Sợ hệ lụy nếu điều chỉnh giá than

Khai thác than đã nhiều lúc không gặp vỉa, khiến giá thành tăng
Khai thác than đã nhiều lúc không gặp vỉa, khiến giá thành tăng
TP - Thời hạn giữ ổn định giá bán than đến hết năm 2010 sắp kết thúc. Trước thông tin ngành than rục rịch đề nghị điều chỉnh tăng giá bán trong nước lên bằng 90% giá xuất khẩu (hiện tương đương 65%), các doanh nghiệp thuộc 4 hộ lớn là giấy, xi măng, phân bón, điện thừa nhận việc điều chỉnh giá khó tránh khỏi.
Khai thác than đã nhiều lúc không gặp vỉa, khiến giá thành tăng
Khai thác than đã nhiều lúc không gặp vỉa, khiến giá thành tăng . Ảnh: Phạm Yên

Ông Dương Văn Hòa, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho rằng, ngành than đang phải bán cho điện, xi măng, phân bón, dưới giá thành. Nếu giữ giá và khai thác than chỉ đủ cung cấp cho điện, xi măng thì TKV sẽ bị lỗ nên phải xuất khẩu để bù đắp chi phí. Nếu chỉ tính riêng với than bán dưới giá thành cho sản xuất điện năm 2009, TKV thiệt 3.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, nói như vậy không phải EVN ăn không của TKV mà giá than bán cho EVN là do Chính phủ quy định. EVN giữ giá điện ở mức thấp theo quy định của Chính phủ. “Nếu không cho điều chỉnh giá than bán trong nước thì TKV sẽ không thể có vốn để tái đầu tư - Ông Hòa nói.

Tại cuộc họp với Bộ Công Thương mới đây, ông Nguyễn Gia Tường, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đã đề xuất với bộ này kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ tạm thời chưa tăng giá bán than cho sản xuất phân bón trong năm 2011.

“Việc tăng giá than năm 2009 là cú sốc lớn với ngành phân bón. Tại Nhà máy phân đạm Hà Bắc, việc tăng giá than năm 2009 Cty giảm lợi nhuận 260 tỷ đồng trong năm 2010, phải giảm lương công nhân”- Ông Tường nói.

Ông Quách Đình Diệu, Giám đốc Công ty Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao cho biết, bình quân mỗi năm, Cty này dùng khoảng 80.000 tấn than cám 4... “Việc tăng giá than nếu xảy ra cần có lộ trình chứ tăng ngay bằng giá thế giới thì rất khó”- Ông Diệu khẳng định.

Chính phủ yêu cầu ngành phân bón phải bình ổn giá, như vậy, doanh nghiệp sẽ rất khó khăn. “Mức điều chỉnh giá than nếu có, không nên vượt quá 10% - 15% giá bán hiện tại - Ông kiến nghị.

Ông Nguyễn Văn Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho biết, cũng vừa có kiến nghị giữ giá than trong năm 2011. So với tất cả các nước trong khu vực, giá xi măng của Việt Nam hiện rất thấp, chỉ khoảng 50 – 51 USD/tấn trong khi của họ ở mức 70 – 80 USD.

Đại diện một doanh nghiệp lớn ngành giấy khẳng định, để giá giấy giữ ổn định trong năm 2011 thì chưa nên tính tới điều chỉnh giá bán than trong nước. Còn nếu giá than tăng thì đương nhiên giá giấy sẽ tăng theo.

Để thực hiện tốt việc bình ổn cân đối cung cầu và kiềm chế tốc độ tăng giá, hạn chế nhập siêu, Bộ Xây dựng vừa có văn bản đề nghị Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ có chính sách hợp lý trong điều chỉnh giá bán các mặt hàng trọng yếu đối với ngành sản xuất xi măng như điện, than.
MỚI - NÓNG