Dự án thủy điện Plei Krông:

Tái định cư nhưng chưa an cư

Tái định cư nhưng chưa an cư
TP - Nhìn từ xa những làng tái định cư thủy điện Plei Krông ở xã Hơ Moong trông rất bắt mắt: Những dãy nhà mới xây đều tăm tắp, san sát như phố mới. Song sự bất an và khiếu kiện liên tục diễn ra  bởi hàng trăm hộ dân chông chênh, có chỗ ở khang trang mà không có đất canh tác...
Tái định cư nhưng chưa an cư ảnh 1
Làng tái định cư Hơ Moong người dân chưa lạc nghiệp

Thiếu đất sản xuất

Phó Chủ tịch UBND xã Hơ Moong (Sa Thầy -Kon Tum) A Thút tỏ ra rất bức xúc: “Dân về nơi ở mới đã 2 năm, đất sản xuất từ các làng cũ ngập hết song đến nay vẫn còn 288 hộ của các làng Ktu, Đăk Do, K’ Bầy không có đất sản xuất.

Hai năm qua người dân chỉ sinh sống bằng trợ cấp gạo 30kg/người/tháng của Nhà nước, thu nhập không có làm sao sống được?! Ngày nào cũng có người kéo đến nhà tôi khiếu nại, tôi khuyên giải suốt, không khéo đâm ra nói dối với dân.

Bây giờ đã là đầu tháng 3/2007, vụ gieo trồng mới đã chuẩn bị sắp xong, đất vẫn chưa có, số hộ này sẽ mất tiếp một năm ăn không ngồi rồi bởi không có đất canh tác.

Xã Hơ Moong được thành lập từ năm 2005 là xã hoàn toàn mới trên cơ sở lấy dân di cư lòng hồ thủy điện Plei Krông. Toàn xã có 748 hộ gần 5.000 khẩu của 5 làng tái định cư.

Dân về đây có nguồn gốc từ 3 huyện thị khác nhau là làng Ktu, Đăk Vớt, Đăk Do huyện Đăk Hà, làng K’Tol-thị xã Kon Tum và làng K’Bầy xã Sa Bình, Sa Thầy. Các hộ về nơi ở mới được xây dựng 1 căn nhà 60m2 trên mảnh vườn 400m2, có 1 giếng nước, nhà vệ sinh.

Các làng tái định cư được chủ dự án (Ban quản lý dự án thủy điện 4 -Tổng Cty Điện lực Việt Nam) đầu tự hạ tầng khá hoàn chỉnh gồm điện, đường, trường học, trạm xá...

Nhìn chung nhà ở của dân các làng tái định cư khang trang hơn nơi ở cũ. Đi liền với dự án tái định cư là một vùng quê mới mọc lên, khai khẩn tiềm năng đất đai, đường sá mở mang thông thoáng hơn song bấp cập vẫn bộn bề.

Theo chân Phó Chủ tịch UBND xã A Thút chúng tôi về làng Đăk Vớt gặp già làng A Bek. Làng Đăk Vơt có 219 hộ, hơn 1.000 khẩu. Già làng cho biết trước đây ở làng cũ nhà ông có 3,8ha đất, tháng này ở dưới ấy sướng lắm, cái gì cũng có ăn đủ cả: Có mía, chuối, thơm, bắp, lúa, mì, cà phê...

Bây giờ đất ngập hết rồi, lên đây đất mới không có, không biết trồng cái gì để ăn. Làng có nhiều người thiếu đói lắm, do không có đất. Già làng A Bek cho biết, trong làng có nhiều người đòi bỏ nhà đi nơi khác, bảo:

Chúng tôi trở về sống chết dưới kia, với làng cũ, chúng tôi không cần nhà. Già và chính quyền khuyên mãi, bảo bà con hãy chờ, song ngay bản thân già A Bek cũng không biết chờ đến bao giờ. Đất đai bây giờ khan hiếm, ai có đất cố mà giữ, lấy đâu ra mấy trăm ha cho các hộ thiếu đất?!

Nhiều bất hợp lý

Tái định cư nhưng chưa an cư ảnh 2

Cơ quan chức năng xây khu dân cư ở vùng núi mà như xây khu phố mới đô thị. Mỗi vườn nhà chỉ tổng cộng 400 m2, nhà này liền kề nhà nọ, không còn đất để dân xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Nhiều gia đình có bò, có trâu chẳng biết nhốt ở đâu đành lấy sân bóng của làng làm điểm nhốt bò. Làng Ktu đến nay gần 50% giếng nước đã kiệt nước, nhiều công trình vệ sinh hư hỏng.

Chính sách thu hồi đất đền bù nhà, đất ở và đất sản xuất có nhiều bất cập. A Thút cho biết về nơi ở mới mỗi hộ đều được cấp một ngôi nhà như nhau và 1ha đất sản xuất.

Những người nơi ở cũ túp lều lụp xụp hay nhà xây khang trang đều có chỗ ở mới như nhau. Người nơi ở cũ không có đất, lên nơi ở mới được cấp 1ha. Người nơi ở cũ nhiều đất thì được đền bù với giá chỉ có 15 triệu đồng, song khi lên nơi ở mới phải mua lại của Nhà nước với giá 26.400.000 đồng.

Ngay cả mảnh vườn 400m2 cũng là đất hoán đổi. Sự chênh lệch về giá này như đổ thêm dầu vào lửa bức xúc của dân, dân thắc mắc vì sao đất nơi ở cũ tốt hơn giá trị gần 2ha ở đấy mới bằng 1 ha nơi này. Vì thế giữa tháng 2/2007 Ban QLDATĐ4 đến trả tiền đền bù đất có 62 hộ không chịu nhận tiền đền bù.

Ông Vũ Trọng Khoa-Bí thư Huyện ủy Sa Thầy trao đổi với chúng tôi về những vướn mắc trong công tác di dân đền bù lòng hồ thủy điện Plei Krông tỏ ra rất không hài lòng.

Ông bảo ngay từ đầu các bên tư vấn thiết kế đã không tham khảo ý kiến của địa phương, khảo sát không kỹ dẫn đến những hậu quả mà việc xử lý sẽ dai dẳng.

Huyện Sa Thầy có dân số khá lớn ảnh hưởng bởi 2 dự án thủy điện là Ia Ly và Plei Krông. Trong khi công tác di dân tái định cư thủy điện Ia Ly đến nay dân vẫn còn khiếu kiện thì tiếp tục phát sinh dự án Plei Krông.   

MỚI - NÓNG