Siêu thị điện máy xếp hàng chờ phá sản?

Siêu thị điện máy xếp hàng chờ phá sản?
Ế ẩm, tồn kho hàng chục tỷ, ngành kinh doanh điện máy đang đối mặt với hàng loạt khó khăn. Một số DN đã phải bỏ cuộc chơi, dự báo thị trường sẽ còn chứng kiến sự ra đi của nhiều thương hiệu khác.

Siêu thị điện máy xếp hàng chờ phá sản?

> Siêu thị tung hàng riêng
> Buôn bán khó, siêu thị lần lượt đóng cửa

Ế ẩm, tồn kho hàng chục tỷ, ngành kinh doanh điện máy đang đối mặt với hàng loạt khó khăn. Một số DN đã phải bỏ cuộc chơi, dự báo thị trường sẽ còn chứng kiến sự ra đi của nhiều thương hiệu khác.

Điện máy khuyến mãi lớn nhằm cứu vớt doanh thu trước sức ép mặt bằng kinh doanh, vốn và hàng tồn kho
Điện máy khuyến mãi lớn nhằm cứu vớt doanh thu trước sức ép mặt bằng kinh doanh, vốn và hàng tồn kho.

Nổ phát súng đầu tiên trên thị trường điện máy là vụ phá sản của WonderBuy (TP.HCM) ngày 13-6-2011, do siêu thị này lỗ đến 52 tỷ đồng trong gần một năm hoạt động. Ban lãnh đạo Công ty CP Điện máy, máy tính, viễn thông Hợp Nhất, đơn vị sở hữu thương hiệu WonderBuy - cho biết đã thua lỗ hơn 52 tỷ đồng, trong đó gồm tiền thuê mặt bằng, tiền hàng hóa của các nhà cung cấp.

Trước đó, một số siêu thị điện máy như Lộc Lê, Vietnamshop.com cũng đã âm thầm đóng cửa. Lý do: quá vắng khách trong khi vốn đầu tư thấp.

Ngay sau khi WonderBuy đóng cửa vài ngày, đến lượt công ty TNHH Điện máy điện lạnh Hoàng Linh (190 Quang Trung, phường 10, Gò Vấp, TP.HCM) đã "cửa đóng then cài" mà không có bất kỳ thông tin nào và cũng không liên lạc được. Nhiều người cho rằng Hoàng Linh đã theo chân WonderBuy ra đi.

Một số siêu thị khác như Home One, Ideas... thì nhiều thông tin cho thấy, kinh doanh luôn trong cảnh vắng tanh vắng ngắt. Số nhân viên bán hàng có khi còn đông hơn khách hàng và dự đoán thời gian tới rất có thể sẽ lại theo chân WonderBuy.

Tại Hà Nội, các cửa hàng điện máy nhỏ trên phố Hai Bà Trưng cũng âm thầm mất tích. Tuy chưa có con số thống kê cụ thể, nhưng giới kinh doanh ở đây cho biết, đã có khoảng 20% số cửa hàng đóng cửa, hoặc chuyển nhượng từ đầu năm 2011 đến nay.

Với các siêu thị lớn như Media Mart, Pico, Trần Anh... cũng đang nặng trĩu khó khăn. Hàng tồn kho đang chất đống tại hầu hết các siêu thị điện máy lớn tại Hà Nội. Có siêu thị trước đây doanh số bán đạt khoảng 80 tỷ đồng/tháng nay đang tồn kho số hàng lên tới 270 tỷ đồng. Những siêu thị hàng tồn kho cao, mà chủ yếu kinh doanh dựa trên vốn vay thì khó khăn càng chồng chất. Rất dễ được chứng kiến sự ra đi của những tên tuổi lớn trong thời gian tới.

Phân tích về khó khăn này, ông Ngô Thành Đạt, Giám đốc kinh doanh Công ty Trần Anh, cho biết có 2 lý do: chi phí thuê mặt bằng quá cao dẫn đến kinh doanh không hiệu quả và hàng tồn kho lớn bởi sức mua suy giảm mạnh.

Theo ông Đạt, chi phí mặt bằng thường chiếm tới 50% tổng chi phí của các siêu thị. Tính toán sơ bộ, để có hiệu quả thì doanh số tính trên m2 diện tích sàn ở mức 100 triệu đồng/tháng, nhưng hiện nay giá thuê mặt bằng thì cao, trong khi sức mua lại giảm mạnh khiến nhiều siêu thị không đạt được con số trên. Doanh số thu được của các siêu thị thường chỉ đạt 50 - 60 triệu đồng/m2/tháng, thậm chí là 30 triệu đồng/m2, vì thế mà kinh doanh không có hiệu quả.

