Sôi động thị trường internet tốc độ cao

Sôi động thị trường internet tốc độ cao
Đợt giảm cước thuê kênh viễn thông của Tổng Cty Bưu chính & Viễn thông Việt nam từ 10-40% đã tác động đến các dịch vụ như điện thoại internet (VoIP), di động, và một số dịch vụ viễn thông.
Sôi động thị trường internet tốc độ cao ảnh 1

Khách hàng sử dụng Internet có nhiều cơ hội tiếp cận ADSL ảnh: Hồng Vĩnh

Tuy nhiên, nhiều người cho rằng việc điều chỉnh chủ yếu tác động đến dịch vụ internet tốc độ cao (ADSL) và người dùng máy tính có cơ hội lớn để sử dụng ADSL ngay tại nhà với chi phí chấp nhận được.

Cuộc đua gói cước

Nổ phát súng đầu tiên trong việc tung ra gói cước mới phải kể đến Cty Cổ phần Phát triển Đầu tư Công nghệ (FPT). Ngay sau khi cước thuê kênh của VNPT được Bộ Bưu chính - Viễn thông (MPT) thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/6/2005, FPT cũng tung ra gói cước MegaPlay giá rẻ bất ngờ.

Tuy nhiên gói cước của VNPT vẫn bị xem là cao vì chi phí tối đa mà người dùng phải trả cho gói cước này vẫn lên tới 700.000 đồng/tháng dù mức cước thuê bao của MegaPlay chỉ hết 50.000 đồng/tháng, rẻ hơn mức 54.000 đ/tháng cước thuê bao của gói cước HomeC của Viettel.

VNPT (hay đúng hơn là một doanh nghiệp thành viên, Cty Điện toán &Truyền số liệu- VDC) lập tức đáp lại bằng việc tung ra liền bốn gói cước ADSL mới áp dụng từ 1/7/2005 với nhiều lựa chọn hơn và mức phí hấp dẫn hơn cho người tiêu dùng so với sản phẩm của FPT và Viettel (Tổng Cty Viễn thông Quân đội). 

Đây được xem là bước đi đột phá của VNPT nếu biết doanh nghiệp khổng lồ này lâu nay vẫn án binh bất động cho dù các đối thủ nặng ký nhất là FPT và Viettel thi nhau tung ra các gói cước với cước phí linh hoạt, thấp hơn mức giá trần một triệu đồng/tháng.

Lẽ ra, theo kế hoạch Viettel cũng tung ra bảng cước mới cho dịch vụ ADSL vào tuần trước. Nhưng với “độc chiêu” của VNPT, doanh nghiệp này phải thay đổi kế hoạch.

Theo kế hoạch, gói cước rẻ nhất của Viettel sẽ ở mức 27.000 đồng thuê bao/tháng, thấp hơn giá thuê bao gói Mega VNN-Easy của VNPT 1.000 đồng/tháng, và cước sử dụng trong tháng tối đa không vượt quá 400.000 đồng. Viettel trụ được đến bao lâu trong cuộc đua giảm giá cước với VNPT? Theo lý giải của Viettel, nhà cung cấp này không lao vào cuộc chiến về giá nữa.

Trong hoàn cảnh hiện nay, không đối thủ nào, trừ VNPT, dám mơ sẽ thắng. Bản thân VNPT chỉ phải đầu tư 15% cho cơ sở hạ tầng trong khi Viettel đầu tư 100%. Doanh nghiệp này đang có dung lượng mạng lớn nhất với băng thông quốc tế lên tới 2G.

Cộng nhiều lý do “lịch sử” khác, VNPT trở thành nhà cung cấp dịch vụ lớn nhất với trên 50.000 thuê bao và phạm vi cung cấp lên tới 57/64 tỉnh thành. Trong khi đó, Viettel tuy đứng thứ hai, phủ sóng được 52/64 tỉnh thành, số thuê bao mới dừng ở 14.000.

Bởi thế, dự kiến cước của Viettel có thể vẫn cao hơn cước của VNPT 5-10%. Và, không nói ai cũng biết, Viettel chỉ còn cách chú trọng đến nâng cao chất lượng dịch vụ. Còn thế nào là nâng cao chất lượng lại cũng không đơn giản vì, suy cho cùng, vẫn phải vượt qua hàng rào giá thành.

Kế hoạch của Viettel phát triển một trung tâm giải trí (Entertainment Center) để cung cấp dịch vụ nội dung cho người sử dụng hay của FPT phát triển các dịch vụ online game, phim ảnh, âm nhạc, truyền hình cáp trên mạng ADSL, v.v..., đều cần cả núi tiền.

