Sửa quy định về lãi suất cho vay vì các ngân hàng đang phạm luật

Sửa quy định về lãi suất cho vay vì các ngân hàng đang phạm luật
TP - “Lãi suất cho vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 300% lãi suất trái phiếu kho bạc thấp nhất của lần phát hành  cuối cùng trước thời điểm cho vay".

Đó là một trong 6 đề nghị trong tờ trình của Chính phủ  về dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật Dân sự (phần liên quan đến  lãi suất) đưa ra xin ý kiến UBTVQH hôm qua (27/3).

Bộ luật Dân sự hiện hành (tại khoản 1, điều 476) quy định: “Lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do NHNN công bố đối với loại cho vay tương ứng” (tương đương lãi suất 13%/năm, nhưng hiện các ngân hàng đã cho vay vượt quá mức lãi suất này).

Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu quy định này đang gây khó khăn vướng mắc đối với hoạt động của các tổ chức tín  dụng, bởi không phù hợp với cơ chế tự do hóa lãi suất.

Hiện NHNN công bố lãi suất cơ bản nhưng với mục đích định hướng lãi suất thị trường và chỉ có ý nghĩa tham khảo đối với các tổ chức tín dụng, nên thường thấp hơn khá nhiều lãi suất huy động vốn và lãi suất cho vay, vì thế thực hiện mức khống chế lãi suất nêu trên dẫn đến rất nhiều hợp đồng cho vay của các  tổ chức tín dụng  vi phạm luật. 

Đối với các quan hệ cho vay dân sự khác (hụi, họ, biêu, phường, cầm đồ…) mức khống chế lãi suất nêu trên cũng là quá thấp, không phù hợp thực tế. Tờ trình của Chính phủ cũng đồng thời đề xuất quy định hồi tố để “áp dụng với các hợp đồng vay tài sản phát sinh từ 1/1/2006 đến 1/1/2009”.

Tuy nhiên đa số các ý kiến tại UBTVQH đều đề nghị làm rõ cơ sở của đề xuất mới này. Đặc biệt UBTVQH không tán thành quy định hồi tố. Chủ nhiệm UB Tài chính-Ngân sách Phùng Quốc Hiển tỏ ra băn khoăn về cơ sở chọn lãi suất trái phiếu thay cho lãi suất cơ bản và  mức trần bằng 300% (hiện nay tương đương với mức lãi suất 24%/năm).

“Lãi suất trái phiếu có thị giá theo quy luật cung cầu, nếu chạy theo  nó thì bàn tay quản lý của Nhà nước nằm ở chỗ nào?”-Ông Hiển đặt câu hỏi.

Theo ông Hiển, trái phiếu kho bạc do Chính phủ phát hành để bù đắp bội chi, lúc hết bội chi thì không cần  phát hành trái phiếu, vậy lúc đó lấy căn cứ nào để tính lãi suất cho vay?

Ông Hiển còn lo ngại “chấp nhận mức trần lãi suất cho vay là 300% lãi suất trái phiếu thì sẽ mở ra  kênh rất rộng để ngân hàng chạy đua lãi suất” vì thế ông Hiển cho rằng “đề xuất trong tờ trình là không có căn cứ”.

Trưởng Ban Dân nguyện Trần Thế Vượng lập luận dưới góc độ luật pháp. “Luật quy định cho vay vượt quá mức lãi suất trần bị coi là hành vi cho vay nặng lãi, vậy  lãi suất trái phiếu kho bạc là yếu tố thị trường, tại sao Nhà nước  lại căn cứ yếu tố thị trường để buộc tội người này, người kia.

Pháp luật  cần căn cứ vào tiêu chí Nhà nước đưa ra chứ không phải căn cứ vào thị trường”-Ông Vượng nói. Ông Vượng cũng phản đối quyết liệt việc dự thảo có quy định hồi tố. “Hồi tố là sai nguyên tắc, nếu cho hồi tố thì một loạt vấn đề sẽ bị lật lại hết. Nhất là tội cho vay nặng lãi đã bị kết án mà nay cho hồi tố  thì sẽ phải tuyên  bố không có tội, phải thả ra hết sao?”-Ông Vượng bức xúc.

Phó Chủ nhiệm UB Kinh tế Lê Quốc Dung cũng phản đối việc quy định hồi tố, đồng thời đề nghị chọn  lãi suất của ngân hàng thương mại có  mức thấp nhất mà cho vay tốt nhất để làm cơ sở.

Phó Chủ nhiệm UB Kinh tế Vũ Viết Ngoạn đề xuất nên lấy lãi suất cho vay trung bình của 5 ngân hàng thương mại Nhà nước lớn nhất tại thời điểm vay để làm căn cứ. “Thế giới có lãi suất LIBOR là bình quân lãi suất của 5 ngân hàng lớn nhất trên thị trường London, ta cũng nên chọn cách như vậy để phản ánh trung thực nền kinh tế”-Ông Ngoạn nói.

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu cũng cho biết, có thể chọn 5 ngân hàng theo cơ sở thích hợp để tính bình quân lãi suất làm cơ sở. 

MỚI - NÓNG