Số lao động sống dưới ngưỡng nghèo tăng

Số lao động sống dưới ngưỡng nghèo tăng
TP - Ngày 25-5, nhiều đại biểu tham dự Hội nghị Phát triển Nguồn nhân lực ASEAN cho rằng, dù kinh tế đang phục hồi song thị trường lao động ASEAN vẫn đang đối mặt nhiều thách thức lớn như: giảm năng suất lao động; nhóm lao động yếu thế gia tăng; thiếu lao động tay nghề cao.

Ông Gyorgy Sziraczki - Kinh tế gia cao cấp của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho biết, tăng năng suất lao động là yếu tố sống còn để có tỷ lệ tăng trưởng bền vững. Tăng năng suất lao động phải được thể hiện ở lương cao hơn, công việc và điều kiện làm việc tốt hơn. Nếu lương không cao hơn, tiêu dùng nội địa không thể gia tăng và kinh tế sẽ vẫn phụ thuộc vào xuất khẩu.

Tuy nhiên, theo ông Sziraczki, điều đáng lo ngại là năng suất lao động của ASEAN đang tụt bậc thấp hơn Trung Quốc và Ấn Độ. Năng suất lao động trung bình hàng năm của khu vực ASEAN năm 2009 giảm 0,3% so với năm 2007; trong khi đó, tại Trung Quốc và Ấn Độ, tỷ lệ này lại tăng tương ứng 8,7% và 4,0%. Việt Nam đã từng có tăng trưởng năng suất lao động ấn tượng trong thập kỷ trước. Tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn chỉ bằng một nửa tỷ lệ trung bình của khối ASEAN và bằng 1/12 tỷ lệ của Singapore.

Ông Gyorgy Sziraczki cũng cho biết, số lao động của ASEAN trong năm 2009 tự kiếm sống với mô hình làm việc cá nhân hoặc gia đình tăng nhanh. Công việc này có đặc trưng là lương thấp, không ổn định, ít được bảo trợ xã hội. Tỷ lệ lao động nghèo cũng tăng nhanh trong hai năm qua với số lượng người lao động sống dưới ngưỡng nghèo nghiêm trọng (dưới 1,25 USD) tăng từ 24% lên 27%.

Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam - Nguyễn Thị Kim Ngân, Việt Nam hiện có 86 triệu người; trong đó, lực lượng lao động 48 triệu người. Lao động Việt Nam chủ yếu làm việc ở khu vực nông thôn, chiếm 51% lực lượng lao động cả nước. Tỷ lệ lao động qua đào tạo chỉ chiếm khoảng 40%. Do đó, Việt Nam đặc biệt coi trọng công tác phát triển nguồn nhân lực, trong đó có vấn đề đào tạo nghề cho người lao động.

Theo bà Ngân, định hướng phát triển lao động Việt Nam trong thời gian tới là tăng nhanh về chất lượng và hiệu quả sử dụng lao động; tiếp tục chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng giảm tỷ lệ lao động làm việc trong khu vực nông nghiệp xuống dưới 50%; tăng tỷ lệ lao động làm việc trong khu vực công nghiệp và dịch vụ.

MỚI - NÓNG