Phải hỗ trợ và khuyến mãi

Tái chiếm thị trường nội địa: Không dễ

Tái chiếm thị trường nội địa: Không dễ
TP - Nhiều chuyên gia và Giám đốc Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright tại Việt Nam khẳng định việc tái chiếm thị trường nội địa, đặc biệt khu vực nông thôn trong hoàn cảnh hiện nay không dễ.

TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright cho biết, một thời gian dài, chúng ta quá chăm chút cho thị trường xuất khẩu mà không tính đến thị trường trong nước; Việc doanh nghiệp quay về thị trường nội địa dễ bị kỳ thị.

Về phía doanh nghiệp, khi sản xuất sản phẩm thì từ nguyên vật liệu đến thiết kế đều dành cho thị trường nước ngoài chứ không phải là cho thị trường tiêu dùng trong nước, chưa kể cách phân phối, marketing.

“Với những yếu tố từ phía doanh nghiệp và cả từ chính sách, tôi nghĩ doanh nghiệp Việt Nam rất khó quay trở lại thị trường nội địa trong thời gian ngắn” - Ông Tự Anh nói.

Cũng theo ông Vũ Thành Tự Anh, việc quay lại thị trường nội địa Nhà nước cần có một hệ thống chính sách phù hợp chứ không thể nào nói là có chủ trương phát triển thị trường nội địa và hô hào doanh nghiệp chung chung.

Các chuyên gia xây dựng đề án cũng cần tham khảo ý kiến của doanh nghiệp chứ không nên ngồi vẽ ra. Cùng với đó là tính khả thi của đề án có tính đến hệ thống khuôn khổ chính sách kèm theo.

“Đề án phát triển thị trường nội địa của Bộ Công Thương được đặt lên đặt xuống nhiều lần nhưng tính khả thi rất hạn chế. Để phát triển thị trường trong nước thì không thể dừng lại ở chính sách mà cần đồng bộ”- TS Tự Anh cho biết.

Phải hỗ trợ và khuyến mãi

Ở khía cạnh khác, trao đổi với Tiền Phong, TS Cao Sĩ Kiêm, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, cho rằng để tiêu thụ được hàng ở thị trường nông thôn nhằm kích cầu, cần nhiều chính sách như hỗ trợ vận tải, giá cước, thậm chí phải hỗ trợ cả theo hình thức khuyến mãi.

Để hỗ trợ, cũng phải tăng lương cho người thu nhập thấp, mở chính sách cho người tiêu dùng để họ có tiền. Khi đưa hàng về, các chính sách cũng phải đi kèm, chứ nếu đưa về mà dân không có tiền mua, thì không hiệu quả.

TS Vũ Thành Tự Anh cũng cho rằng, đây là thời điểm cần những chính sách trợ cấp, hỗ trợ hết sức sáng tạo. Doanh nghiệp cũng phải đưa ra các sáng kiến giúp Chính phủ có các chính sách phù hợp với doanh nghiệp và với luật chơi chung của thế giới.

Đơn cử, Chính phủ có thể hỗ trợ cho các doanh nghiệp tiêu thụ hàng nội, hỗ trợ đào tạo lại lao động, xúc tiến thương mại, nghiên cứu thị trường, khoa học công nghệ... Chúng ta cần tận dụng tối đa những chính sách này. Tuy nhiên, không nên hỗ trợ một cách trực tiếp và lộ liễu.  

Lý do hàng dệt may Việt Nam không thể cạnh tranh được với Trung Quốc là cụm ngành dệt may của ta rất yếu. Thiết kế là của nước ngoài, rồi đi may gia công, trong khi nguyên phụ liệu và cả máy khâu chúng ta cũng phải nhập. Nay quay về thị trường nội địa càng không dễ, TS Vũ Thành Tự Anh nói.
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.