Sức hấp dẫn của Việt Nam

Sức hấp dẫn của Việt Nam
Sau 30 năm kết thúc chiến tranh ở Việt Nam, người Mỹ trở lại miền đất này, nhưng không phải là những binh lính vai vác súng M16 mà là những doanh nhân Mỹ tay xách va-li đầy tiền...
Sức hấp dẫn của Việt Nam ảnh 1
Tỉ phú Bill Gates tới giao lưu với SV tại ĐHBK Hà Nội (Nhân Dân)

Tờ Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) số ra mới đây đã nhận định như vậy, tờ báo này dành một trang đăng bài đánh giá cao tình hình phát triển kinh tế và môi trường đầu tư tại Việt Nam.

Cơn lốc Bill Gates trong chuyến thăm Việt Nam

... Mặc dù chỉ trong chín giờ đồng hồ, nhưng chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Tập đoàn Microsoft Mỹ Bill Gates đã tạo ra "cơn lốc Bill Gates". Thủ tướng và Chủ tịch nước mặc dù rất bận rộn với Đại hội X của Đảng nhưng vẫn đích thân gặp gỡ Bill Gates.

Hai bên đã ký hiệp định về sử dụng thiết bị phần mềm trong hệ thống Chính phủ Việt Nam. Thủ tướng Phan Văn Khải một lần nữa khẳng định, Chính phủ Việt Nam đề ra chính sách phát triển chương trình phần mềm và công nghệ thông tin, đồng thời xây dựng đội ngũ nhân viên chuyên về khoa học kỹ thuật, đây được coi là mục tiêu ưu tiên phát triển; đồng thời đề nghị ông Bill Gates và Tập đoàn Microsoft hỗ trợ Việt Nam xây dựng trường đại học công nghệ thông tin đạt trình độ quốc tế, và coi Việt Nam là đối tác chiến lược.

Ông Bill Gates khẳng định rằng, trong mười năm tới sẽ ủng hộ Việt Nam phát triển công nghệ thông tin bao gồm cả khai thác thiết bị phần mềm, giúp Việt Nam trở thành kỳ tích trong nền kinh tế châu Á...

Doanh nghiệp Mỹ vào Việt Nam

Quốc gia với hơn 83 triệu dân có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất Đông-Nam Á thật sự là "mảnh đất màu mỡ và lý tưởng" của các nhà đầu tư nước ngoài. Những ảnh hưởng của cuộc chiến tranh Việt Nam đối với quan hệ  Việt Nam -Mỹ vẫn tồn tại. Ký ức đau buồn giữa Việt Nam và Mỹ có ảnh hưởng quan hệ hai nước không?

Tờ Diễn đàn của Pháp cho rằng, đưa ra vấn đề này là không hiểu gì về Việt Nam. Những gì mà người ta nghĩ về Việt Nam ngày nay không phải là một tờ bưu thiếp chụp đồng ruộng và người nông dân đội nón lá, mà là mơ ước về một đất nước với điện thoại di động và những ngôi nhà cao tầng. Cựu Tổng thống Mỹ Clinton đóng vai trò quan trọng trong việc bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Mỹ, ông này trước đây nêu ra khẩu hiệu: "Việt Nam là một quốc gia, chứ không phải là một cuộc chiến tranh".

Thủ tướng Phan Văn Khải cũng từng chỉ rõ, "hướng tới tương lai"  là một nguyên tắc cơ bản trong quan hệ Việt Nam - Mỹ. Hiện Tập đoàn Microsoft đã xây dựng các trung tâm kỹ thuật tại 64 tỉnh, thành phố tại Việt Nam, đào tạo kỹ thuật và cung cấp sử dụng miễn phí mạng internet. Đầu năm nay, Việt Nam và Intel đã ký một hiệp định hợp tác, theo đó Intel sẽ đầu tư hơn 600 triệu USD sản xuất máy tính tại TP Hồ Chí Minh. Đây là một hợp đồng đầu tư lớn nhất từ trước đến nay.

