Sửa Luật Lao động: Đình công dễ hơn?

Hàng trăm công nhân Cty S&H Vina (Thạch Thành, Thanh Hoá) đình công phản đối chế độ làm việc hà khắc vào tháng 9/2017. Ảnh minh hoạ
Hàng trăm công nhân Cty S&H Vina (Thạch Thành, Thanh Hoá) đình công phản đối chế độ làm việc hà khắc vào tháng 9/2017. Ảnh minh hoạ
TP - Dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi đang được Bộ LĐ-TB&XH xây dựng có quy định cho phép người lao động (LĐ) được thành lập các tổ chức đại diện cho riêng mình (ngoài tổ chức công đoàn). Bên cạnh đó, luật cũng quy định cụ thể về giải quyết tranh chấp LĐ, đình công để phù hợp với bối cảnh mới.

Chưa từng thực hiện

Bộ LĐ-TB&XH đánh giá, với đổi Luật LĐ sửa đổi, sẽ có thêm các tổ chức đại diện người LĐ ngoài tổ chức công đoàn (theo các cam kết hội nhập quốc tế). Theo đó, ngoài tổ chức công đoàn hiện nay, người LĐ còn được phép lập và tham gia các tổ chức khác đại diện cho mình. Do có nhiều tổ chức đại diện người LĐ tại DN, nên quy định về việc đối thoại tại nơi làm việc, thương lượng tập thể và đình công cũng cần sửa đổi. Cũng theo Bộ LĐ-TB&XH, Luật LĐ cần có điều khoản để đảm bảo quyền thương lượng tập thể của người LĐ trong bối cảnh đa tổ chức của người LĐ tại DN, phù hợp đặc điểm quan hệ LĐ của Việt Nam; bảo đảm thương lượng tập thể đóng vai trò trung tâm trong xây dựng quan hệ LĐ hài hoà. “Đây là những vấn đề mới, thực tiễn Việt Nam chưa từng thực hiện, nên chưa có kinh nghiệm”, Bộ LĐ-TB&XH đánh giá.

Luật được sửa đổi theo hướng mở rộng cơ hội cho các bên tranh chấp có quyền lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp khác nhau như hòa giải viên, trọng tài LĐ, tòa án và đình công. Bổ sung các quy định giải quyết tranh chấp giữa các tổ chức đại diện người LĐ với nhau.

Theo dự thảo luật này, khi phát sinh tranh chấp, quyền lợi người LĐ, tổ chức đại diện người LĐ chiếm đa số trong DN có quyền yêu cầu chủ sử dụng LĐ thực hiện thương lượng tập thể (các tổ chức đại diện người LĐ khác không chiếm đa số tham gia tự nguyện). Nếu tại DN không có tổ chức đại diện người LĐ nào chiếm đa số, các tổ chức có thể liên kết lại để yêu cầu chủ sử dụng thương lượng tập thể.

Khi nhận được yêu cầu thương lượng (từ phía chủ sử dụng LĐ hoặc tổ chức đại diện người LĐ), bên còn lại không được từ chối. Luật cũng đưa ra thời hạn cho thời gian tổ chức thương lượng. Ngoài ra, dự thảo luật cũng bổ sung thêm quy định thương lượng tập thể cấp ngành, thương lượng tập thể có nhiều doanh nghiệp, nhiều tổ chức đại diện người LĐ cùng tham gia.

Đình công sẽ đơn giản hơn

Theo Bộ Luật LĐ hiện hành, để được đình công, người LĐ phải thực hiện các bước từ hoà giải, tới trọng tài LĐ, tòa án. Sau đó, tổ chức công đoàn mới được lấy ý kiến người LĐ, thông báo thời gian đình công... Do đó, từ lúc tranh chấp tới khi tổ chức đình công được cũng phải mất gần 1 tháng. Do thời gian thực hiện các bước trên quá lâu và công đoàn chưa bao giờ đứng ra tổ chức đình công, nên hàng nghìn cuộc đình công những năm qua đều tự phát và được xếp vào diện bất hợp pháp.

