Sớm đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển

Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo được ban hành là hành lang pháp lý giúp sớm đưa Việt Nam thành quốc gia mạnh về biển, giàu về biển. Ảnh: Ngọc Châu.
Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo được ban hành là hành lang pháp lý giúp sớm đưa Việt Nam thành quốc gia mạnh về biển, giàu về biển. Ảnh: Ngọc Châu.
TP - Ngày 17/7, tại cuộc họp báo Lệnh của Chủ tịch nước về việc công bố Luật, Nghị quyết, Pháp lệnh, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định, việc Luật Tài nguyên, Môi trường biển và hải đảo được ban hành là hành lang pháp lý quan trọng, góp phần sớm đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu về biển…

Khắc phục xung đột, mâu thuẫn trong quản lý

Theo ông Hà, với chiều dài đường bờ biển trên 3.260 km và vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa rộng gấp 3 lần diện tích đất liền nên Việt Nam có tiềm năng rất lớn để phát triển biển, đảo. Tuy nhiên, do tài nguyên biển và hải đảo chủ yếu được quản lý theo ngành, lĩnh vực nên việc khai thác, sử dụng còn thiếu sự gắn kết, hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan. Một số trường hợp chỉ luôn tối đa hóa lợi ích của ngành, lĩnh vực mình mà không xem xét vấn đề khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên, môi trường biển và hải đảo một cách tổng thể làm hạn chế sự phát triển chung, dẫn đến suy thoái nhiều loại tài nguyên, nhất là tài nguyên tái tạo. Tình trạng ô nhiễm môi trường biển và hải đảo có chiều hướng gia tăng. Nhiều hệ sinh thái biển và hải đảo quan trọng đã bị tổn thương nghiêm trọng, dẫn tới sự nghèo nàn của nguồn lợi thủy sản…

Để khắc phục những bất cập trên, ông Hà cho hay, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo vừa được Quốc hội ban hành đã tập trung quy định các công cụ, cơ chế, chính sách điều phối, phối hợp liên ngành, liên vùng trong quản lý. Trong đó có những chế định lần đầu tiên được ghi nhận như việc khai thác tài nguyên biển và hải đảo phải phù hợp với chức năng của từng khu vực biển, trong giới hạn chịu tải của môi trường, hệ sinh thái biển. Bảo đảm quyền tiếp cận của người dân với biển, cũng như tạo điều kiện thuận lợi để cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân có liên quan tham gia tích cực và hiệu quả trong quá trình quản lý…

“Trong thời gian tới, triển khai thi hành Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo vào cuộc sống sẽ giúp cho việc sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và các hệ sinh thái. Đồng thời là hành lang pháp lý quan trọng tạo bước đột phá trong quản lý tài nguyên, góp phần sớm đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển”, ông Hà nhấn mạnh.

Chấm dứt việc thí điểm không tổ chức HĐND

Về những điểm mới trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương, ông Trần Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, từ ngày 1/1/2016 sẽ chấm dứt việc thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân (HĐND) huyện, quận, phường. Bên cạnh đó, Luật cũng quy định “cứng” số lượng cấp phó ở các địa phương theo hướng: đối với thành phố Hà Nội và TPHCM có không quá 5 Phó Chủ tịch UBND; các thành phố trực thuộc trung ương còn lại và các tỉnh loại I có không quá 4 Phó Chủ tịch; các tỉnh còn lại có không quá 3 Phó Chủ tịch.

Tương tự, theo ông Tuấn, Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) cũng đã quy định “cứng” số lượng cấp phó ở các bộ, ngành không quá là 5; riêng Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao không quá 6. Trong trường hợp do sáp nhập bộ, cơ quan ngang bộ hoặc do yêu cầu điều động, luân chuyển cán bộ của cơ quan có thẩm quyền thì Thủ tướng Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định….

MỚI - NÓNG