Khởi nghiệp từ rất sớm, bà Phương Thảo sớm trở thành triệu phú đô la khi bước sang tuổi 21 và lọt vào danh sách tỷ phú của Forbes năm 2017 với khối tài sản 1,2 tỷ USD. Không bó hẹp mình trong một lĩnh vực, bà ghi dấu ấn ở nhiều địa hạt khác nhau: bất động sản, tài chính ngân hàng, du lịch – khách sạn, và đặc biệt là hàng không với thương hiệu Vietjet Air.

Tên: Nguyễn Thị Phương Thảo

Sinh năm: 07/06/1970

Trình độ

  • Tiến sỹ Điều khiển học kinh tế

  • Cử nhân Quản lý kinh tế lao động - Cao đẳng Kinh tế Quốc dân Matxcova

  • Cử nhân Tài chính Tín dụng - Học viện Thương mại Matxcova (Nga)

Tuyên bố không thích làm việc cò con, bà Phương Thảo dấn thân vào con đường kinh doanh từ rất sớm. Du học ở tuổi 17, bà khiến các bạn đồng lứa ngưỡng mộ khi đạt thành tích học tập xuất sắc và bước vào thương trường mạnh mẽ. Năm thứ hai đại học, bà kinh doanh hàng tiêu dùng từ hàng điện tử, máy tính, máy fax đến băng đĩa, đồng hồ, hàng nông sản từ các nước châu Á như: Nhật Bản, Hàn Quốc, sang Đông Âu. Đồng thời, bà cũng đưa về Việt Nam những mặt hàng thị trường khan hiếm và cần thiết như phân bón, sắt thép, thiết bị,...

Tháng 12/2011, bà Nguyễn Thị Phương Thảo

khai trương hãng hàng không giá rẻ đầu tiên tại

Việt Nam. Bà Thảo cho biết bà bắt đầu tìm hiểu về

lĩnh vực hàng không giá rẻ khi con trai đầu mới chỉ vài tháng tuổi. Sau đó, bà dành 10 năm để nghiên cứu về lĩnh vực hàng không, gặp gỡ CEO của các hãng hàng không giá rẻ khác nhau như Jetstar, Air Asia, và Southwest Airlines.

Câu chuyện thành công của Vietjet Air giờ được nói đến như một sự thần kỳ, tuy nhiên, ít ai biết, những ngày đầu thành lập của Vietjet không mấy suôn sẻ, đến mức bà Thảo phải 6 lần thông báo lùi thời gian cất cánh. Ban đầu, đó là những rắc rối về bản quyền khi Vietjet Air đăng ký độc quyền thương hiệu VietAir, tuy nhiên, thương hiệu này vấp phải sự phản ứng từ phía hãng hàng không quốc gia. Vietnam Airlines gửi kháng nghị đến Cục Sở hữu Trí tuệ đề nghị không cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu VietAir cho Vietjet.

Sau đó là đến rắc rối bởi sự hiện diện của cổ đông nước ngoài AirAsia. Hãng mong muốn hợp tác khai thác thị trường nội địa Việt Nam dưới thương hiệu Vietjet AirAsia. Tuy nhiên, ý định này không nhận được sự chấp thuận của Bộ GTVT và Cục Hàng Không dân dụng VN. Vì vậy, năm 2011, trước khi Vietjet có chuyến bay đầu tiên cũng là năm Air Asia rút vốn khỏi Vietjet.

Vượt qua những chướng ngại ban đầu, một khi cất cánh, Vietjet Air ngay lập tức đạt thành công lớn. Chỉ sau 5 năm, Vietjet Air đã chiếm hơn 40% thị phần bay trong nước với doanh thu 1,2 tỷ USD năm 2016. Vietjet hiện có một đội tàu bay hơn 40 chiếc Airbus A320 và A321, vận hành trên 53 đường bay trong đó có 36 đường bay trong nước và 17 đường bay quốc tế. Trung bình cứ hơn một tháng, hãng này mở ra một đường bay mới và mỗi ngày, hãng vận hành trên 300 chuyến bay.

Tháng 5/2016, Vietjet gây tiếng vang lớn với hợp đồng mua máy bay “khủng” trị giá 11,3 tỷ USD. Lễ ký hợp đồng đặt mua 100 tàu bay B737 MAX 200 giữa Vietjet với Tập đoàn chế tạo máy bay Boeing diễn ra dưới sự chứng kiến của Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Barack Obama tại Hà Nội.

Dù sự tăng trưởng của Vietjet khiến nhiều người phải ngỡ ngàng, song với bà Nguyễn Thị Phương Thảo, tất cả đều nằm trong kế hoạch. “Có người nói rằng bất cứ thứ gì tôi làm đều cho ra lợi nhuận. Nhưng tôi không nghĩ nó đơn giản như vậy. Không có con đường nào dễ dàng để thành công cả. Tôi đã học hỏi và nghiên cứu rất nhiều. Tôi phải làm việc chăm chỉ và thành công chỉ đến khi bạn đặt hết niềm tin và đam mê vào điều mình theo đuổi”.

CEO Vietjet trong đời thường

Có tầm nhìn vượt trội, cá tính mạnh mẽ, nhưng ở bà Nguyễn Thị Phương Thảo toát lên nét nữ tính, nhân hậu và thân thiện.

Ở gia đình, bà là một bà mẹ “bỉm sữa” thực sự, được mẹ chồng thương quý như con gái. Công việc bận rộn, nhưng bà nấu ăn giỏi, thường tự tay chăm sóc cho các con. Bà luôn đồng hành cùng con trong các hoạt động ở trường lớp. Bà chia sẻ: “Bọn trẻ lớn nhanh lắm, mình không muốn bỏ lỡ những giây phút cùng con lớn lên”.

Với nhân viên, bà luôn chia sẻ, động viên, hướng cho đội ngũ của mình sự tự tin. Những nhân viên bộ phận chăm sóc, bảo dưỡng máy bay vẫn truyền tai nhau câu chuyện cảm động đêm cuối năm, bà Thảo cùng Ban lãnh đạo Vietjet đi thị sát sân bay mùa cao điểm, để cảm nhận công việc thực tế trên tàu bay, đã tự tay cầm giẻ lau máy bay, lật từng chiếc ghế lên hút bụi, nhặt những sợi tóc nhỏ li ti giắt dưới sàn tàu.

Khi biết một nhân viên lớn tuổi không quản ngại ngày đêm, nhiều năm cần mẫn làm tốt công việc dọn vệ sinh, bà gọi ngay bộ phận nhân sự yêu cầu tăng lương cho nhân viên này.

Với cộng đồng, bà dành nhiều quan tâm đến trẻ nhỏ và người nghèo. Các hoạt động từ thiện của bà thường dành cho các cơ sở đang nuôi dưỡng trẻ mồ côi, tàn tật. Bà không chỉ dành cho bọn trẻ những món quà vật chất cần thiết mà còn dành cho chúng sự yêu thương, những món quà tinh thần vô giá. Hình ảnh CEO Vietjet “quậy” tưng bừng trên sân khấu để đem lại nụ cười cho trẻ nhỏ hay bị chúng vò đầu, bứt tai, xô vào ôm ấp, vây xung quanh như trảy hội là hình ảnh thường thấy mỗi khi bà đi làm công tác từ thiện xã hội.