Tái cơ cấu bộ ngành: Khéo lại 'đẽo chân cho vừa giày'

Dây chuyền sản xuất trong nhà máy Samsung tại Việt Nam. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Dây chuyền sản xuất trong nhà máy Samsung tại Việt Nam. Ảnh: Hồng Vĩnh.
TP - Sau hơn hai năm triển khai, nhiều vấn đề mới trong việc tái cơ cấu của các bộ ngành dần phát lộ. Dù đã được duyệt đề án tái cơ cấu nhưng các chuyên gia khẳng định, việc lập kế hoạch theo quy trình ngược (với việc mỗi tập đoàn, tổng công ty tự xây dựng đề án rồi trình phê duyệt, không có quy hoạch tổng thể cho toàn ngành) sẽ dẫn đến tình trạng phải “đẽo chân cho vừa giày”.

Bài 1: Nhiều nỗi lo khi được chuyển giao công nghệ

Bộ Công Thương cho biết đang phối hợp với Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc thực hiện chương trình chuyển giao 164 công nghệ cao ngành công nghiệp hỗ trợ năm 2015 cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hỗ trợ của Việt Nam. Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ cho rằng, đây là bài toán không dễ giải quyết.

Doanh nghiệp tiếp nhận lúng túng

Theo Bộ Công Thương, các công nghệ cao chuyển giao thuộc 4 nhóm chính là cơ khí chế tạo (53 công nghệ), dệt may - da giày (50 công nghệ), ôtô (34 công nghệ) và điện - điện tử (27 công nghệ). Đối với ngành dệt may-da giày, các công nghệ chuyển giao đáng chú ý như: Phương pháp sản xuất quần áo chống dao đâm; Nhuộm patten tự nhiên, sử dụng phương pháp in cản màu; Phát triển quy trình sản xuất giày không sử dụng đường may; Phát triển công nghệ nhuộm màu tự nhiên, thân thiện với môi trường cho vật liệu may…

Ở lĩnh vực điện - điện tử, Hàn Quốc sẽ chuyển giao cho Việt Nam một số công nghệ nổi bật như: Năng lực đầu cuối di động của quá trình tự động các tín hiệu phát sóng và phương pháp kèm theo không bị tạo lỗi; lò ấp cấy tế bào có khả năng điều khiển tự động môi trường cấy của nhiệt độ, độ ẩm và cô đặc CO2.

Trong lĩnh vực ô tô, Hàn Quốc chuyển giao cho Việt Nam công nghệ: Thiết bị loại bỏ nếp gấp trên bảng, có thể loại bỏ nếp gấp tạo ra trên bảng trong quá trình tạo khuôn ấm; Ghế làm mát và sưởi nhiệt cho xe có thể giảm diện tích bằng kết cấu đơn giản; Phát triển công nghệ hệ thống điều hoàn không khí lưu động dioxit các-bon, công nghệ truyền tải tự động, lái chủ động cho xe ôtô...

Điểm đặc biệt, trong quá trình chuyển giao công nghệ, Bộ Công Thương và Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc sẽ giới thiệu các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là các doanh nghiệp Hàn Quốc tham gia cùng phát triển công nghệ được chuyển giao, đồng thời để tiêu thụ sản phẩm sau chuyển giao công nghệ.

“Sẽ rất khó để học ngay những công nghệ mà Samsung đang bảo lưu. Bởi phần lớn linh kiện chính đều do chúng tôi phải trực tiếp sản xuất, chi phí đầu tư rất lớn. Ngay các doanh nghiệp đang cung cấp hàng cho chúng tôi cũng không đủ công nghệ để làm”. 

Ông Jang Hoyoung, Tổng GĐ bộ phận mua hàng của Samsung Electric Việt Nam nói

Thông tin từ Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) cũng cho biết, đã phối hợp với Cty TNHH Samsung Electronics Việt Nam (Samsung) triển khai việc kết nối các doanh nghiệp Việt Nam tham gia cung cấp linh, phụ kiện cho Samsung.

Việc kết nối này cũng nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển. Cụ thể, Samsung đặt hàng các doanh nghiệp trong nước cung ứng 53 loại linh, phụ kiện cho dòng máy tính bảng loại 7 inch và 91 loại linh, phụ kiện cho dòng sản phẩm Galaxy S4.

