Sóc Trăng than khó đầu ra sản phẩm nông nghiệp

Ban Quản lý ATTP TPHCM ký kết hợp tác với tỉnh Sóc Trăng về an toàn thực phẩm
Ban Quản lý ATTP TPHCM ký kết hợp tác với tỉnh Sóc Trăng về an toàn thực phẩm
TPO - “Sóc Trăng là vùng có sản phẩm nông nghiệp phong phú, đa dạng nhưng hiện nay đầu ra còn hết sức khó khăn” – ông Lương Minh Quyết, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng cho biết.

Chiều ngày 4/5, Ban quản lý An toàn thực phẩm (ATTP) TPHCM đã ký kết phối hợp quản lý và kết nối tiêu thụ nông sản, thủy sản cho các cơ sở trong chuỗi cung ứng ATTP giữa tỉnh Sóc Trăng và TPHCM giai đoạn 2018-2019.

Theo Sở NN-PTNT Sóc Trăng, trước đây ngành nông nghiệp có 5 cây và 5 con là sản phẩm chủ yếu của tỉnh nhưng hiện chỉ còn 4 cây và 4 con. 4 cây gồm lúa, hành tím, cây ăn trái, cây rừng và 4 con là tôm, artemia, bò, gia cầm là sản phẩm chủ lực chủ yếu của tỉnh.

Sóc Trăng than khó đầu ra sản phẩm nông nghiệp ảnh 1 Tham quan mô hình nuôi tôm sạch của công ty TNHH Vĩnh Thuận (Sóc Trăng)

Cây mía và con cá tra từng là sản phẩm chủ lực của tỉnh nhưng nay lâm vào tình trạng chết dở. Sóc Trăng có 400ha diện tích nuôi cá tra, bên cạnh đó là diện tích trồng mía khá lớn. Tuy nhiên, mỗi ha trồng mía hiện đang “ôm lỗ” 20 triệu đồng; cá tra cũng không có nơi tiêu thụ ổn định, nhà nông cũng lỗ vốn. Do không có đầu tra nên tỉnh Sóc Trăng đang giảm dần diện tích nuôi trồng các cây, con từng là sản phẩm chủ lực này.

Ông Lương Minh Quyết, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng chia sẻ, sản phẩm chủ lực của tỉnh phong phú, đa dạng, sản lượng lớn, nông dân có nhiều kinh nghiệm sản xuất. Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất còn tồn tại nhiều khó khăn như: vấn đề tiêu thụ còn bấp bênh, sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, sự gắn kết giữa sản xuất, tiêu thụ và chế biến sản phẩm còn khó khăn. “Chúng tôi sẵn sàng đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe như VietGap, GlobalGap… Tuy nhiên, cái chúng tôi gặp khó hiện nay là đầu ra sản phẩm, nguồn lực để đẩy mạnh sản xuất. Sóc Trăng rất mong TPHCM hỗ trợ đầu ra, giới thiệu kết nối doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm của tỉnh” – ông Quyết bộc bạch.

Sóc Trăng than khó đầu ra sản phẩm nông nghiệp ảnh 2 Con tôm nước lợ là một trong những sản phẩm chủ lực của tỉnh

Tại chương trình ký kết phối hợp, PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban quản lý ATTP TPHCM cho rằng: “Đầu ra sản phẩm hết sức quan trọng với các tỉnh có thế mạnh nông nghiệp, điển hình như tỉnh Sóc Trăng. Chúng ta không thể phát triển lẻ loi, đơn độc mà phải bắt tay cùng nhau để cùng làm thực phẩm sạch”.

Bà Lan cho biết, 80% sản phẩm tươi sống tại TPHCM đều từ các tỉnh cung cấp. Tuy nhiên, trong đó bao nhiêu phần trăm là thủy sản an toàn? Liệu người dân có thể tin tưởng được những thực phẩm mình mua cho gia đình ăn hàng ngày hay chưa?

Bà Lan cũng đặt câu hỏi vì sao thực phẩm sạch vẫn thua trên sân nhà, trong khi năm 2017, Việt Nam đã xuất khẩu được 3,5 tỷ USD riêng về rau củ quả. “Chúng ta thừa sức làm thực phẩm sạch nhưng vẫn thua? Lý do là chúng ta chưa kiên quyết làm thực phẩm sạch” – bà Lan nhấn mạnh.

Sóc Trăng than khó đầu ra sản phẩm nông nghiệp ảnh 3 Ban Quản lý ATTP hứa sẽ hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm của Sóc Trăng thông qua các chương trình phối hợp, kết nối

Sắp tới, Ban Quản lý ATTP TP sẽ tham mưu với UBND TP về nâng dần chuẩn và chất lượng thực phẩm từ các tỉnh khi đưa về TPHCM tiêu thụ. Theo bà Lan, muốn làm được điều này cần phải có lộ trình, thời gian và sự chung tay của nhiều ngành, nhiều người.

“Hiện, đã có 99 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận ATTP cho 187 sản phẩm. Chúng tôi vẫn đang vận động các tỉnh, doanh nghiệp, cá nhân xây dựng chuỗi cung ứng nông sản, thủy sản từ trồng trọt chăn nuôi, khai thác đến tiêu thụ. Phải làm sao để bên cạnh việc chống thực phẩm bẩn, chúng ta sẽ xây dựng được thực phẩm sạch để cung cấp cho người dân TPHCM, lấy lại niềm tin về ATTP của người dân”- bà Lan chia sẻ. 

MỚI - NÓNG