'Soái' Việt lớn nhất Berlin

'Soái' Việt lớn nhất Berlin
TP- Dẫu trong cộng đồng người Việt ở Đức, từ “soái”, cách gọi những ông chủ trung tâm buôn bán lớn dành cho người Việt, không thông dụng như đối với cộng đồng ở Nga, những “đại gia” kinh doanh đồng hương vẫn phải thừa nhận anh là “soái” lớn nhất Berlin.

Sở hữu trung tâm Đồng Xuân hiện đại rộng 14 ha với 6 tòa nhà có diện tích kinh doanh đến 21.000 m2, góp phần ổn định kinh doanh cho hàng trăm doanh nghiệp Việt Nam, “soái” Nguyễn Văn Hiền xứng đáng với tên gọi đó.

Hai lần bị ám sát hụt

Thứ Bảy. Như thông lệ, trung tâm Đồng Xuân tấp nập ô tô ra vào, dù tuyết rơi ngày càng dày. Phải mất vài cuộc điện thoại, Tổng giám đốc Cty TNHH Đồng Xuân Nguyễn Văn Hiền mới dứt được các cuộc họp tiếp chúng tôi trong căn phòng khách ấm áp. “Để có cơ ngơi này nơi đất khách quê người, tôi đã phải trải qua bao nhiêu thăng trầm, thậm chí từng bị ám sát hụt tới 2 lần”. – Anh Hiền mở đầu câu chuyện.

'Soái' Việt lớn nhất Berlin ảnh 1
Đồ ăn và hàng hóa Việt Nam ở Đồng Xuân - Berlin

“Năm 1988, khi đang là cán bộ của Cty rau quả Ninh Bình, tôi được cử sang CHDC Đức làm Đội trưởng đội xây dựng thuộc xí nghiệp xây dựng đóng tại thành phố Potsdam. Năm 1991, nước Đức thống nhất, xí nghiệp cũng phá sản. Tôi và nhiều anh em trong đội đã quyết tâm trụ lại lên Berlin làm ăn để có lưng vốn trước khi về nước”. – Anh Hiền kể. Như bao công nhân lao động Việt Nam thất nghiệp sau khi CHDC Đức tan vỡ, Nguyễn Văn Hiền cũng phải “xuống đường” bán quần áo. Ngày ngày anh cùng đồng hương  trải bìa carton bán hàng ngoài hè phố.

Sau đó, anh sang Ba Lan “đánh” hàng quần áo về bán buôn cho những hộ kinh doanh lẻ. Hồi đó, chưa có các trung tâm buôn bán dành cho người Việt nên phòng ở được trưng dụng làm nhà kho và nơi giao hàng. Đó là thời điểm giữa những năm 90 của thế kỷ trước.

Thấy được nhu cầu địa điểm buôn bán, một phụ nữ Việt Nam cũng là công nhân xuất khẩu lao động đã đứng ra xây trung tâm thương mại. Tuy nhiên, do không được sự ủng hộ của các hộ kinh doanh nên cả 4 lần mở trung tâm thì cả 4 lần bà chủ này đều thất bại dù không có bất kỳ đối thủ nào. Ngay lúc ấy, nhiều “soái” đã nhảy vào mở trung tâm thương mại.

Gần như đồng thời 6 trung tâm buôn bán cho người Việt đã mọc lên ở Berlin, trong đó có 1 trung tâm do người Đức và 1 do người Trung Quốc với tiềm lực kinh tế rất mạnh xây dựng. Nhưng rồi, 4 trung tâm đã “chết” do không có người đến thuê.

“Tôi muốn người nước ngoài, đặc biệt là người Đức hiểu rằng người Việt cũng có chỗ kinh doanh hiện đại riêng của mình. Từ trước đến giờ, người Việt mình kinh doanh chủ yếu ở những khu nhà cũ, nhếch nhác, phần nào đưa ra hình ảnh không đẹp về người Việt Nam. Đồng Xuân không đơn thuần là nơi kinh doanh mà còn là địa chỉ văn hóa Việt Nam, niềm tự hào của tất cả cộng đồng”.

Trong bối cảnh ấy, dù đã sở hữu 1 trung tâm thương mại mang tên Đồng Xuân ở Leipzig, anh Hiền vẫn quyết định mở 1 trung tâm buôn bán ở Berlin.

Ban đầu, anh thuê nhà xưởng của một xí nghiệp dưới thời CHDC bị phá sản sửa sang lại để làm địa điểm bán buôn quần áo. Vào năm 2003, thấy các doanh nghiệp có nhu cầu mở rộng nơi giao hàng ngày càng nhiều, anh quyết định mua đứt 14.000 ha đất trống của một ngân hàng và đầu tư 10 triệu euro xây 3 dãy nhà kinh doanh hiện đại cùng 3 nhà kho lớn cho thuê.

Nhưng công việc kinh doanh của anh không phải lúc nào cũng suôn sẻ như vậy. Cuộc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp kinh doanh trung tâm thương mại diễn ra khốc liệt đến mức đối thủ đã thuê sát thủ ám sát anh 2 lần. Rất may, cảnh sát hình sự Berlin đã phát hiện ra âm mưu này và chủ động thông báo cho anh. Lần đầu vào năm 2000, cảnh sát mời anh đến thông tin: “Chúng tôi biết một tổ chức đang thuê người bắn chết ngài (các cơ quan công quyền Đức dùng đại từ nhân xưng này với bất kỳ ai mà họ phục vụ) với giá 5 triệu D mark”.

