 1 tháng so với thời hạn quyết toán của doanh nghiệp). Thực tế, việc phạt chậm nộp thuế đang gây bức xúc cho nhiều doanh nghiệp (DN), bởi nhiều khi lỗi không phải của NNT.

Tại hội thảo góp ý hoàn thiện dự thảo này diễn ra ngày 7/8 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Hội Tư vấn thuế tổ chức, một số DN kiến nghị tăng thời gian chuẩn bị hồ sơ đối với DN để việc kê khai được đúng đủ số thuế phát sinh. Trong khi đó, một số chuyên gia kinh tế tỏ ra lo ngại về quy định bổ sung tờ khai thuế cũng sẽ tạo điều kiện cho các DN “ma” buôn bán hóa đơn gian lận.

Làm sao giải quyết tận gốc?

Năm 2017, ngành Thuế đã rà soát 50.065 chủ tài khoản trên mạng xã hội quảng cáo, bán hàng trên toàn quốc. Các chủ tài khoản đã được cơ quan thuế gửi giấy mời lên làm việc. Hà Nội và TPHCM là 2 địa phương có lượng tài khoản kinh doanh qua mạng lớn nhất. Sau rà soát, một cá nhân tại TPHCM đã bị xử lý truy thu, phạt hơn 9 tỷ đồng vì hành vi bán hàng qua Facebook nhưng không kê khai đầy đủ doanh thu kinh doanh.

Siết chống trốn thuế kinh doanh online ảnh 1

Có thể nghiên cứu tìm các giải pháp thu thuế gián tiếp với các đối tượng kinh doanh online. Ảnh: Ngọc Châu.

Liên quan việc truy thu thuế cá nhân có thu nhập qua facebook, google , ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ chính sách thuế cho biết,  thời gian qua, TCT đã rà soát, phát hiện hơn 14.000 tài khoản có hoạt động kinh doanh TMĐT. Từ đó, thông báo cho Cục Thuế TPHCM và Cục Thuế Hà Nội để hướng dẫn. 

Tổng cục Thuế yêu cầu: Cơ quan Thuế thực hiện thanh tra, kiểm tra đối với các cá nhân có hoạt động kinh doanh TMĐT, nhằm đưa quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT vào nề nếp. Cơ quan Thuế các cấp phải tham mưu với UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo cơ quan ban, ngành có liên quan  phối hợp .

“Theo Luật Quản lý thuế hiện hành, các ngân hàng thương mại (NHTM) không có trách nhiệm phải cung cấp định kỳ thông tin về giao dịch của các cá nhân kinh doanh qua mạng. Do đó, những cá nhân có thu nhập từ các tổ chức, cá nhân nước ngoài chỉ được phát hiện khi cơ quan Thuế yêu cầu các ngân hàng rà soát. Đây là khó khăn đối với việc quản lý thuế của những cá nhân kinh doanh qua mạng, nhất là khi những cá nhân này nhận tiền từ những trang web không phải của Việt Nam”, ông Huy cho hay.

Để hạn chế tình trạng trên, theo ông Lưu Đức Huy, có 2 nội dung quan trọng được chú ý trong biên soạn dự thảo. Theo đó, NHTM phải có trách nhiệm khấu trừ thuế phát sinh đối với giao dịch TMĐT của các tổ chức nước ngoài có kinh doanh và phát sinh thu nhập từ Việt Nam. Đây là cơ sở pháp lý để sau này Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có hướng dẫn cho NHTM và các tổ chức cá nhân liên quan triển khai thực hiện. Ngoài ra, Dự thảo Luật Quản lý thuế cũng bổ sung trách nhiệm của các bộ, ngành, tổ chức đơn vị liên quan kinh doanh TMĐT như: NHNN, các Ngân hàng Thương mại (NHTM), Bộ Công Thương, Bộ Thông tin Truyền thông (TT&TT), Bộ Công an... với cơ quan thuế.

Hiện tại, NHNN cũng đã có thông tư hướng dẫn các khoản thanh toán bằng thẻ quốc tế như Visa/Master phải thực hiện qua những đơn vị do cơ quan này cấp phép. Do vậy, cơ quan thuế đã kết hợp các dữ liệu từ NHNN, các NHTM quản lý được các khoản thu thuế. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đang đẩy mạnh hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật liên quan lĩnh vực thương mại điện tử. Dự kiến, việc sử dụng hóa đơn điện tử trong kinh doanh TMĐT sẽ được bổ sung vào các quy định.

Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam Nguyễn Thị Cúc cho rằng, về nguyên tắc, khi quảng cáo thì đơn vị quảng cáo phải khấu trừ thuế. Cơ quan thuế có thể phối kết hợp với Bộ TT&TT, Bộ Công Thương, các ngân hàng để xem cơ sở dữ liệu. Kể cả khi xóa cơ sở dữ liệu đi thì những cơ quan này cũng có quyền khôi phục dữ liệu lại để điều tra, tính lại số thuế mà hộ kinh doanh  trốn, gây thất thu. Trưởng ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn cho rằng, phải sửa nhiều luật mới giải quyết được tận gốc quản lý hoạt động kinh doanh online.  

“Ðể quản lý tốt hơn thuế trong lĩnh vực TMÐT, phải phân loại quy mô của hộ kinh doanh để bảo đảm công bằng trong quản lý thuế. Khi phân loại được hộ bán hàng điện tử, đồng hồ, mỹ phẩm, thực phẩm… thì cơ quan thuế sẽ phân biệt được quy mô và có biện pháp quản lý và xác định doanh thu phù hợp”.

Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam Nguyễn Thị Cúc

Theo luật hiện hành, những cá nhân nhận thu nhập từ các tổ chức như Facebook, Google, YouTube... được xếp vào dạng cá nhân kinh doanh. Nếu thu nhập từ kinh doanh 100 triệu đồng một năm trở lên thì phải nộp thuế. Mức thuế là 7% trên thu nhập (gồm 5% thuế giá trị gia tăng, 2% thuế thu nhập cá nhân).
MỚI - NÓNG