Để thay đổi thực tế trên, Dự thảo Bộ Luật LĐ sửa đổi nhấn mạnh tới các thể chế hòa giải (hòa giải viên, trọng tài lao động, tòa án lao động). Do đó, các bước để hòa giải cũng được đơn giản hóa, rút ngắn thời gian. 

Với đình công, tổ chức đại diện người LĐ được thực hiện các bước để tiến tới đình công khi người sử dụng LĐ phân biệt đối xử, can thiệp, thao túng tổ chức đại diện người LĐ; từ chối hoặc không thương lượng tập thể; gây khó khăn, cản trở hoặc can thiệp vào quá trình lấy ý kiến người LĐ khi thương lượng tập thể. Ngoài ra, nếu qua 1 tháng tính từ khi phát sinh tranh chấp, trọng tài LĐ vẫn chưa lập hoặc chưa giải quyết, hoặc qua 5 ngày tranh chấp về lợi ích nhưng hoà giải viên vẫn chưa hoà giải thì người LĐ có quyền đình công.

Về lãnh đạo đình công, dự luật này bổ sung tổ chức công đoàn được lãnh đạo đình công (như luật hiện hành), các tổ chức đại diện người LĐ khác cũng được phép lãnh đạo đình công. Việc đình công chỉ được thực hiện khi có đa số người LĐ đồng ý…

Ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng LĐ-TB&XH đánh giá, dự thảo về giải quyết tranh chấp LĐ đã sửa đi sửa lại rất nhiều lần, do tới đây luật mới sẽ cho phép nhiều tổ chức đại diện người LĐ.

 Do đó, theo ông Huân, quy định sửa đổi sẽ linh hoạt hơn, việc hoà giải không nhất thiết đi theo trình tự, để người LĐ lựa chọn phương thức hoà giải nào nhanh nhất. Cùng đó, các bước để tiến tới đình công cũng được rút ngắn.

Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam đánh giá, quy định về đình công hiện hành chưa thực sự đi vào cuộc sống. Theo đó, các quy định về đình công quá chặt chẽ, quy trình kéo dài, nhưng với người LĐ những bức xúc không được giải tỏa ngay, họ sẽ đình công bất chấp quy định ra sao. “Việc sửa đổi Bộ Luật LĐ nếu có thêm 2-3 tổ chức đại diện người LĐ nữa (ngoài công đoàn), sẽ hỗ trợ người LĐ tốt hơn, nếu nhiều quá sẽ rối. Cùng đó, quy định về đình công nên rút gọn còn khoảng 1 tuần sẽ thực tế hơn”, ông Cẩm nói.

Trong khi đó, một chuyên gia về vấn đề lao động (giấu tên) cho hay, các quy định về lấy ý kiến đình công, thông báo thời gian, địa điểm đình công... rất hình thức. Thậm chí, có xu hướng đưa ra các quy định phức tạp hơn để người LĐ thấy khó mà không đình công.       

Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, từ khi Luật Lao động lần đầu được ban hành và áp dụng (năm 2002) tới nay, cả nước có hơn 6.000 cuộc đình công, ngừng việc tập thể. Tuy nhiên, tất cả các cuộc đình công, ngừng việc này đều diễn ra tự phát và trái luật. Cụ thể, năm 2017 diễn ra 314 cuộc đình công, năm 2016 diễn ra 242 cuộc, năm 2015 diễn ra 245 cuộc…

MỚI - NÓNG
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
TPO - Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo thành phố việc rà soát và đưa ra định hướng xây dựng các dự án đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia trên địa bàn. Theo đó, từ nay đến năm 2035, các tuyến đường sắt quốc gia sẽ di dời ra ga đầu mối Ngọc Hồi, ga Hà Nội sẽ trở thành ga đường sắt nội đô.