Số liệu GDP vênh nhau, TS Vũ Đình Ánh:

Số liệu sai sẽ làm méo mó ngân sách

TS Vũ Đình Ánh.
TS Vũ Đình Ánh.
TP - TS Vũ Đình Ánh trao đổi với PV Tiền Phong xung quanh việc Bộ Tài chính mới đây công bố GDP theo giá hiện hành năm 2015 ước hơn 4,484 triệu tỷ đồng, cao hơn gần 300.000 tỷ đồng so với số liệu của Tổng cục Thống kê.

Nghịch lý vênh số liệu thống kê GDP giữa T.Ư và địa phương kéo dài trong nhiều năm qua được báo chí nhiều lần nhắc đến. Nay tình trạng vênh số liệu thống kê GDP lại xảy ra giữa hai cơ quan thuộc Chính phủ là Bộ Tài chính và Tổng cục Thống kê với số liệu của Bộ Tài chính vênh tới gần 300.000 tỷ đồng so với số liệu Tổng cục Thống kê công bố trước đó. Ông đánh giá thế nào về sự vênh nhau này?

Đây là điều nghiêm trọng vì sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ dự toán ngân sách của năm 2016 đồng thời kéo theo một loạt hệ lụy liên quan đến thu, chi ngân sách so với GDP.

Nếu dùng số liệu cao hơn công bố của Tổng cục Thống kê để nhân với mức tăng trưởng mục tiêu giả định của năm 2016, từ đó sẽ cho ra chỉ tiêu thu và chi cực cao trong năm 2016. Việc làm dự toán dựa trên số liệu vênh như vậy sẽ tạo ra gánh nặng thu ngân sách rất lớn cho nền kinh tế, đặc biệt là cho nghiệp vụ thu ngân sách căng thẳng. Cùng đó là số chi ngân sách cũng tăng rất lớn. Nếu số GDP không đạt được như tính toán, phải giảm số chi xuống để đảm bảo số chi theo GDP đúng như thực tế của nền kinh tế. Tóm lại, việc sai số liệu này sẽ dẫn đến sự méo mó về ngân sách của các thu và chi.

Từ trước đến nay, khi có sự vênh về số liệu, bên tài chính sẽ phải điều chỉnh lại số liệu về GDP theo số liệu của Tổng cục Thống kê, không thể có chuyện ngành tài chính thống kê GDP ra con số khác được.

Vậy theo ông tại sao lại có số liệu khác nhau về GDP như vậy? Có sự nhầm lẫn gì ở đây?

Con số của Bộ Tài chính, theo tôi, có thể là số họ tự tính từ cuối năm ngoái. Có thể có việc chỉnh số liệu nhưng không thống nhất nên khi chia ra các số không khớp nhau.

Vấn đề chính của việc vênh số liệu ở đây chính là những vấn đề liên quan đến gánh nặng thu và chi ngân sách căn cứ theo GDP thực tế năm 2015. Còn nếu tính theo số liệu của Tổng cục Thống kê, bội chi ngân sách không còn ở mức 5% như được Quốc hội phê chuẩn mà mức bội chi phải lên tới 5,4%. Cùng đó, với con số tuyệt đối này, khi thực hiện ngân sách năm 2016, nghiễm nhiên mức thâm hụt ngân sách sẽ không phải là 4,95% như dự tính mà cao hơn rất nhiều.

Bên cạnh việc số liệu GDP tăng cao, còn số liệu nào khác khiến ông chú ý?

Nhìn vào các số liệu của thu vượt dự toán được Bộ Tài chính công bố, tính đến 18/12/2015, ước tổng thu ngân sách nhà nước năm 2015 đạt 927.000 tỷ đồng, vượt dự toán được giao (dự toán năm 2015 là 911.000 tỷ đồng). Trong phần thu, có một số điểm đáng chú ý, phần thu cao nhất chính là nhờ bán tài sản nhà nước (nhờ bán nhà và đất). Cụ thể, năm 2015 tiền thu được từ bán nhà ở, sử dụng đất lên tới hơn 57.000 tỷ đồng, trong khi con số dự toán chỉ là 39.000 tỷ đồng. Như vậy ngân sách đã dôi dư được 18.000 tỷ đồng.

Trong thu ngân sách năm nay, phần thu từ khối doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI không đạt dự toán. Phần tăng thu dồn sang khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh, các khoản thuế và lệ phí đối với hộ cá thể, người dân với số tiền khoảng 300.000 tỷ đồng.

Vậy theo ông sẽ phải giải quyết lại các phần sai số này như thế nào?

Sẽ phải xây dựng lại dự toán vì dự toán ngân sách nhà nước gắn với những chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội, trong đó quan trọng nhất là chỉ tiêu về GDP. Khi dự toán thay đổi thì một loạt chi tiết trong dự toán của Bộ Tài chính sẽ phải thay đổi theo. Vì về mặt quy định, chỉ có Tổng cục Thống kê là đơn vị được tính và công bố GDP. Vì vậy, Bộ Tài chính để số liệu GDP khác quá xa so với số liệu của Tổng cục Thống kê thì sẽ phải sửa lại. Điều này cũng đồng nghĩa Bộ Tài chính phải điều chỉnh nghĩa vụ thu và mức chi năm 2016 sẽ giảm xuống. 

Cảm ơn ông.

Theo số liệu được Tổng cục Thống kê công bố ngày 18/12/2015, ước GDP (tổng sản phẩm trong nước theo giá hiện hành) thực hiện gần 4,193 triệu tỷ đồng. Trong khi đó, website của Bộ Tài chính (mof.gov.vn) công bố năm 2015 GDP ước đạt 4,484 triệu tỷ đồng, cao hơn gần 300.000 tỷ đồng so với số liệu của Tổng cục Thống kê. Số liệu của Bộ Tài chính cũng cho thấy, bội chi ngân sách ước năm 2015 là 226.000 tỷ đồng. Nếu GDP thực hiện 4,484 triệu tỷ đồng, bội chi ngân sách khoảng 5% GDP. Tuy nhiên, nếu GDP chỉ đạt 4,193 triệu tỷ đồng như Tổng cục Thống kê đưa ra, bội chi lên tới gần 5,4% GDP, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao.

Cần đưa ra số liệu thống nhất về GDP

Trao đổi với PV Tiền Phong, TS Lê Đăng Doanh cho rằng, cần có một Phó Thủ tướng Chính phủ đứng ra chủ trì việc xem xét thống nhất lại số liệu giữa hai cơ quan. Việc các cơ quan có số liệu khác nhau cũng là bình thường. Trong trường hợp có ý kiến khác nhau như vậy, hai cơ quan cần thảo luận để đưa ra số liệu thống nhất. “Về chính thức, chúng ta phải sử dụng con số thống kê về GDP của Tổng cục Thống kê vì đây là cơ quan được Chính phủ giao tính toán và công bố”, TS Lê Đăng Doanh nói. 

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ năm. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10. 
Căn cứ lực lượng an ninh ở Iraq bị không kích
Căn cứ lực lượng an ninh ở Iraq bị không kích
TPO - Lực lượng Huy động Nhân dân (PMF) Iraq - một lực lượng an ninh chính thức - cho biết sở chỉ huy của họ tại căn cứ quân sự Kalso (cách thủ đô Baghdad khoảng 50 km về phía nam) đã hứng chịu một vụ nổ lớn vào tối 19/4. Hai nguồn tin an ninh cho biết vụ nổ là kết quả của một cuộc không kích.