Chủ tịch Phòng Thương mại châu Ấu Alain Cany cho biết: "Trước xu thế đầu tư mạnh mẽ của Mỹ, có thể dự đoán rằng, Mỹ sẽ nhanh chóng trở thành nước không thuộc châu Á đầu tư lớn nhất vào Việt Nam. Thực tế, nếu tính cả các khoản đầu tư vào Việt Nam của các công ty con của Mỹ có trụ sở tại Singapore, Hồng Công...  thì ngay từ năm 2004 đã được như vậy rồi".

Quan tâm đầu tư vào Việt Nam không chỉ có Mỹ. Ủy viên phụ trách đối ngoại của Ủy ban châu Ấu F.Watner trước khi thăm Việt Nam nhấn mạnh, Việt Nam là đối tác chủ yếu của Liên hiệp châu Ấu tại Đông-Nam Á...

Sức hấp dẫn của Việt Nam có từ đâu

Trong những năm 70, 80 của thế kỷ trước, Việt Nam là một trong những nước nghèo nhất thế giới. Hằng năm, Chính phủ phải nhập khẩu hơn một triệu tấn lương thực nhằm cứu đói cho nhân dân. Đến nay, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới.

Thu nhập bình quân đầu người tính theo tổng giá trị sản phẩm trong nước (GDP) đạt gần 650 USD, tại một số thành phố lớn con số này có thể đạt 2.000 USD. Không khí hiện đại hóa sôi động tại các thành phố lớn. Các biển quảng cáo của các công ty lớn của Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc có mặt khắp mọi nơi. Mỹ còn là nước có số khách du lịch đến Việt Nam lớn thứ hai, chỉ sau Trung Quốc...

Trong quá trình đẩy mạnh phát triển các lĩnh vực kinh tế trong nước, Đảng và Chính phủ Việt Nam hết sức coi trọng phát triển lĩnh vực thế mạnh trong khoa học, công nghệ quốc tế, trong đó bao gồm lĩnh vực thông tin và phần mềm. Trong kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội 2006-2010, Việt Nam đề ra mục tiêu cụ thể: Đến năm 2010, tổng giá trị sản xuất của ngành công nghệ thông tin và phần mềm của Việt Nam đạt 50 triệu USD, trong khi năm 2005 chỉ đạt sáu triệu USD.

Có nhiều nguyên nhân hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ cao, trong đó, giá nhân công rẻ là nhân tố quan trọng nhất. Theo thống kê, giá nhân công tại một số vùng của Việt Nam chỉ bằng một phần năm tại Trung Quốc... Việc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cũng là một động lực.

Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đạt 6,5 tỷ USD, tăng so với 800 triệu USD năm 2001. Ngoài ra, Việt Nam còn có nhiều cơ hội lựa chọn cho các nhà đầu tư nước ngoài. Việt Nam gần đây tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng và minh bạch hóa các chế độ pháp luật. Từ năm 2000 đến nay, mức thuế quan giảm từ 40% xuống còn 4%...

Các doanh nghiệp Trung Quốc cũng nên nắm bắt cơ hội này

Quan hệ giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc hiện nay rất tốt. Hai nước là "người bạn đồng hành" trong sự nghiệp đổi mới và cải cách, mở cửa, có thể học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. Hai bên cũng đã giải quyết thành công vấn đề biên giới trên đất liền và hoạch định trên Vịnh Bắc Bộ. Đặc biệt, quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước ngày càng phát triển nhanh chóng. Trung Quốc trở thành một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam... 

...Tổng Giám đốc Công ty liên doanh Khu chế xuất Linh Trung TP Hồ Chí Minh Lâm Chí Nông, người có nhiều năm làm việc tại Việt Nam cho biết, Việt Nam là quốc gia lý tưởng, là điểm đến để thực hiện chiến lược "đầu tư ra nước ngoài" của các doanh nghiệp Trung Quốc.

Ông Lâm Chí Nông cho rằng, bây giờ  là thời kỳ tốt nhất để các doanh nghiệp Trung Quốc đến đầu tư tại Việt Nam, nếu các doanh nghiệp Trung Quốc bỏ lỡ cơ hội để các doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, châu Ấu... hoàn toàn chiếm lĩnh thị trường Việt Nam, thì sau này sẽ khó có thể chen chân vào thị trường này.

Theo Nhân Dân\ Thời báo Hoàn Cầu

MỚI - NÓNG