'Soi' lãi doanh nghiệp niêm yết

Cổ phiếu DN chỉ hấp dẫn nếu hoạt động và lợi nhuận bền vững. Ảnh: Như Ý
Cổ phiếu DN chỉ hấp dẫn nếu hoạt động và lợi nhuận bền vững. Ảnh: Như Ý
TP - Nhiều doanh nghiệp niêm yết đã công bố báo cáo tài chính quý 2/2014 và 6 tháng với lợi nhuận phần lớn là khả quan. Tuy nhiên nếu mổ xẻ các chỉ tiêu lợi nhuận cũng như soi xét cơ cấu lãi của nhiều doanh nghiệp, sẽ thấy thành tích kinh doanh họ không thực sự nổi trội. Thậm chí không ít doanh nghiệp phải dùng “chiêu”.

Đặt kế hoạch thấp cho dễ vượt

Thống kê sơ bộ đến nay đã có hơn gần 500 doanh nghiệp đã công bố báo cáo tài chính (BCTC) quý 2/2014. Bức tranh ban đầu cho thấy có khá nhiều doanh nghiệp có lợi nhuận khả quan. Có khoảng hơn 70% doanh nghiệp niêm yết đi được nửa chặng đường so với chỉ tiêu lợi nhuận đặt ra trong cả năm. Số lượng các doanh nghiệp đã vượt kế hoạch trong 6 tháng đầu năm có khoảng hơn 30 doanh nghiệp. Bên cạnh những doanh nghiệp có lợi nhuận hàng trăm tỷ đồng như CTCP Bọc ống Dầu khí Việt Nam – PVB (gần 140 tỷ đồng, vượt 24%); CTCP Vận tải Dầu khí – PVT (190 tỷ đồng, vượt 2%), vẫn có doanh nghiệp chỉ tiêu lợi nhuận khá khiêm tốn và dễ dàng thực hiện được.


Chẳng hạn, nửa đầu năm 2014, CTCP Nhiệt điện Ninh Bình (NBP) ghi nhận mức lợi nhuận sau thuế là 16,4 tỷ đồng, giảm 6% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên so với kế hoạch đặt ra là 9,15 tỷ đồng thì công ty đã vượt hơn 77%.

Còn nhớ năm 2013, NBP kết thúc năm với mức lợi nhuận gần 32 tỷ đồng. Do đó với hoạt động kinh doanh ổn định và mức chỉ tiêu kế hoạch khiêm tốn thì việc vượt kế hoạch cũng khá dễ dàng.

CTCP Đầu tư Phát triển Gas Đô thị (PCG) cũng vượt kế hoạch cả năm 2% và đạt lãi ròng 7,3 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm. Cũng tương tự NBP, lợi nhuận năm 2013 của công ty là 14,63 tỷ đồng nhưng kế hoạch cho năm 2014 chỉ hơn 7 tỷ đồng.

Lợi nhuận ngoài “cứu tinh”

Mùa báo cáo 6 tháng đầu năm 2014 tiếp tục ghi nhận các doanh nghiệp có các khoản lợi nhuận khác trở thành “cứu tinh” giúp doanh nghiệp thoát lỗ thậm chí còn vượt kế hoạch năm. 

Chẳng hạn, theo báo cáo công ty mẹ của CTCP Công nghệ Viễn thông Sài Gòn (SGT), quý 2/2014 công ty lãi ròng 15,7 tỷ đồng và lũy kế 6 tháng đầu năm đạt 20,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận gộp hoạt động kinh doanh chính bị âm hơn 19 tỷ đồng trong quý 2. Trong khi đó doanh thu hoạt động tài chính mang về 48,3 tỷ đồng và khoản mục chuyển nhượng cổ phần đóng góp đến 47,9 tỷ đồng.

Theo giải thích của SGT, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ có lãi nguyên nhân là do doanh thu bán đất và cho thuê nhà xưởng của Chi nhánh Bắc Ninh tăng và doanh thu tài chính từ việc chuyển nhượng cổ phiếu.

Một trường hợp điển hình khác là CTCP Thuận Thảo (GTT) được biết đến với hoạt động chính là bán buôn, bán lẻ bằng ô tô, vận tải hành khách bằng ô tô theo tuyến cố định, xe buýt, kinh doanh dịch vụ ăn uống, giải khát, nhà hàng…. Báo cáo tài chính quý 2/2014 của GTT cho thấy khoản lãi gộp từ hoạt động kinh doanh âm 422 triệu đồng. Tuy nhiên khoản lợi nhuận khác mang về cho GTT đến 15,66 tỷ đồng. Theo đó, lãi ròng của công ty đến cuối kỳ báo cáo đạt 1,12 tỷ đồng.

Không thấy trong thuyết minh báo cáo về khoản lợi nhuận khác của GTT đến từ đâu. Nhưng trong năm 2013, khoản lợi nhuận khác cũng “cứu” công ty thoát lỗ khi mang về gần 87 tỷ đồng, trong khi hoạt động kinh doanh chính lỗ hơn 82 tỷ đồng.

Một đơn vị khác là CTCP Ắc quy tia sáng (TSB) đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế 2,6 tỷ đồng trong năm nay. So với thực hiện năm 2013 hơn 360 triệu đồng thì kế hoạch này tăng khá mạnh. Tuy nhiên, chỉ trong 6 tháng đầu năm, công ty đã thực hiện vượt hoàn toàn kế hoạch lợi nhuận của cả năm. 

Lý giải từ doanh nghiệp này, nguyên nhân giúp vượt kế hoạch sớm và mạnh như vậy là do cuối tháng 4 doanh nghiệp đã ghi nhận khoản thu nhập khác từ việc bán khách sạn Hóa chất Đồ Sơn đem về 28,7 tỷ đồng, sau thuế thì khoản lãi hơn 20 tỷ đồng.

Những khoản lợi nhuận đột biến giúp doanh nghiệp vượt khó không phải là chuyện hiếm. Đến nay, con số doanh nghiệp thoát lỗ nhờ hoạt động khác chứ không phải kinh doanh chính lên đến vài chục trường hợp. Tuy nhiên, điều này chỉ có thể mang lại sự hấp dẫn cổ phiếu doanh nghiệp khoảng thời gian ngắn chứ không bền vững và thu hút cổ đông lâu dài.

Việc đặt kế hoạch thấp là thể hiện sự thận trọng của Ban điều hành doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế được đánh giá là còn nhiều khó khăn. Do đó những kết quả đạt được là điều đáng ghi nhận. Tuy nhiên, việc doanh nghiệp vượt kế hoạch dễ dàng với một mức kế hoạch thấp thì chính các doanh nghiệp này sẽ phải linh hoạt hơn trong tình hình hoạt động kinh doanh của mình trong thời gian tới. 

MỚI - NÓNG