Nhìn danh mục công nghệ chuyển giao, cũng như đơn đặt hàng sản xuất dạng “ăn sẵn” từ Samsung, có thể thấy đây là tin mừng liên tiếp trong những ngày cuối năm 2014 với các doanh nghiệp trong nước. Nhiều diễn đàn công nghệ cũng bàn tán về việc chuyển giao các công nghệ cao của Hàn Quốc cho doanh nghiệp Việt tham gia chuỗi sản xuất.

Tuy nhiên, không ít chuyên gia cũng như đại diện doanh nghiệp cho rằng, đây sẽ là thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp trong nước nếu nhìn vào các tiêu chí đặt ra từ phía
chuyển giao.

Ông L.M.V, tổng giám đốc một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại hàng dệt may có trụ sở tại Hà Nội khẳng định, việc được tiếp nhận công nghệ cao trong sản xuất là mong muốn đối với bất cứ doanh nghiệp nào. Tuy nhiên, bài toán chuyển giao luôn đi kèm với yêu cầu đổi mới công nghệ, quản lý, năng lực vận hành cũng như nhân lực kèm theo. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả chính là doanh nghiệp có tài chính để đủ sức tiếp nhận công nghệ hay không.

“Đây không chỉ là bài toán chuyển giao đơn thuần. Khi tiếp nhận công nghệ mới, toàn bộ dây chuyền cũ phải chuyển đổi. Với doanh nghiệp phải vay tiền đầu tư cho việc chuyển hướng sản xuất, bài toán rất đau đầu”, ông V. phân tích. 

Không nên ảo tưởng

Tiếp nhận công nghệ mới, theo phân tích của ông Đ.T.Tuấn, Chủ tịch HĐQT một doanh nghiệp sản xuất thiết bị ô tô, đòi hỏi doanh nghiệp phải thay đổi toàn bộ chiến lược sản xuất kinh doanh hiện tại. Thậm chí, doanh nghiệp phải chấp nhận thành nhánh sản xuất phụ thuộc của đơn vị chuyển giao trong quá trình “lột xác” để tham gia chuỗi sản xuất sản phẩm mới… “Đây là bài toán đánh cược về chiến lược phát triển”, ông Tuấn nói.

Một chuyên gia trong lĩnh vực dệt may khẳng định, khi tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) là thách thức không nhỏ. Vấn đề nhìn thấy rõ, chúng ta đang nhập khẩu rất lớn các nguyên liệu cho ngành dệt may như: Sợi, thuốc nhuộm, vải… để làm hàng xuất khẩu.

Tham gia TPP, sợi để sản xuất hàng dệt may cũng phải nội địa hóa,trong khi chúng ta không có nhà máy kéo sợi quy mô lớn đáp ứng cho toàn bộ ngành dệt may. Một chuyên gia trong ngành điện tử khẳng định, sẽ rất sai lầm khi kỳ vọng được các tập đoàn lớn chuyển giao công nghệ miễn phí cho các doanh nghiệp Việt.

Những lo ngại của các doanh nghiệp không phải không có cơ sở khi tại cuộc gặp gỡ gần 200 doanh nghiệp Việt để tìm kiếm đối tác cung ứng do Bộ KH-ĐT tổ chức hồi tháng 9 vừa qua, GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đưa thông tin, trong gần 100 nhà cung cấp vệ tinh cho Samsung, chỉ có 7 doanh nghiệp Việt đủ tiêu chuẩn tham gia chuỗi sản xuất nhưng chủ yếu là cung cấp bao bì, in ấn. Ở nhóm sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao hơn, cũng có vài ba doanh nghiệp Việt (nhưng qua các công ty trung gian, làm nhà cung cấp cấp 3, cấp 4).

Ông Trương Thanh Hoài, Vụ phó Công nghiệp nặng (Bộ Công thương) cũng thừa nhận, việc đổi mới công nghệ sẽ là bài toán khó với các doanh nghiệp. Tính riêng chi phí về vốn, doanh nghiệp Việt Nam đã khó (vì các nước lãi suất cho vay chỉ khoảng 3%, trong khi lãi suất ở ta khoảng 10%). Dù Bộ Công Thương và Bộ Công Thương - Năng lượng Hàn Quốc có chương trình hợp tác chuyển giao công nghệ nhưng nỗ lực của doanh nghiệp mới là yếu tố quyết định.

(còn nữa)

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.