Sữa giảm giá, thật hay ảo?

Sữa giảm giá, thật hay ảo?
Sau khi thuế nhập khẩu đồng loạt được điều chỉnh giảm từ 30% - 70% đối với 18 mặt hàng, trong đó sữa được giảm 50% (từ 20% xuống còn 10%) thì giá sữa nguyên liệu nhập khẩu từ Hà Lan, Ấn Độ… đã giảm từ 220 - 250 USD/tấn.
Sữa giảm giá, thật hay ảo? ảnh 1
Chọn mua sữa ở Co.op Mart Cống Quỳnh

Nhiều người tiêu dùng hy vọng sẽ được sử dụng sữa với giá rẻ hơn. Tuy nhiên trên thực tế, đến thời điểm này điều đó vẫn chưa xảy ra. Có chăng, chỉ là một trong những động thái nhằm xoa dịu dư luận của một số nhà cung cấp.

Không những không giảm, một số doanh nghiệp sữa trong nước còn điều chỉnh giá tăng mạnh. Đầu tiên là dòng Vinamilk. Qua quan sát thì hơn 200 nhãn hàng của đơn vị này trong hai tháng qua không những không giảm, ngược lại một số loại vẫn tăng và có thể sẽ còn tăng mạnh: sữa tươi triệt trùng loại 250ml/bịch nhãn hiệu này, giá hiện là 3.500 đồng/bịch (tăng 200 – 300 đồng/bịch so với đầu tháng 8 và tăng 1.000 đồng/bịch so với đầu năm).

Song song đó, các dòng sữa tươi của Lothamilk cũng liên tục được điều chỉnh tăng vọt. Cụ thể là loại 1 lít, vào đầu tháng 9 giá khoảng 18.000 đồng/hộp, hiện tăng lên 22.000 đồng/hộp. Các thương hiệu khác như Vixumilk, Nutifood… cũng có một số mặt hàng tăng thêm từ 500 - 2.000 đồng/sản phẩm so với đầu tháng 8.

Trong khi đó, 2 nhãn hiệu sữa ngoại nhập là Abbott và Mead Johnson, dù có giảm giá và công bố giảm giá nhưng xét kỹ thì việc giảm giá này vẫn không nhắm đến quyền lợi người tiêu dùng. Vì nếu so với mức tăng từ 20.000 đồng/hộp trở lên vào các đợt tăng giá trước, thì đợt giảm giá từ 4.000 – 7.000 đồng/hộp đối với các dòng sữa bột mang các nhãn hiệu Similac, Gain Advance, Gain IQ, Ensure Gold, Công ty TNHH Dược phẩm 3A (nhà phân phối độc quyền các loại sữa bột nhãn hiệu Abbott tại Việt Nam) đã áp dụng từ ngày 6/9 vừa qua là quá thấp.

Thậm chí, theo như các đại lý, hầu hết những mặt hàng mà đơn vị này giảm giá đều thuộc những nhóm hàng bán chậm hơn các nhãn hàng khác. Cùng với Abbott, ngày 5/10 vừa qua, Công ty Tiên Tiến (đơn vị phân phối độc quyền các sản phẩm mang nhãn hiệu Mead Johnson tại Việt Nam) cũng đã công bố giảm giá 12/20 loại sữa với mức giảm từ 9.000 – 100.000 đồng/hộp.

Nhưng trên thực tế, đến chiều ngày 10/10 thì giá hầu hết các nhãn hiệu mà Công ty Tiên Tiến công bố giảm vẫn chưa thấy giảm? Trong đó, điều đáng nói là phần lớn các nhãn hiệu mà Công ty TNHH Tiên Tiến công bố giảm mạnh lần này như Enfarlac Premature, Enfalac Lactose free, Enfalac prosobee, Enfalac Pregestomil đều là những nhãn hàng không được ưa chuộng và bán rất chậm.

Có thể nói, đây chỉ là một động thái nhằm đánh bóng thương hiệu hơn là vì lợi ích của người tiêu dùng. Rõ ràng, trong tình hình mà mỗi một thương hiệu sữa đều đến hàng trăm nhãn hàng chính và phụ, thì việc một thương hiệu chỉ giảm giá vài ngàn đồng đối với những nhãn hàng tiêu thụ chậm, “cận date” (sắp hết hạn sử dụng) quả là chưa thỏa đáng với thực tế và quyền lợi của người tiêu dùng

Theo SGGP

MỚI - NÓNG