Tái cơ cấu: Chỉ nghe, chưa thấy?

Tái cơ cấu: Chỉ nghe, chưa thấy?
TP - Nhiều năm qua, cụm từ “tái cơ cấu” quá quen thuộc với nhiều người, nhưng thực hư và hiệu quả đến đâu không hẳn nhiều người thực sự được nhìn thấy. Các chuyên gia cho rằng, việc tái cơ cấu mới chỉ nghe, chứ chưa có thực.

> Ủy ban Tài chính Ngân sách đồng ý nâng trần bội chi
>Bội chi gần 200 ngàn tỷ đồng

Tái cơ cấu chậm, nguy cơ mất vốn

Theo báo cáo mới nhất của Chính phủ, đến nay đã có 68 tập đoàn, tổng công ty nhà nước được phê duyệt các đề án tái cơ cấu.

Trong đó, Thủ tướng phê duyệt 19 đề án; các bộ, ngành phê duyệt 39 đề án; địa phương phê duyệt 10 đề án. Tính đến hết tháng 8/2013, Chính phủ đã phê duyệt 100/101 đề án sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước của các bộ, ngành, địa phương.

Nếu nhìn vào những con số trên có thể thấy việc tái cơ cấu được thực hiện khá đồng loạt ở tất cả các cấp. Tuy nhiên, thực tế báo cáo của Chính phủ cũng thừa nhận, việc tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng còn chậm so với yêu cầu. Nhiều vấn đề đặt ra của nền kinh tế chưa được giải quyết. Những đột phá chiến lược trong tái cơ cấu được đặt ra trong thời gian qua cũng triển khai rất chậm.

Ở góc độ khác, việc tái cơ cấu chậm đang gây thiệt hại lớn cho các doanh nghiệp cũng như nền kinh tế. Điều này thể hiện khá rõ tại báo cáo kiểm toán năm 2012 về niên độ ngân sách 2011 của Kiểm toán nhà nước công bố vài tháng trước đây. Báo cáo nêu rõ, trong số 25.750 tỷ đồng đầu tư tài chính của các tập đoàn, tổng công ty nhiều khoản đầu tư không thu được lợi nhuận hoặc suy giảm giá trị kể từ thời điểm đầu tư và có nguy cơ mất vốn cao.

Các chuyên gia cho rằng, việc thực hiện tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước cùng các mũi nhọn khác của nền kinh tế là việc rất đáng làm. Tuy nhiên với việc đồng loạt thực hiện theo kiểu tái cơ cấu “dàn trải” như hiện nay khó có thể đạt được hiệu quả cao, khi các nguồn lực đang bị cạn kiệt.

Để thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, PVN và EVN cần công khai, minh bạch về hoạt động. Ảnh: ngọc châu
Để thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, PVN và EVN cần công khai, minh bạch về hoạt động. Ảnh: ngọc châu.

Cùng đó, những quy định “trên trời” như phải hoàn thành thoái vốn trong năm 2015 và DN không được bán vốn thấp hơn giá trị đầu tư ngoài ngành ban đầu… đang khiến các DN khóc dở mếu dở (trong bối cảnh rao bán vốn mãi, mà không tìm thấy người mua).

Tại hai đơn vị được quan tâm nhiều nhất thời gian qua là Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) việc thoái vốn không dễ dàng.

Đích thân Chủ tịch HĐTV PVN, ông Phùng Đình Thực thừa nhận dù đề án tái cơ cấu tập đoàn đã được Thủ tướng phê duyệt, nhưng thoái vốn đầu tư ngoài ngành của PVN đang bị “tắc” do nền kinh tế gặp khó khăn.

Theo ông Thực, chủ trương của PVN là thoái hết vốn đầu tư ngoài ngành, nhưng phải theo đúng lộ trình, không phải muốn thoái vốn ngay là được (mà phải đảm bảo hài hòa, hiệu quả kinh tế). Có những việc có thể làm được, nhưng vẫn còn vướng mắc, phải báo cáo xin ý kiến Chính phủ, các bộ ngành.

Điểm tắc nhất vẫn là không tìm được đối tác để thực hiện thoái vốn tại các lĩnh vực đầu tư ngoài ngành như tài chính, ngân hàng, bất động sản... Điều này đồng nghĩa tổng giá trị đầu tư ngoài ngành của PVN là 5.800 tỷ đồng (dù không cao so với vốn chủ sở hữu 304.000 tỷ đồng của tập đoàn), tiếp tục bị “treo”, không biết đến bao giờ mới thu hồi được.

 “Còn tình trạng che giấu thông tin của các doanh nghiệp nhà nước, cũng như tình trạng sở hữu chéo ngân hàng như hiện nay thì không thể tái cơ cấu được. Để tái cơ cấu trong một nền kinh tế thị trường, tín dụng đóng vai trò vô cùng quan trọng. Khi ngân hàng đang lún vào nợ xấu không rút ra được, doanh nghiệp không tiếp cận được vốn thì để nền kinh tế cầm cự được đã khó, nói gì đến tái cơ cấu nền kinh tế” 

TS Lê Đăng Doanh

Còn tại EVN, theo đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, từ nay đến năm 2015, EVN phải thoái hết vốn đầu tư ngoài ngành. Việc thoái vốn cũng là vấn đề đau đầu khi tập đoàn này bị vướng yêu cầu “bất khả thi” của Bộ Công Thương (quy định phải bảo toàn và phát triển vốn nhà nước đầu tư tại EVN và không được bán thấp hơn giá thị trường khi chuyển nhượng vốn đầu tư ngoài ngành).

Quy định này gây khó cho EVN do tìm được nhà đầu tư đủ năng lực tài chính để chuyển nhượng vốn góp tại ngân hàng ABBank, Cty Tài chính Điện lực (EVN Finance) hay bất động sản EVN Land Central trong thời điểm này không khác gì “mò kim đáy biển”.

Phải minh bạch

Trao đổi với PV Tiền Phong, chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành cho rằng, nếu thực sự muốn tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty, trước hết nhà nước phải kiên quyết yêu cầu các đơn vị này thoái vốn khỏi ngân hàng thương mại và các lĩnh vực đầu tư không đúng chức năng, chấm dứt việc lợi dụng mục tiêu công ích để chèn ép doanh nghiệp tư nhân.

Còn theo TS Lê Đăng Doanh, để thực hiện tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước, trước hết cần có những quy định công khai minh bạch về hoạt động của các đơn vị này. Ở các nước, quy định công khai minh bạch trong bộ máy nhà nước không được có ngoại lệ, càng công khai minh bạch càng tốt. Thậm chí, họ đã thực hiện công bố thông tin trên mạng và lịch làm việc, khách sạn và tiền phòng, chi tiêu khi đi công tác trong nước và ngoài nước... của các thành viên Chính phủ. Cơ quan thanh tra có quyền công bố cho báo chí và công luận biết mọi chi tiết như biên lai chi tiêu không đúng quy định ngay sau khi phát hiện.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG