Sửa biểu giá điện bậc thang: Sắp lấy ý kiến người dân

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
TP - Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương cho biết, trong tháng 9, Cục sẽ tổ chức hội thảo lấy ý kiến rộng rãi của các chuyên gia, doanh nghiệp và người dân về việc rút gọn bậc thang biểu giá điện hiện nay.

Tại buổi họp báo định kỳ của Bộ Công Thương ngày 4/9, ông Đinh Thế Phúc, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng, ngay trong tháng 9, Cục sẽ tổ chức hội thảo lấy ý kiến rộng rãi của các chuyên gia, doanh nghiệp và người dân về việc rút gọn bậc thang biểu giá điện hiện nay.

Theo ông Phúc, hiện việc phê duyệt biểu giá điện do Thủ tướng quyết định trên cơ sơ xem xét tờ trình của Bộ Công Thương. Lãnh đạo bộ có chỉ đạo tính toán các phương án biểu giá bán lẻ điện. Trong tháng 8, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có báo cáo gửi lãnh đạo Bộ Công Thương vấn đề này. “Chúng tôi dự kiến trong tháng 9 sẽ tổ chức hội thảo ở cả 3 miền để lấy ý kiến rộng rãi về việc điều chỉnh, tính toán biểu giá điện hiện nay. Sau đó, Cục sẽ hoàn thiện báo cáo về các phương án biểu giá điện gửi lãnh đạo Bộ trong tháng 10 và sẽ tính toán phương án trình Thủ tướng quyết định”, ông Phúc cho biết.

Liên quan đến việc ba tập đoàn: Điện lực (EVN), Than, Khoáng sản (TKV) và Dầu khí (PVN) đồng loạt kêu lỗ hàng ngàn tỷ đồng do việc điều chỉnh tỷ giá vừa qua và đề nghị được hạch toán vào giá thành điện, ông Phúc cho biết, Cục Điều tiết điện lực đã có yêu cầu các đơn vị phát điện tính toán, đánh giá tác động cụ thể. “Thực tế với những doanh nghiệp có những hợp đồng vay vốn ngoại tệ mua vật tư, nguyên vật liệu đều bị ảnh hưởng. Các đơn vị có báo cáo hàng quý biến động tỷ giá nhưng đợt này có biến động mạnh nên chúng tôi yêu cầu báo cáo, tính toán kỹ hơn. Nếu có chênh lệch giá lớn sẽ thảo luận với Bộ Tài chính để bàn cách xử lý”, ông Phúc nói.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, diễn biến tỷ giá trong thời gian qua đã tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp. Với những kiến nghị lỗ do tỷ giá được tính vào giá thành sản xuất điện, Bộ Công Thương sẽ tính toán và trình Chính phủ xem xét. Trước đó, tại cuộc họp trực tuyến của Bộ Công Thương ngày 3/9, đại diện TKV cho biết, việc điều chỉnh tỷ giá đã làm các nhà máy nhiệt điện thuộc TKV đầu tư phát sinh khoản lỗ lên tới 1.200 tỷ đồng. Việc chênh lệch tỷ giá cũng khiến các đơn vị khác như EVN, PVN bị lỗ nhiều nghìn tỷ đồng. 

MỚI - NÓNG