Tái cơ cấu Sacombank: Ngân hàng Nhà nước ráo riết xử lý tồn đọng

Vấn đề cốt lõi của Sacombank là phải xử lý cho được “khối” tài sản tồn đọng gồm cổ phiếu và bất động sản cầm cố. Ảnh: Như Ý.
Vấn đề cốt lõi của Sacombank là phải xử lý cho được “khối” tài sản tồn đọng gồm cổ phiếu và bất động sản cầm cố. Ảnh: Như Ý.
TP - Xử lý nợ xấu là việc căn bản phải làm tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) sau khi ngân hàng này nhận hợp nhất Ngân hàng TMCP Phương Nam (PNBank). Ai cũng biết với việc sáp nhập này, một khoản nợ không hề nhỏ của PNBank đã “trút” lên Sacombank ngay lúc đó.

Nhân sự, ai được chọn?

Hơn 1 tháng trước mùa đại hội cổ đông (ĐHCĐ), thông tin về Sacombank (mã CK:STB) sốt sình sịch. Theo dự tính, ĐHCĐ Sacombank năm 2017 diễn ra vào ngày 28/4, tuy nhiên, trước đó một tuần, website của ngân hàng đột ngột ra thông báo về việc tạm hoãn thời gian tổ chức ĐHCĐ thường niên năm tài chính 2015 và 2016 sang 26/5 (2 năm không đại hội). Lý do: STB cần thêm thời gian để hoàn tất công tác chuẩn bị về nhân sự HĐQT, Ban Kiểm soát và một số nội dung tài liệu phục vụ ĐHCĐ.

Hai tháng qua, thị trường chứng khoán liên tục dậy sóng trước các thông tin sẽ có cổ đông lớn tham gia tái cơ cấu Sacombank như ông chủ Nguyễn Thành Nhơn của Tập đoàn bất động sản Novoland. Tuy nhiên, sau khi nộp hồ sơ một thời gian, ông Nhơn bất ngờ xin rút lui. Ông Đặng Văn Thành, “cha đẻ” của Sacombank muốn quay lại ngân hàng cùng hai quỹ ngoại muốn “rót” 1 tỷ USD cuối cùng cũng xin ngưng vào giờ chót.

Cùng lúc với thông tin không có cổ đông mới nào vào Sacombank, sáng 26/4, Sacombank họp hội đồng quản trị bàn về nhân sự HĐQT nhiệm kỳ 2017- 2021. Theo đó, một bản danh sách với tên tuổi 7 ứng viên đã được đề cử đệ trình NHNN. Đứng đầu danh sách là ông Nguyễn Đức Hưởng (người trước đó đúng 1 ngày từ nhiệm vị trí Phó Thường trực Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank); kế đến là chủ tịch đương nhiệm Sacombank- Kiều Hữu Dũng, Nguyễn Miên Tuấn;  Nguyễn  Xuân Vũ; Nguyễn Văn Cựu; Phạm Văn Phong.

Chủ yếu xử lý tài sản tồn đọng

Sau khi ban hành quyết định chấm dứt vai trò quản trị, điều hành của ông Trầm Bê, nguyên phó chủ tịch HĐQT và ông Trầm Khải Hòa, nguyên thành viên HĐQT, NHNN đã có những cuộc họp quan trọng về tái cơ cấu Sacombank. Trước mắt, xử lý nợ là việc rốt ráo phải làm và cần có một cơ chế đặc biệt để Sacombank chữa lành vết thương.

Tại báo cáo tài chính hợp nhất quí 4/2016 của Sacombank, ngân hàng có các khoản phải thu 17.352 tỷ đồng và các khoản lãi, phí phải thu là 26.389 tỷ đồng. Nợ xấu từ nhóm 3 đến nhóm 5 tại Sacombank chiếm 5,35% tổng dư nợ. Chứng khoán nợ do các tổ chức kinh tế phát hành mà Sacombank đang nắm giữ lên tới 38.300 tỷ đồng, trong đó 95% là trái phiếu do VAMC phát hành. 

Chia sẻ cuối tuần qua, một lãnh đạo NHNN khẳng định việc tái cơ cấu Sacombank được NHNN theo sát và không có chuyện một tổ chức hay cá nhân nào có thể điều khiển được hoạt động ngân hàng. “Hiện NHNN  đã có 1 đề án giám sát riêng dành cho Sacombank do cơ quan thanh tra giám sát làm theo đúng lộ trình”, vị lãnh đạo cho hay.

Tái cơ cấu Sacombank sẽ như thế nào? Theo vị lãnh đạo NHNN, đề án được phê duyệt trên nền tảng lớn nhất đó là xử lý tài sản tồn đọng tại ngân hàng. Mà cụ thể ở đây “đống” tài sản tồn đọng sẽ bao gồm hai phần: cổ phần cổ phiếu của chính ngân hàng và phần tài sản cầm cố là bất động sản.

Với cổ phần, cổ phiếu, nhà đầu tư nào muốn vào mua sẽ phải dự đàm phán 3 bên giữa họ, Sacombank và NHNN. Điều kiện mua cổ phiếu phải bằng “tiền tươi thóc thật” và bán để cấn trừ nợ. Nếu thiếu phải bù thêm, tài sản còn thừa thì có thể tất toán. Trường hợp vẫn còn khoản vay sẽ cấn trừ nợ tiếp. “Cổ đông vào mua sẽ công khai  theo luật định; không có chuyện thâu tóm sáp nhập; hễ cứ mua đủ 10% cổ phần sẽ được giữ 1 ghế thành viên HĐQT; vào bao nhiêu thì đại diện cầm vốn cho NHNN sẽ ra bấy nhiêu”, đại diện NHNN cho hay. Cũng theo đại diện NHNN, với tài sản cầm cố là bất động sản cũng sẽ bán, trường hợp không bán được sẽ đi phát mại.

“NHNN chỉ đảm bảo làm sao cho việc giải quyết xử lý nợ thật nhanh, trọn vẹn. Chúng tôi đã có đề án lớn và phác đồ điều trị rõ ràng”, lãnh đạo NHNN khẳng định. 

Theo dự kiến sẽ có khoảng 5 người do NHNN chọn vào thành viên HĐQT Sacombank tương ứng với số cổ phần 54%  chuyển giao bắt buộc của cha con ông Trầm Bê; “Hiện NHNN mới chọn 1 người; 4  người còn lại, cho phép HĐQT giới thiệu. Quan điểm của NHNN là HĐQT, Ban lãnh đạo Sacombank tự tìm, người đáp ứng đủ điều kiện thì trình để NHNN xem xét”, lãnh đạo NHNN nhấn mạnh.

MỚI - NÓNG