Sửa chính sách để “đánh” buôn lậu

Sửa chính sách để “đánh” buôn lậu
Buôn lậu và gian lận thương mại đã có phần “hạ nhiệt”; nhưng vẫn phức tạp, nhiều biến tướng tinh vi và có khả năng bùng phát mạnh trở lại.

Hầu hết đại biểu đã nhận định như vậy tại Hội nghị “Chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại 2005”.

Lực lượng chống buôn lậu bị “trói chân

Trong khi hàng lậu tràn lan mọi nơi, mọi lúc thì các quy định về chống buôn lậu (CBL) lại bị cũ, lộ nhiều kẽ hở cho bọn buôn lậu lợi dụng. Còn quan điểm xử lý của lực lượng chức năng lại “đá” nhau.

Theo ông Oánh, chính sách tạm nhập tái xuất có nhiều khe hở đã khiến đến nay, trên cả nước có 500 - 700 ô tô con tạm nhập mà chưa thấy tái xuất.

Còn ông Trần Trọng Bình - Phó trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế (CA TP Hà Nội) - cho hay “nếu nhập khẩu hàng tiêu dùng thì phải nộp thuế ngay, còn nhập nguyên phụ liệu cho sản xuất thì 30 ngày sau khi nhập mới phải nộp thuế”. Nhiều doanh nghiệp đã thành lập để nhập khẩu khối lượng lớn hàng hoá “núp danh” nguyên liệu sản xuất, sau đó bán hết hàng rồi tuyên bố phá sản để trốn thuế. Những DN làm ăn kiểu này đã khiến Nhà nước thất thu hàng nghìn tỷ đồng.

Theo CA Hà Nội, nếu Hải quan bật mí về DN nợ đọng thuế nhập khẩu thì số thuế các DN nợ đến nay cũng sẽ không dưới hàng nghìn tỷ đồng khó thu. Theo Bộ TM, Cục Hải quan TPHCM vừa phải hoàn tất hồ sơ 23 DN nợ chây ỳ hàng tỷ đồng thuế nhập khẩu, bàn giao cho Cục Cảnh sát kinh tế (Bộ CA) xem xét trách nhiệm hình sự.

Gây lúng túng và “trói chân” lực lượng CBL nhất là những quy định trong Thông tư 94 hướng dẫn xử lý hàng lậu. Theo ông Bình, lẽ ra khi bắt và chứng minh được đối tượng chở hàng lậu thì phải tịch thu, truy thu thuế. Nhưng khi bắt hàng lậu trị giá đến 100 triệu đồng thì lực lượng CBL không có đủ thẩm quyền xử lý nữa.

Hỏi Hải quan và Tổng cục Thuế là cơ quan nào sẽ truy thu thuế thì chỉ nhận được trả lời không biết. Ông Bình cho rằng phải tịch thu hàng không có nguồn gốc khi đi vào sâu nội địa. Song ông Dương  Thời Giang - Phó chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho hay, không nên tịch thu hàng không rõ nguồn gốc, vì hiện nay ở nhiều địa phương cho phép người dân đi du lịch mua hàng hoá tiêu dùng ở mức 500 nghìn đồng cũng không có nguồn gốc, nếu tịch thu sẽ rất khó khăn.

Trong khi đó,  CA  Lạng Sơn mỗi ngày phát hiện hàng trăm người được bọn buôn lậu “mời” đi du lịch, được bao ăn ở và chỉ nhờ một việc là ôm hộ hàng lậu về nước.

Chính sách tạo khe hở cho buôn lậu gây khó cho phòng chống nhất là ưu đãi tại các khu kinh tế mở, khu kinh tế cửa khẩu. Những ưu ái đặc biệt về cơ chế đầu tư thoáng, nhập khẩu nguyên phụ liệu đã xuất hiện buôn lậu “có yếu tố nước ngoài”.

Tại những nơi được ưu đãi này, CA đã phát hiện nhiều DN nhập hàng lậu với số lượng lớn hoặc DN nước ngoài đem nguyên liệu vào sản xuất hàng lậu ngay trong nước ta.

Ông Trương Chí Trung - Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, có hiện tượng trên là do năm 2004, Nhà nước có chính sách ưu đãi về thuế đặc biệt để tạo các khu kinh tế thông thoáng. Chính sách ưu đãi thì nhiều nhưng quản lý lỏng lẻo nên hại nhiều hơn lợi, sẽ phải xem xét lại.

Thiếu dự báo, muôn thuở chỉ chống… phần đuôi 

"Tháo gỡ những vướng mắc từ các chính sách tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, thu giữ hàng không nguồn gốc thế nào, lãnh đạo các bộ phải ngồi lại với nhau ngay trong quý II này" - Ông Phan Thế Ruệ đề nghị Bộ CA và Tài chính như vậy.

Theo ông Ruệ, ngay từ bây giờ, lực lượng CBL phải quyết liệt chống buôn bán hàng cấm, hàng lậu thuế suất cao, đồng thời phải chỉnh sửa ngay những lỗ hổng của chính sách nêu trên.

Ông Trung thì nêu rõ, đã đến lúc phải thay đổi quan điểm xử lý hàng lậu theo hướng phải có cơ chế xử lý đặc thù, bởi: Không thể tịch thu hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc, vì như thế sẽ rất khó quản lý; truy thu theo thuế nhập khẩu thì các địa phương sẽ không làm, vì toàn bộ số thuế truy thu sẽ phải nộp vào ngân sách TW; truy thu theo thuế hải quan thì không được vì trái luật Hải quan. Nếu không có cơ chế đặc thù sẽ không thể chống được buôn lậu hiệu quả.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Khoan yêu cầu xem xét lại các chính sách nhập khẩu tại các khu kinh tế cửa khẩu để tránh tình trạng chính sách bị bọn buôn lậu núp bóng. Phó Thủ tướng yêu cầu xem xét hiện tượng nhập khẩu rượu bất thường tại cửa khẩu Lao Bảo, bởi ở cửa khẩu Lao Bảo nhập khẩu 60-70 tỷ đồng rượu ngoại thì chỉ có thể… tắm mới hết.

Thực chất đây có phải buôn lậu? Phó Thủ tướng giao Ban chỉ đạo CBL TW phải đề xuất với Chính phủ ngay trong năm nay các chính sách sửa đổi về quy định CBL đang bất cập để “đánh” trúng đầu não bọn buôn lậu. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu đẩy mạnh nghiên cứu, dự báo thực trạng buôn lậu để đề xuất các biện pháp chống ngay từ khi buôn lậu còn chưa nở rộ. Có như thế CBL mới không còn tiếp tục trong tình trạng “vuốt đuôi”....

MỚI - NÓNG