Sống chung với biến động

Sống chung với biến động
Trong suốt những khoảng thời gian biến động, nhiều nhà đầu tư cảm thấy hoang mang và bắt đầu đặt câu hỏi với những chiến lược đầu tư của họ, đặc biệt là những nhà đầu tư mới, chưa có kinh nghiệm.
Sống chung với biến động ảnh 1
Giá chứng khoán giảm mạnh khiến nhiều NĐT lo ngại nhưng nhiều người khác lại coi đây là cơ hội đầu tư. Ảnh: Phạm Yên

Cách phản ứng thông thường là tránh lúc sóng gió và quay lại lúc yên ắng. Thật không may, với những thị trường mới nổi như thị trường chứng khoán Việt Nam thì sự biến động là một điều tất yếu và việc dự báo hầu như là không thể.

Nói như vậy không có nghĩa là nhà đầu tư mới phải từ bỏ cuộc chơi vì sự bất ổn của thị trường. Làm thế nào để tồn tại trong một thị trường như vậy có lẽ là một câu hỏi mà không ít các chuyên gia đã nhận được từ các nhà đầu tư.

Một trong những giải pháp khả quan nhất chính là cố gắng duy trì hướng đến mục tiêu trong dài hạn và cố gắng lờ đi những dao động trong ngắn hạn.

Biến động là gì?

Biến động là một thước đo thống kê cho thấy khuynh hướng của một thị trường hoặc một chứng khoán sẽ tăng giá hay rớt giá trong một khoảng thời gian tương đối ngắn. Sự biến động thông thường được đo bằng độ lệch chuẩn của tỷ suất sinh lợi - đây là một khái niệm thống kê, phản ánh mức độ sai lệch giữa kết quả thực tế với con số mong đợi hay kỳ vọng.

Những thị trường có nhiều biến động là những thị trường mà giá cả dao động trong phạm vi rất lớn, khối lượng giao dịch nhiều. Một số người cho rằng nguyên nhân gây ra sự biến động chính là từ những yếu tố như thông tin, các báo cáo phân tích của chuyên gia, hoặc là các vụ phát hành lần đầu, phát hành thêm, chia, tách, hay các kết quả kinh doanh được công bố không như mong đợi. Một số khác đổ lỗi cho những nhà đầu cơ hay những nhà đầu tư có tổ chức.

Thế nhưng, giải thích hợp lý nhất có lẽ chính là những nguyên nhân tâm lý gây ra phản ứng của nhà đầu tư. Đó mới chính là nguyên nhân tạo nên tính biến động nhiều nhất cho thị trường.

Cách tiếp cận dựa trên những giải thích về tài chính hành vi dường như đã “tấn công” mạnh mẽ vào cái gọi là lý thuyết thị trường hiệu quả. Theo lý thuyết thị trường hiệu quả, giá cả thị trường luôn phản ánh chính xác mọi thông tin có liên quan. Không một nhà đầu tư nào có khả năng tìm kiếm lợi nhuận cao hơn người khác, nhà đầu tư luôn khôn ngoan và hành động giống nhau.

Thế nhưng tài chính hành vi cho thấy kết quả những biến động giá quan trọng nhất xuất phát từ sự thay đổi trong suy nghĩ theo một hướng nào đó của công chúng đầu tư. Rõ ràng, chẳng bao giờ chúng ta có thể tìm thấy sự nhất trí về những nguyên nhân gây ra tính biến động thị trường. Tuy nhiên dù bạn muốn hay không, thị trường vẫn biến động, vì thế chúng ta - những nhà đầu tư phải tìm cách để có thể sống chung với biến động.

Đầu tư dài hạn

Chiến lược hướng đến mục tiêu dài hạn, không quan tâm đến những dao động trong ngắn hạn không phải lúc nào cũng dễ thực hiện, nhất là khi những khoản lợi ngắn hạn có thể nhìn thấy rất lớn.

Đầu tư dài hạn đòi hỏi bạn phải có những nghiên cứu kỹ lưỡng vì trong dài hạn các thị trường luôn được điều khiển bởi các yếu tố tài chính doanh nghiệp cơ bản. Một doanh nghiệp với bảng cân đối kế toán rất “khỏe mạnh” và doanh nghiệp đó có thu nhập bền vững sẽ tương đối miễn nhiễm trước những dao động trong ngắn hạn.

Tất nhiên đôi khi ta vẫn có thể lợi dụng các biến động ở đó giá cổ phiếu của một công ty tốt bị đánh giá thấp để mua vào và nắm giữ cho dài hạn.

Tranh luận quan trọng đằng sau chiến lược mua và nắm giữ chính là nhà đầu tư có thể đã bỏ lỡ mất cơ hội để bán cổ phiếu đi, tạo ra một tỷ suất sinh lợi ấn tượng trong một vài ngày thị trường giao dịch tốt nhất trong năm. Ở đây cần sự cân bằng, vì nắm liên tục cũng có nghĩa là bỏ qua được những thời điểm giao dịch không tốt. Vấn đề ở chỗ lựa chọn thời điểm cho tốt.

Nhà đầu tư nên nhận thức rõ những rủi ro tiềm ẩn trong suốt thời gian biến động. Việc lựa chọn một chiến lược đầu tư dài hạn cũng là một ý tưởng không tồi nếu như bạn tin vào chiến lược của mình.

Tuy nhiên, nếu bạn đã quyết định sẽ “lướt sóng” trong suốt thời gian biến động, hãy cẩn thận và phải nhận thức rõ được thị trường sẽ ảnh hưởng đến giao dịch của bạn như thế nào.

Ngoài ra, để sống chung được với sự biến động, người ta có thể thực hiện một số hợp đồng phái sinh nhằm quản trị rủi ro như quyền chọn chứng khoán (option), hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng giao sau… những điều này vẫn chưa được phép thực hiện trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Theo Hà Thanh Trung
Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần

MỚI - NÓNG