Tái cấu trúc nền kinh tế phải sát sườn

Tái cấu trúc nền kinh tế phải sát sườn
TP - Trao đổi với Tiền Phong,  PGS.TS Trần Đình Thiên- Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng sẽ có nhiều nhóm tác động đến nền kinh tế Việt Nam sau suy thoái và đã đến lúc phải tính đến câu chuyện tái cấu trúc một cách sát sườn hơn.

>> Xuất khẩu và phát triển thị trường VN : Nhìn từ khủng hoảng
>> Thận trọng tránh lạm phát cao quay trở lại

Tái cấu trúc nền kinh tế phải sát sườn ảnh 1
Nhà máy xi măng ở Yên Bái. Ảnh: T.L

Theo ông Thiên, sau khủng hoảng kinh tế thế giới có nhiều nhóm tác động đến nền kinh tế Việt Nam.

Một là tác động khủng hoảng ngắn hạn làm cho nền kinh tế và xã hội gặp rất nhiều khó khăn.

Hai là tái cấu trúc nền kinh tế trong bối cảnh ấy như một cơ hội được hiểu thế nào, lấy cái gì để làm và làm những việc gì. Đó là những việc lớn cần phải bàn, như chiến lược tái cấu trúc dưới áp lực di chuyển, áp lực cạnh tranh của thế giới.

Ví dụ, hàng trong nước khó chiếm lĩnh thị trường nội địa hơn là xuất khẩu ra nước ngoài, thị trường phải đối mặt với di chuyển công nghệ, nhất là sự di chuyển công nghệ ở các nước láng giềng sang Việt Nam. Vậy, chúng ta phải tái cấu trúc thế nào? Liệu chúng ta có làm được không và bằng cách gì?

Hậu khủng hoảng kinh tế Việt Nam bị tác động ra sao và chiến lược cho Việt Nam thời gian tới là gì?

Hậu suy thoái cũng là cơ hội lớn cho những ai muốn vươn lên. Vấn đề đặt ra là Việt Nam có tăng trưởng được kinh tế không.

Ở đây có hai tình huống, thứ nhất, giai đoạn tới, chiến lược của Việt Nam có nằm trong giai đoạn nền kinh tế thế giới bắt đầu phục hồi và tái cấu trúc lại.

Những dịch chuyển đó ảnh hưởng thế nào đến Việt Nam cũng như những chiến lược để chúng ta căn cứ vào đó mà tính.

* Thế giới thay đổi rất mạnh trong giai đoạn tới, trong đó có nổi lên xu hướng di chuyển quan trọng, di chuyển công nghệ thấp đến các nước đi sau, kém phát triển. Đây là điểm mà Việt Nam phải đặc biệt cảnh giác.

* Trước chúng ta khai thác tài nguyên một cách dễ dàng, cứ đào lên là bán. Nay phải định hướng lại, không thể đối xử với nguồn lực như vậy được. Mô hình tăng trưởng dựa vào khai thác tài nguyên phải thay đổi.

Chiến lược cũng phải tính đến những chỉ tiêu, mức xuất khẩu thế nào. Phải xác định mô hình chung tăng trưởng kinh tế ra sao.

Chúng ta phải đặt ra những mục tiêu như vậy nhưng quan trọng hơn là phải giải được việc liệu Việt Nam đạt được mức đó thì có bị rơi vào bẫy thu nhập trung bình không.

Điểm thứ hai là cấu trúc thể chế thị trường phải bình thường. Một hệ thống thị trường mà các thị trường không phát triển đồng bộ, cấu trúc méo mó thì không thể phát triển được.

Cùng với đó, bài toán về chất lượng nguồn nhân lực, thiếu việc làm, thu nhập thấp cũng là những cản trở lớn. Việc đào tạo không gắn với cơ chế thị trường, không theo nguyên lý thị trường trong bối cảnh hội nhập cũng là nút thắt cản trở phát triển.

Chúng ta 10 năm nay nói đến việc thay đổi trong giáo dục đào tạo nhưng nguyên lý không thay đổi. Thay đổi phải từ cách tiếp cận căn bản, phải đặt trong bối cảnh thời đại thay đổi thì giáo dục cũng phải thay đổi theo nhịp đó.

Vấn đề năng lực quản trị vĩ mô cũng cần được quan tâm, cần có tầm nhìn chiến lược cho quốc gia trong bối cảnh hội nhập. Đây là điểm mà chúng ta thấy ngày càng rõ trong những năm qua. Để có tầm nhìn trong sân chơi chung, theo tôi, quản trị vĩ mô phải có thay đổi rất căn bản.

Có ý kiến cho rằng các gói kích cầu cũng là nhằm chuẩn bị nội lực cho Việt Nam sau suy thoái. Ông đánh giá thế nào?

Tôi cho rằng việc thứ nhất là phải rà soát lại cơ cấu của gói kích cầu. Có những gói kích cầu ngắn hạn có thể lược bớt đi để tập trung hơn cho hướng dài hạn. Với những gói cho vay đang triển khai thì cũng nên tăng sự giám sát.

Điểm nữa là nên chuyển hướng sang các biện pháp dài hạn hơn là thoát khỏi suy thoái. Nền kinh tế của chúng ta giả định là thoát khỏi suy thoái. Sau suy thoái là nền kinh tế yếu trong khi chúng ta vốn có nhiều điểm yếu từ trước.

Làm sao để bắt nhịp vào một giai đoạn mới thì đây là điểm phải tính. Câu chuyện tái cấu trúc nền kinh tế ở đây là rất căn bản nên cần phải tính đến một cách quyết liệt, từ mô hình phát triển đến xoay chuyển hệ thống, cơ cấu ngành. Những định hướng về nguồn lực cũng phải thay đổi.

Liên quan đến tái cấu trúc cũng cần phải xác định mục tiêu phát triển của từng vùng như thế nào, từng ngành ra sao sát sườn hơn. Ví dụ trái phiếu chính phủ huy động chẳng hạn. Đầu tư là phải cho các dự án, công trình lớn, giải tỏa những nút thắt lớn.

Như đầu tư làm đường cũng vậy, phải tính đến tổng thể chứ không nên làm cắt đoạn kiểu giờ tập trung vào kích cầu còn sau suy thoái thì mới bàn đến việc kia. Nền kinh tế không thể sống theo kiểu đó được, phải có sự liên tục. 

Cảm ơn ông!

Phạm Tuyên
Thực hiện

MỚI - NÓNG