Sữa Gain và XO tăng giá

Sữa Gain và XO tăng giá
TP - Sơ bộ khảo sát trên thị trường Hà Nội hôm qua cho thấy, chỉ có hai loại sữa tăng giá là Gain của hãng Abbott và XO của Namyang (Hàn Quốc), và việc tăng giá này được xem là vô lý.
Sữa Gain và XO tăng giá ảnh 1
Mua sữa tại một siêu thị sữa phố Hàng Buồm, Hà Nội chiều 6/3/2009.  Ảnh: Hồng Vĩnh

Sữa Gain của hãng Abbott mức tăng 4 phần trăm (từ 6 đến 16 ngàn đồng/hộp các loại) và sữa Xo của Tập đoàn Namyang (Hàn Quốc) tăng thêm 10 phần trăm giá bán.

Ngoài ra, một số loại  sữa xách tay về có mức biến động nhẹ tăng từ 5- 10 ngàn đồng/hộp.

Chỉ một ngày sau khi có thông báo không tăng thuế sữa bột (giữ nguyên ở mức 3-7 phần trăm), nhiều hãng sữa nhập ngoại như Mead Johnson, Nestle, Dumex, Friso, Enfa thông báo tới các đại lý bán hàng không điều chỉnh giá.

Các nhãn sữa trong nước như Vinamilk và Dutch Lady cũng cho rằng họ sẽ không thay đổi giá ít nhất là đến hết tháng 5. Thậm chí, đại diện Dutch Lady còn nhấn mạnh không có kế hoạch tăng giá bán của sản phẩm sữa đến hết năm 2009.

Thuế nhập khẩu sữa bột không tăng, tỷ giá hiện tại so với giữa năm 2008 cũng chưa có gì biến động, trong cơ cấu tính giá thành sữa bột, nguyên liệu sữa chiếm 70 phần trăm giá thành mà giá nguyên liệu hiện tại đã giảm tới 50 phần trăm so với cuối năm 2008…Từ tất cả thực tế trên, việc tăng giá sữa bột hộp hoặc giữ nguyên giá ở mức cao đang trở thành điều bất hợp lý.

Tăng giá có thuyết phục?

“Đáng ra chúng tôi tăng giá từ quý 4/2008”- Ông Vũ Hoàn, đại diện Văn phòng Công ty Abbott tại Việt Nam khẳng định như vậy với Tiền Phong chiều qua. Abbott là hãng đầu tiên vẫn tăng giá sữa mặc dù thuế nhập khẩu sữa bột không hề tăng.

Ông Hoàn phân trần, đợt tăng giá này không liên quan gì đến thuế bởi việc điều chỉnh thuế không ảnh hưởng đến sản phẩm của Abbott. Lý do tăng giá chính là vì biến động tỷ giá (tính từ tháng 3/2008 đến tháng 3/2009 công ty nhập khẩu phân phối chịu mức chênh lệch tỷ giá gần 10 phần trăm; riêng  từ tháng 3 đến tháng 9/2008, tỷ giá chênh năm phần trăm). Do vậy, quý 4/2008, công ty phân phối đã kiến nghị điều chỉnh giá sữa.

“Chúng tôi nhận định tỷ giá USD/VNĐ vẫn giữ ở mức hiện nay cho đến hết năm, Chính phủ duy trì đồng nội tệ yếu để khuyến khích xuất khẩu. Do vậy, công ty quyết định phải tăng giá”.

Ông Hoàn còn khẳng định, giá sữa nguyên liệu giảm không ảnh hưởng đến giá thành của Abbott. “Sản phẩm của chúng tôi gọi đúng ra là sản phẩm dinh dưỡng. Thành phần chính trong sản phẩm của Abbott là năng lượng, vitamin, chất béo, đạm từ dầu thực vật… nguyên liệu từ sữa bò chỉ chiếm một phần rất nhỏ. Về Việt Nam thì mọi người quen gọi là sữa!”-Ông Hoàn nói.

Các thương hiệu sữa bột của Mỹ và châu Âu vào Việt Nam đều được sản xuất tại nước thứ ba như Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc. Các hãng này chỉ ghi lập lờ là “nguyên liệu được nhập từ châu Âu và Mỹ”, trong khi có tin cho rằng sản phẩm toàn ra lò ở Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan.

Lý do chính để các tập đoàn sữa lớn đặt nhà máy ở Thái Lan và Malaysia rồi bán ra khắp Đông Nam Á là để hưởng mức thuế suất ưu đãi theo CEPT/AFTA (chương trình ưu đãi thuế quan trong ASEAN). Nếu sữa bột thành phẩm nhập vào Việt Nam từ châu Âu, mức thuế sẽ là 7- 10 phần trăm. Nếu nhập từ ASEAN, thuế chỉ còn 3- 5 phần trăm.

Thứ hai, theo Thống đốc NHNN Việt Nam, NHNN chỉ điều chỉnh tăng ba phần trăm tỷ giá VNĐ so với USD trên thị trường liên ngân  hàng kể từ ngày 25/12/2008, tiếp tục can thiệp  mua-bán ngoại tệ với mức độ hợp lý để hỗ trợ ổn định tỷ giá; đồng thời khẳng định Chính phủ không có chủ trương điều chỉnh tỷ giá USD/VNĐ.

Vì những lý do trên, có ý kiến cho rằng, lý do tăng giá sữa ngoại nêu ở trên không thuyết phục, nếu không muốn nói là ngụy biện!

Hiện nay hai đại gia chiếm thị phần sữa bột lớn nhất tại Việt Nam là Mead Johnson và Abbott, mỗi hãng chiếm trên 20 phần trăm. Cộng với Neslte, Dumex và một số hãng khác của Hàn Quốc, Nhật Bản, các công ty nước ngoài chiếm gần 60 phần trăm thị trường sữa bột.

Trong nước, Vinamilk chỉ chiếm trên 10 phần trăm, Dutch Lady Việt  Nam (với hai nhà máy tại Bình Dương và Hà Nam) cũng chiếm trên 10 phần trăm, Công ty Cổ phần Thực phẩm Dinh dưỡng Đồng Tâm (Nutifood) trên năm phần trăm.

Ba hãng này cộng vào chiếm khoảng 30 phần trăm. Số còn lại trên 10 phần trăm là thị phần của một số doanh nghiệp nhỏ không có thương hiệu nhập sữa bột nguyên liệu từ nước ngoài về rồi đóng gói.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.