Lần khác, vào một buổi chiều mùa hè năm 2002, 5 cảnh sát bất ngờ đến văn phòng anh thông báo: “Ngài đang ở trong tình trạng nguy hiểm. Chúng tôi sẽ bảo vệ ngài. Tốt nhất ngài nên đến chỗ chúng tôi bố trí ở vài tuần, không liên lạc ra bên ngoài”. Anh buộc phải trở về Việt Nam “lánh nạn” 3 tuần.

Quay sang Đức, anh tiếp tục bị theo dõi. Bất cứ khi nào về nhà riêng, anh đều phải hỏi cảnh sát xem có mối nguy hiểm nào không. Nếu không an toàn, anh phải đến khách sạn ngủ. Hàng tháng trời sau đó, anh luôn phải sống trong cảnh “cơ động”. Mọi tư trang cần thiết đều để trong xe ô tô để sẵn sàng đến ngủ khách sạn đề phòng nguy hiểm. Khi những kẻ mưu sát là những tay súng Đông Âu bị bắt, anh mới thở phào nhẹ nhõm và dồn hết tâm sức cho công việc kinh doanh.

'Soái' Việt lớn nhất Berlin ảnh 2
Báo Tiền phong và một số báo Việt Nam được bán trong nhiều trung tâm Đồng Xuân

80% thành công do khách hàng giúp đỡ

“Chú Hiền đã “lôi kéo” chúng tôi bằng chữ “đức” và chữ “tín”.” – Bác Nguyễn Văn Dũng, quê Hải Phòng, một trong những chủ doanh nghiệp lớn nhất tại trung tâm Đồng Xuân Berlin, chuyên nhập hàng từ Việt Nam sang, nhận xét về thái độ kinh doanh của “soái” Hiền. Có lẽ vì thế mà không có bất cứ kios trong Đồng Xuân để trống. “Kinh doanh nơi đất khách quê người này, chỉ cần nói dối vài lần là bà con mình biết ngay. Cho nên tôi càng phải thấy trách nhiệm của mình. 80% thành công của Đồng Xuân là nhờ các doanh nghiệp – bà con của mình ở Đồng Xuân” – Tổng giám đốc Cty Đồng Xuân, đồng thời là Chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam tại CHLB Đức Nguyễn Văn Hiền bộc bạch.

Bác Dũng kể với những chủ hàng nào thuê chỗ gặp khó khăn, anh Hiền sẵn sàng cho trả dần để giải quyết khó khăn. Nếu hộ kinh doanh phải chấm dứt hợp đồng trước thời hạn do làm ăn thua lỗ, họ cũng được anh Hiền “miễn” số tiền trong hợp đồng đối với thời gian còn lại. Hiện nay, trung tâm Đồng Xuân có hơn 200 doanh nghiệp thuê mặt bằng kinh doanh, trong đó số doanh nghiệp Việt Nam chiếm khoảng 40%, còn lại là của Đức, Trung Quốc, Pakistan, Ấn Độ…

'Soái' Việt lớn nhất Berlin ảnh 3
Anh Hiền với chủ hàng Trung Quốc

Góc Việt ở Berlin

Hầu như các đoàn công tác từ Việt Nam sang công tác ở Berlin đều ghé Đồng Xuân để thăm cộng đồng và cũng là để tìm đến những nét quen thuộc của quê nhà nơi đất khách quê người.

Một dự án phát triển trung tâm, đã được quận Lichtenberg phê duyệt, đang được anh Hiền ráo riết triển khai. Trung tâm sẽ được xây dựng thêm 2 tòa nhà kinh doanh, trong đó 1 tòa nhà rộng 2.000 m2 cho Cty Kaiser của Đức thuê bán đồ ăn; 1 nhà văn hóa Việt Nam, 1 bệnh viện đông y với đội ngũ bác sỹ được đưa từ Việt Nam sang làm việc, 1 khách sạn 100 phòng để phục vụ các đoàn khách Việt Nam và nước ngoài. Đặc biệt, khách đến thăm trung tâm sẽ được ngắm 2 nhà sàn dân tộc thiểu số đưa từ Việt Nam sang để làm nổi bật văn hóa Việt. Vốn đầu tư những hạng mục này lên đến trên 30 triệu euro.

“Tôi muốn người nước ngoài, đặc biệt là người Đức hiểu rằng người Việt cũng có chỗ kinh doanh hiện đại riêng của mình. Từ trước đến giờ, người Việt mình kinh doanh chủ yếu ở những khu nhà cũ, nhếch nhác, phần nào đưa ra hình ảnh không đẹp về người Việt Nam. Đồng Xuân không đơn thuần là nơi kinh doanh mà còn là địa chỉ văn hóa Việt Nam, niềm tự hào của tất cả cộng đồng.” – Anh Hiền nói.

Chẳng thế mà, theo “soái” Hiền, một tập đoàn lớn chuyên kinh doanh bất động sản Berlin có số vốn đến hàng tỷ euro đã đến đặt vấn đề mua lại Cty Đồng Xuân. “Nếu bán, tôi lãi rất nhiều. Nhưng tôi không thể bán vì như vậy chỗ đứng của người Việt sẽ bị mất đi.” – Tổng giám đốc Đồng Xuân giọng chắc nịch.

Không dừng lại ở đó, “soái” Hiền liên tục mở rộng lĩnh vực đầu tư của mình. Ở Việt Nam, anh cũng đang có nhiều dự án đầu tư. Một trong số ấy là dự án khu resort rất lớn tại Bình Thuận.

MỚI - NÓNG