Sự thật về lợi nhuận của Eximbank

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
TPO - Tại Đại hội cổ đông bất thường của Eximbank đang diễn ra tại TP Hồ Chí Minh hôm nay 15/12, ngoài những bức xúc của cổ đông về bất ngờ “người đi - ở” trong danh sách ứng viên HĐQT, thì sự thật về lỗ- lãi kinh doanh của ngân hàng này thời gian qua khiến nhiều cổ đông phải choáng váng, giật mình.

Theo kết quả thanh tra được thông tin tại, tính đến ngày 31/12/2014, Eximbank lỗ lũy kế 1.618,1 tỷ đồng. Đáng chú ý, giai đoạn từ 2010- 2013, ngân hàng này đã sử dụng thu nhập từ hoạt động bất động sản để hạch toán tăng thu nhập chứ không từ hoạt động kinh doanh tín dụng.

3 năm chia lãi không từ kinh doanh tín dụng

Sáng nay 15/12, Đại hội cổ đông bất thường để bầu các thành viên HĐQT nhiệm kỳ mới của Ngân hàng Xuất nhập khẩu Eximbank (mã CK: EIB) đã diễn ra tại Tp Hồ Chí Minh. Về nguyên nhân lỗ tính đến 31/12/2014 được thanh tra chỉ ra là do trích lập dự phòng bổ sung 710,73 tỷ đồng. Xuất toán lãi dự thu 128,41 tỷ đồng, giảm thu nhập do bán tài sản cố định không quy định 831 tỷ đồng, giảm thu nhập với khoản lãi dự thu 4,4 tỷ đồng.

Theo kết luận Thanh tra, Eximbank đã có sai phạm về tín dụng như: giải ngân bằng tiền mặt, chứng từ sử dụng vốn chưa bổ sung đầy đủ, tài sản đảm bảo chưa được kiểm tra liên tục theo quy định. Thanh tra đã kiểm tra 30% dư nợ bảo lãnh thì thấy chứng từ chưa đầy đủ. Eximbank đang khắc phục bằng cách yêu cầu các chi nhánh Eximbank bổ sung chứng từ còn thiếu.

Thanh tra cũng đã thanh tra 5/6 hồ sơ đầu tư tài chính phát hiện sai phạm gần 6.000 tỷ đồng, trong đó Eximbank đã vi phạm về giám sát đầu tư của khách hàng. Hiện Eximbank đang yêu cầu khách hàng bổ sung chứng từ để ngân hàng báo cáo thanh tra.

Theo tờ trình gửi đến cổ đông, Eximbank xin ý kiến cổ đông thông qua một số vấn đề liên quan đến nội dung nêu tại Kết luận Thanh tra. Theo đó, Eximbank đã bán các bất động sản cho Eximland và cho Eximland vay để thực hiện việc mua các bất động sản này, đã hạch toán tăng thu nhập của Eximbank (không phải thu nhập từ HĐKD) đến thời điểm 31/12/2013 là 1.116,67 tỷ đồng; Eximbank đã sử dụng thu nhập này để nộp thuế, trích lập quỹ và chia cổ tức cho cổ đông từ năm 2010 đến năm 2013. Đến nay, Eximbank đã khắc phục được hơn 284,83 tỷ đồng còn 831,83 tỷ đồng phải tiếp tục chỉnh sửa. Bên cạnh đó, việc mua bán BĐS đã phát sinh một số khoản chi phí có liên quan cần phải xử lý.

Thanh tra kết luận việc hạch toán vào thu nhập trong khi Eximbank vẫn còn quản lý và sử dụng BĐS là chưa đúng quy định theo chuẩn mực kế toán và thanh tra yêu cầu HĐQT phải xin ý kiến ĐHCĐ gần nhất để thông qua phương án khắc phục.