Bên cạnh đó, hàng tồn kho lại tăng cao. Do dự báo từ đầu năm sức tăng trưởng thị trường điện máy năm 2011 ở mức 40% nên nhiều siêu thị đã lên kế hoạch, ký hợp đồng với các nhà cung cấp với số lượng lớn. Tuy nhiên, trên thực tế sức tăng trưởng của thị trường năm nay rất thấp, chỉ chưa tới 10%, khiến lượng hàng tiêu thụ giảm mạnh và tồn kho tăng.

Hơn nữa, với nhiều siêu thị, hệ thống phần mềm quản lý hàng tồn kho quá kém, không quản lý được, vòng quay hàng tồn kho kéo dài. Có những doanh nghiệp vòng quay hàng tồn kho kéo dài tới 6 tháng, đến nay hàng tồn kho còn lớn hơn cả doanh số bán.

Hàng tồn kho tăng cao trong khi vốn vay lớn, lãi suất cao là nguyên nhân dẫn đến sức chịu đựng nhiều siêu thị đã tới hạn.

"Đặc biệt từ tháng 5-2011 đến nay, tiêu thụ rất chậm, doanh số của các cửa hàng, siêu thị điện máy giảm thê thảm. Mức tiêu thụ sụt giảm từ 30- 40% so với 4 tháng đầu năm. Đây là thời điểm kinh doanh hết sức bấp bênh, cung đang vượt cầu càng khiến sức ép cạnh tranh giữa các nhà phân phối, bán lẻ càng khốc liệt", ông Đạt nói.

Một loạt các siêu thị đều thừa nhận doanh số bán ra của họ đang giảm mạnh. Siêu thị điện máy Pico mới khai trương tại 324 Sơn Tây (Hà Nội), mỗi ngày chỉ có doanh số hơn 1 tỷ đồng, là mức khá thấp so với kỳ vọng.

Thời điểm hiện nay nhiều siêu thị đã phải thực hiện xả hàng tồn kho, chấp nhận thua lỗ, trong đó có nhiều chiêu khuyến mãi giảm giá rất sâu.

Sau WonderBuy là sự ra đi siêu thị điện máy nào? Ảnh: SGTT
Sau WonderBuy là sự ra đi siêu thị điện máy nào? Ảnh: SGTT.

Điển hình là 2 mặt hàng máy điều hoà và máy phát điện - vốn được dự báo sẽ khan hiếm khi vào mùa nắng nóng năm 2011 nên các siêu thị đã mua vào với số lượng lớn từ sớm. Tréo ngoe là, một mùa hè không quá nóng bức đã đi qua, điện không bị thiếu dẫn đến máy điều hoà và máy phát điện ế ẩm tồn kho lớn.

Tại các siêu thị Trần Anh, Pico, Media Mart..., máy điều hoà, máy phát điện đang giảm giá mạnh. Điều hoà loại 12.000 BTU của LG giá trước đây là 6.490.000 nay giảm xuống còn 4.990.000 đồng/chiếc, hay điều hoà loại 9.000 BTU của Samsung, giá chỉ còn 3.990.000 đồng/chiếc...

Máy phát điện đang giảm giá 30%, giá bán ra thấp hơn cả giá mua vào tới 25%.

Tương tự như vậy là tivi LCD giá cũng giảm rất sâu. Chỉ cần 4 triệu đồng cũng có thể mua được 1 chiếc tivi LCD 32 inch thương hiệu hiệu Shap của Nhật Bản tại các cửa hàng điện máy. Trước đó, giá sản phẩm này gần 7 triệu đồng. Các mặt hàng tiêu dùng khác như nồi cơm điện, lò vi sóng, máy xay sinh tố... giá cũng đang giảm mạnh do không có người mua, hàng tồn kho tăng cao.

Kinh doanh điện máy đang trong tình trạng "thu không đủ bù chi", là tình cảnh phổ biến hiện nay của các DN kinh doanh hàng điện máy. Nhiều DN đã phải quay trở lại với những "giá trị cốt lõi" tức là tập trung vào những sản phẩm có thế mạnh, vào quản lý và cắt giảm chi phí kinh doanh, tránh đầu tư dàn trải.

Theo nhận định, thị trường điện máy sẽ còn tiếp tục khó khăn đến hết năm 2012. Đây cũng là thời điểm sàng lọc các DN và thế 4-2-1 đang dần định hình, tức là 3 DN lớn sẽ chiếm lĩnh khoảng 70% thị phần, trong đó DN lớn nhất sẽ chiếm 40%, DN lớn thứ 2 chiếm 20% và DN lớn thứ 3 chiếm 10% , còn lại 30% thuộc về các DN nhỏ và những cửa hàng nhỏ lẻ.

Theo Trần Thủy
Diễn đàn kinh tế Việt Nam

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.