So đo lãi suất, tỉ giá

So đo lãi suất, tỉ giá
Nhiều ngân hàng (NH) đang cho doanh nghiệp (DN) xuất khẩu vay vốn, sau khi bù lãi suất (LS) DN chỉ còn trả khoảng 1%/năm. Điều kiện để được vay vốn LS gần như bằng 0% này DN phải bán ngoại tệ thu được từ xuất khẩu.

Thế nhưng không ít DN lại ngần ngại, chấp nhận vay với LS cao hơn.

So đo lãi suất, tỉ giá ảnh 1
Diễn biến tỉ giá VND/USD ở một số thời điểm - Nguồn: Hiệp hội Ngân hàng VN

Tương tự, nhiều người có tài sản đã không gửi VND có LS cao mà chọn USD và gửi NH có mức LS thấp hơn. Các trường hợp này đều có kỳ vọng: tỉ giá sẽ tăng.

Thích vay lãi suất cao

LS huy động VND ở mức 6-7%, vì thế để có thể cho vay VND với LS chỉ 1%, NH phải kết hợp giữa chương trình bù 4% LS của Chính phủ với nghiệp vụ mua bán ngoại tệ (thường được gọi là vay VND theo LS USD).

Nắm chắc DN có nguồn thu ngoại tệ từ xuất khẩu và cam kết bán số ngoại tệ này cho NH theo tỉ giá được ấn định trong ngày NH giải ngân VND, NH sẽ ứng ngoại tệ với LS vay chỉ 5-6% và bán lấy VND để cho DN vay.

Như vậy, DN vẫn nhận được VND nhưng LS được tính theo USD và sau khi bù 4% LS thì mức phải trả chỉ còn trên dưới 1%/năm tùy NH.

Tại NH Xuất nhập khẩu VN (Eximbank), nếu vay theo phương thức này, LS mà DN xuất khẩu phải trả sau khi được bù LS là 0,9-1,4%/năm.

Thế nhưng, không ít DN lại cho rằng tỉ giá sẽ còn tăng, đặc biệt là trong những ngày cuối tháng 2/2009, giá USD trên thị trường ngoại tệ chợ đen hơi cứng lên càng thúc đẩy DN muốn giữ USD.

Vì vậy, thay vì vay VND theo LS trên dưới 1% và phải cam kết bán USD cho NH, DN chấp nhận vay vốn theo mức LS cao hơn để giữ lại USD.

Các NH cũng chiều DN khi đưa ra hình thức cho vay mới để DN lựa chọn. Theo đó, DN xuất khẩu vay VND nhưng không phải cam kết bán ngay khi nhận VND mà bán ngoại tệ cho NH theo giá ở thời điểm trả nợ.

Với phương thức này, LS vay sẽ cao hơn, sau khi bù LS, DN phải trả trên 4%/năm, cao hơn 3% so với trường hợp vay VND theo LS USD. Tuy phải trả LS cao hơn nhưng DN kỳ vọng việc giữ lại USD một thời gian, có thể là 3-6 tháng kể từ khi vay tiền, khi đó tỉ giá có thể nhích lên và bán được giá hơn.

Vì sao thích lãi suất cao?

Theo một phó tổng giám đốc công ty thủy sản, nhiều DN vẫn băn khoăn về biến động tỉ giá, vì thế họ không muốn vay LS thấp, chấp nhận trả LS cao hơn để được giữ lại USD thu được từ xuất khẩu. Một lãnh đạo của Sở giao dịch 2 Vietinbank cho biết thực tế nhiều DN xuất khẩu lớn có nguồn thu ngoại tệ lớn muốn giữ lại ngoại tệ chờ giá lên để bán.

Mới đây, thống đốc NH Nhà nước đã khẳng định hiện Chính phủ không có chủ trương điều chỉnh tỉ giá ngoại tệ và NH Nhà nước vẫn đảm bảo cân đối cung cầu ngoại tệ cho thị trường. Nơi này cũng bác bỏ và cho rằng tin đồn về việc tăng giá USD hay thiếu USD là không chính xác.

Còn theo bà Bùi Thị Mỹ Hạnh - giám đốc Eximbank chi nhánh Cần Thơ, vay theo LS 1% phù hợp với các DN muốn chắc ăn, có thể tiếp cận ngay LS rẻ, biết ngay hiệu quả của phương án kinh doanh và không cần quan tâm đến tỉ giá biến động lên hay xuống. Nhưng với những DN có “máu” thử thách, kỳ vọng tỉ giá có thể lên cao thì họ sẽ chọn phương án vay theo LS trên 4%.

Theo phân tích của một số chuyên gia NH, vay theo LS trên 4% là phương án “năm ăn năm thua” vì còn tùy thuộc diễn biến của tỉ giá, thứ mà khó ai đoán trước được. Nếu tỉ giá biến động theo như dự đoán của DN thì DN được lợi, nhưng mức lợi còn tùy thuộc mức tăng của tỉ giá, tăng ít thì coi như... hòa vốn. Trường hợp tỉ giá “đứng im” thì DN bị thiệt do phải trả LS cao hơn.

Theo một lãnh đạo của NH cổ phần, chọn phương thức vay nào là tùy vào cảm nhận của DN về độ “rung” của tỉ giá. Trên thực tế một DN có lúc chọn vay theo LS 1% nhưng cũng có khi chấp nhận vay LS cao. Điều đó tùy thuộc đánh giá về tình hình của thị trường trong tương lai. Khi thị trường tồn tại hai xu hướng tính toán khác nhau theo hai quan điểm trái ngược nhau, nhờ đó đã tạo ra điểm cân bằng của thị trường, xác lập nguồn cung và cầu của ngoại tệ...

Đánh đố với kỳ vọng

Tương tự như DN, nhiều người có tài sản đang cân nhắc giữa giữ VND với USD. Người giữ USD chấp nhận LS tiết kiệm USD thấp vì kỳ vọng vào biến động của tỉ giá sẽ bù đắp cho phần LS thấp. Thế nhưng trên thực tế, không phải trường hợp nào giữ USD cũng được lợi nếu không chọn đúng thời điểm để chuyển hóa từ VND sang USD.

Nếu tính trên tổng thể thì giữ USD không có lợi bằng giữ VND. Như trong năm 2008, cả năm giữ VND vẫn có lợi hơn. Nhưng ở một số thời điểm, như từ nửa cuối năm 2008, khi NH Nhà nước điều chỉnh biên độ tỉ giá và tỉ giá liên NH, nếu chuyển hóa VND sang USD ở thời điểm này sẽ được lợi. Tuy nhiên từ đó đến nay tỉ giá “đứng yên”, vì vậy nếu chuyển đổi từ VND sang USD sau thời điểm NH Nhà nước điều chỉnh biên độ và tỉ giá liên NH thì lại không có lợi.

Tương tự, trong năm 2008 một số DN quá sốt ruột đã chấp nhận mua giá cao hơn giá do NH Nhà nước quy định 1.000 -2.000 đồng/USD để thanh toán tiền hàng nhập khẩu. Ở thời điểm đó, DN cũng có thể lựa chọn, nếu tin rằng tỉ giá không tăng nóng có thể tạm thời vay USD của NH để nhập khẩu.

Tuy nhiên, không ít DN đã không làm thế, chấp nhận mua USD trả tiền ngay và trả thêm phí để có được USD. Sau đó thị trường ngoại tệ trở lại bình thường, nhiều DN bị thua thiệt nhiều tỉ đồng.

Theo M.Khanh - H.Thành
Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG