Tái cấu trúc doanh nghiệp: “Lột xác” để hội nhập

Tái cấu trúc doanh nghiệp: “Lột xác” để hội nhập
TP - Trước áp lực hội nhập kinh tế quốc tế, các doanh nghiệp (DN) Việt Nam, vốn nhiều yếu kém, buộc phải lựa chọn giải pháp sống còn: Tái cấu trúc.

Đấy là sự tự “lột xác”, là con đường nhiều chông gai mà không phải DN nào cũng dễ dàng vượt qua.

Theo tiến sỹ Trần Du Lịch- Viện trưởng Viện Kinh tế TP.Hồ Chí Minh, các DN Việt Nam (VN) hiện đang bộc lộ 4 yếu kém cơ bản: Chất lượng sản phẩm hàng hóa và dịch vụ do mình tạo ra không có tính đồng đều; chí phí đầu vào cao; năng lực quản trị kém và khả năng đáp ứng thị trường không cao.

“Những yếu kém này sẽ bộc lộ rõ hơn khi Việt Nam gia nhập WTO”- Ông Lịch nói. Tuy nhiên, điều đáng lo lắng là hiện có quá nhiều rào cản đối với các DN trên bước đường cải tổ.

Mở cửa sợ gió

Không ít những DN rất muốn tái cấu trúc nhưng vì nhiều nguyên nhân nên chưa thể, hoặc không dám làm, đặc biệt là các DN Nhà nước (DNNN), DNNN mới cổ phần hóa- nơi những con người cũ vẫn còn nặng nề theo cách làm cũ.

Ông Lịch kể: “Nhiều DN tâm sự, họ vướng về cơ cấu bộ máy, cạnh tranh nguồn nhân lực… Hiện nay việc săn đầu người ở những vị trí mang tính chuyên nghiệp cao như các giám đốc tài chính, marketing, đầu tư, nhân sự… trong các DN nước ngoài rất dữ dội.

Trong khi các DN VN lại rất ít làm, thậm chí chưa thấy được tầm quan trọng của điều này”.

Một nguyên nhân khác không kém phần quan trọng là các DN “điếc không sợ súng”, chưa thấy hết những khó khăn phức tạp, cũng như các vấn đề quan trọng phải đối phó khi gia nhập WTO.

“Phần lớn họ mới thấy các vấn đề sự vụ kinh doanh hàng ngày, và chưa thấy về chiến lược”- ông Lịch nói, đồng thời lại kể: “Khi được hỏi về sự cần thiết của tái cấu trúc, nhiều DN trả lời tôi là cần. Nhưng họ lại không biết mình cần cái gì và nên bắt đầu từ đâu”.

Nhưng, lý do quan trọng nhất vẫn là thiếu sự quyết tâm của chính các DN. “Mặc dù biết đóng cửa ở trong nhà thì nóng chịu không nổi, nhưng mở cửa lại sợ gió”- Bà Trần Thị Hòa Bình- Giám đốc Xí nghiệp Cầu Tre thú nhận như vậy về DNNN mà bà đang cầm trịch.

Chính vì vậy, DN này “cứ lèng èng như người bị trúng gió”. Đây cũng là căn bệnh chung của hầu hết các DNNN. Nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng trên, theo bà Hòa Bình: “Một DNNN nên làm gì cũng phải ngó trước nhìn sau, và còn bị ràng buộc bởi không ít những quy định của Nhà nước”.

Lấn cấn nhất vẫn là chính sách sử dụng và đãi ngộ người tài. “Làm sao có thể trả lương thật cao, vượt quá quy định của Nhà nước để thu hút người tài?”- Bà Bình tự hỏi.

Cái cũ trì kéo

Ngay cả những DN quyết tâm “lột xác” cũng gặp không ít trở ngại, đặc biệt về vấn đề nhân lực. Khi bắt tay vào tái cấu trúc DN, ông Thái Tuấn Chí- Chủ tịch kiêm TGĐ Cty dệt may Thái Tuấn không khỏi khổ tâm bởi “những cán bộ cấp dưới đã lớn tuổi không thay đổi kịp theo yêu cầu tái cấu trúc của công ty”.

Ông Vũ Quang Thịnh- GĐ Công ty Tư vấn quản lý MCG:

Tái cơ cấu cần thiết có bước chuẩn bị. Lãnh đạo và cả đội ngũ kế cận thực hiện cũng cần được đổi mới tư duy.

Có thể mời chuyên gia đến thay đổi để mọi người trong công ty thay đổi nhận thức.

Tái cấu trúc phải được chia sẻ cùng mọi người chứ không thể vì lợi ích một vài người.

Bà Hòa Bình cũng tâm sự: “Những người lao động gắn bó lâu năm với DN thì có kinh nghiệm nhưng thiếu kiến thức chuyên môn. Do không nhận thức được yêu cầu phải đổi mới DN nên những người này không chấp nhận cái mới, không chấp nhận thay đổi.

Tâm lý ngại thay đổi, ai ngồi đâu “chết” đó là lực cản không nhỏ đến tiến trình tái cấu trúc. Biết là như thế nhưng chúng tôi không thể đùng một lúc có thể giải quyết được vấn đề này”. Bà Hòa Bình còn bày tỏ lo lắng về sự nguy hiểm nếu “chủ nghĩa kinh nghiệm” nổi lên.

Chính vì không muốn thay đổi nên những người lao động cũ có kinh nghiệm, vị trí nhưng thiếu kiến thức thường tìm cách trì kéo bằng việc bất hợp tác với những người mới tuyển dụng được đào tạo bài bản, có kiến thức.

Công ty nước mắm Liên Thành- DN đã tiến hành tái cơ cấu là một ví dụ. Kết quả, “biến động lao động tại bộ phận kinh doanh là rất lớn. Một số lượng đáng kể lao động trẻ cứ khoảng 3 tháng thử việc hoặc lâu hơn là 6 đến 9 tháng lại ra đi”- bà Ngô Thị Hoàng Mai- Phó TGĐ cho biết.

Bà Mai còn lo lắng, những người này ra đi không những đem theo khách hàng của công ty mà còn có nguy cơ gây rò rỉ thông tin riêng của DN.

Ông Nguyễn Lâm Viên- TGĐ Công ty Vinamit (Bình Dương) chia sẻ: “Rất ít người đi trước chịu nghe và sẵn sàng nghe người đi sau, vì lúc nào họ cũng nghĩ trứng không thể khôn hơn vịt”.

Viện trưởng Trần Du Lịch cảnh báo: Những DN không tái cấu trúc được, tính cạnh tranh không có sẽ phải phá sản, và đây là điều tất yếu, không thể tránh khỏi”.  

Bài 2: Bứt phá

Luật sư Nguyễn Ngọc Bích- Văn phòng DC Laws:

DN Việt Nam từ trước đến nay chủ yếu là quản trị theo sự thuận tiện mà chưa quản trị theo khoa học. Trong đó DNNN là “mẫu mực” của quản trị theo thuận tiện.

Vì quản trị theo sự thuận tiện nên cách làm cũng hết sức tùy tiện, thiếu tính chuyên nghiệp, và đấy là vấn đề bất ổn nhất của các DN Việt Nam. LS. Bích so sánh các DN Việt Nam hiện như một cô gái trẻ vào bếp: “Cô ấy nấu được cơm, nhưng làm mọi thứ theo như cô ấy nghĩ và thấy thuận tiện.

Trong khi bà mẹ bắt tay vào nấu thì chuẩn bị đầy đủ và sắp xếp mọi thứ theo tính toán khoa học. Do đó, bà mẹ có thể nấu được tiệc cho nhiều người ăn và đáp ứng cho tất cả những ai đặt tiệc; còn cô con gái chỉ có thể nấu được cơm bữa cho một ít người ăn.

Năng lực của DN quản trị theo khoa học giống như bà mẹ, trong khi DN quản trị theo thuận tiện cũng giống như người con gái”.

MỚI - NÓNG
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.