Bị cuốn theo dòng thác VNPT, các doanh nghiệp khác như SPT và Netnam cũng đang rất thận trọng theo dõi bước đi của các “đại gia” để có hướng điều chỉnh các gói cước ADSL mặc dù họ chỉ là các đối thủ tí hon theo đúng nghĩa.

Cơ hội cho người dùng

Cuộc đua vô hình trung khiến mức giá ADSL được hạ thấp nhiều so với mức giá trần trước đó do MPT ban hành (tối đa một triệu đồng/tháng), tạo cơ hội cho nhiều đối tượng trong xã hội tiếp cận với ADSL, nhất là các đối tượng như trường học, gia đình, v.v… Hệ quả tốt đẹp là các dịch vụ ứng dụng trên mạng sẽ phát triển rầm rộ hơn.

Nếu việc giảm cước của VNPT được áp dụng từ 1/7, khách hàng sẽ được hưởng lợi đầu tiên và lúc đó các doanh nghiệp khác cũng phải giảm theo nếu không muốn mất khách.

Khi đó, ai cũng có thể sử dụng Internet tốc độ cao tại nhà với chi phí chỉ khoảng 200.000 đồng/tháng. Còn nếu trả 400.000 đồng/tháng, người dùng có quyền nghĩ đến khả năng sử dụng dịch vụ ADSL 24/24 giờ cũng ngay tại nhà.

Vấn đề là, đến thời điểm này, vẫn chưa có quyết định cuối cùng của người cầm cân nảy mực MPT. Quyết định đưa ra phải dựa trên sự cân nhắc giữa lợi ích của việc phổ cập dịch vụ cho cộng đồng và lợi ích của các nhà cung cấp dịch vụ.

Vụ “cãi nhau to” giữa VNPT và Viettel về thuê bao điện thoại di động cách đây mấy ngày, được biết, càng khiến MPT phải thận trọng hơn trọng việc ra quyết định. Vì thế không hy vọng gì thị trường ADSL có thay đổi lớn trong tháng 7 như dự kiến.

- Bốn gói cước được VNPT tung ra là MegaVNN –Easy, MegaVNN –Family, MegaVNN – Extra, và MegaVNN-Maxi. Cụ thể:

Gói MegaVNN – Easy có tốc độ tối đa 384Kbps/128Kbps với cước tối đa chỉ hết 400.000 đồng/tháng gồm cả cước thuê bao 28.000 đồng/tháng.

Gói MegaVNN – Family có tốc độ tối đa 512Kbps/256Kbps và cước không vượt quá 600.000 đồng/tháng gồm cả cước thuê bao 45.000 đồng/tháng.

Gói MegaVNN – Extra, tốc độ tối đa 1Mbps/512Kbps, mức cước tối đa 730.000 đồng/tháng bao gồm cước thuê bao tháng 82.000 đồng/tháng.

Gói MegaVNN-Maxi, tốc độ tối đa 2Mbps/640Kbps, mức cước tối đa 908.000 đồng/tháng bao gồm cước thuê bao tháng 172.000 đồng/tháng.

- FPT vừa bị buộc ngưng cung cấp dịch vụ ADSL tại TP Hồ Chí Minh. Ngày 29/6 vừa qua, Thanh tra Sở Bưu chính - Viễn thông TPHCM chính thức yêu cầu chi nhánh truyền thông của FPT tại TPHCM ngừng cung cấp dịch vụ ADSL. Đoàn kiểm tra yêu cầu áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính, kịp thời ngăn chặn vi phạm luật pháp và đảm bảo hoạt động quản lý nhà nước về lĩnh vực viễn thông và công nghệ thông tin. Chi nhánh truyền thông FPT phải ngưng cung cấp dịch vụ với các khách hàng mới và ngưng thực hiện các hợp đồng thi công kéo cáp và đường truyền.

Trước đó,  FPT nộp hồ sơ xin phép thiết lập mạng để cung cấp dịch vụ ADSL. Trong khi chưa có giấy phép thiết lập cơ sở hạ tầng mạng, FPT đã ký hợp đồng giao nhận thi công với Trung tâm Dịch vụ SPT thi công lắp đặt và cung cấp vật tư phụ cần thiết với các công trình mạng cáp đồng, cáp quang tại 14 trục đường trong TP HCM.

Công trình hoàn thành và chi nhánh đang quản lý, sử dụng để cung cấp dịch vụ ADSL cho 20.548 khách hàng. Hoạt động này bị quy là trái với Pháp lệnh Bưu chính - Viễn thông.

MỚI - NÓNG