Bán nợ cho VAMC để giảm nợ xấu

Tính đến 30/11/2015, Eximbank đạt 552 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, hoàn thành 55,2% kế hoạch năm. Trong đó, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh 1.724 tỷ đồng, chi phí xử lý nợ xấu đã hạch toán trong năm là 1.172 tỷ đồng. Dự kiến từ nay đến cuối năm, EIB tiếp tục trích lập dự phòng xử lý nợ xấu. Năm 2015, ngân hàng cũng đã bán 2.000,68 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC.

Theo báo cáo tài chính, qua 9 tháng đầu năm ngân hàng báo lãi trước thuế 667 tỷ đồng, tuy nhiên con số vừa được công bố tại ĐHCĐ thì chỉ đạt lãi 552 tỷ đồng trong 11 tháng. Điều này có nghĩa trong tháng 10 và 11 ngân hàng lỗ 125 tỷ đồng. Lãnh đạo Eximbank cho biết, thứ nhất, xử lý trong thời gian 03 năm từ 2016 – 2018. Đồng thời đại hội đồng cổ đông thống nhất ủy quyền cho Hội đồng quản trị đề xuất phương án chi tiết trình Ngân hàng Nhà nước trước khi thực hiện và thông báo kết quả thực hiện cho cổ đông.

 Tại đại hội các cổ đông đã yêu cầu lãnh đạo Eximbank trả lời cho việc chủ trương đầu tư vào Eximland là ai đưa ra, con số nợ xấu thực tế là bao nhiêu, là ngân hàng đưa ra hay thanh tra kết luận? Phần đầu tư hơn 300 tỷ đồng vào Eximland có phải là nợ xấu không? Đầu tư của Eximbank vào Eximland bản chất là thế nào, mối quan hệ nội bộ của HĐQT với Eximland là thế nào?

Vì sao hai ứng viên nặng ký  rút tên?

Gửi công văn đến NHNN để xin thẩm tra xác minh về lai lịch và năng lực của hai ứng viên, và dù nhận được đánh giá rất cao về năng lực và trình độ của Trần Ngô Phúc Vũ và Trần Ngọc Tâm, tuy nhiên đến giờ chót, hai nhân vật này đều không có tên.

Trong văn bản gửi đến NHHN, Eximbank đã thông qua danh sách các ứng viên. Riêng hồ sơ của 2 ứng viên Trần Ngô Phúc Vũ và Trần Ngọc Tâm, phía Eximbank tạm ngưng và giải trình sẽ gửi ngay trong ngày cho NHNN khi có công văn xác minh và được sự chấp thuận của NHNN. Ngay sau đó, ngày 10/12/2015, theo Công văn số 2197, Chánh Thanh tra Giám sát ngân hàng đã có kết luận thanh tra và đánh giá về ông Trần Ngô Phúc Vũ và Trần Ngọc Tâm trong quá trình công tác. 

Theo kết luận thanh tra thì cả ông Vũ và ông Tâm đều có trình độ, năng lực chuyên môn cao, tư cách và đạo đức nghề nghiệp tốt, đóng góp tích cực vào sự phát triển của Nam Á… Trong quá trình công tác tại đây và tính đến thời điểm hiện nay, ông Trần Ngô Phúc Vũ và Trần Ngọc Tâm chưa có các sai phạm dẫn đến tổn thất cho Nam Á trong thời gian đảm nhiệm các chức vụ tại ngân hàng này. Do đó về cơ bản, các nhân sự này chưa vi phạm tiêu chuẩn điều kiện về đạo đức nghề nghiệp theo quy định tại Luật tổ chức tín dụng.

Tuy nhiên, như Tiền phong đã đưa tin tối qua 14/12,  chỉ khoảng vài tiếng đồng hồ nữa là diễn ra Đại hội Cổ đông bất, Eximbank vẫn chưa bổ sung hồ sơ về 2 nhân sự là ông Vũ và ông Tâm cho NHNN. Động thái này sáng nay đã gây bức xúc cho một số cổ đông đã tin tưởng ủy quyền và cho rằng quyền lợi của họ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

MỚI - NÓNG